Anphabe - đơn vị tư vấn tiên phong tại châu Á về các giải pháp nguồn nhân lực hạnh phúc và thương hiệu nhà tuyển dụng vừa công bố kết quả khảo sát về 7 nghiên cứu thú vị và những điểm mù của doanh nghiệp trong chiến lược chọn nhân tài trẻ.
7 phát hiện thú vị về cách chọn nghề nghiệp của giới trẻ. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn |
Anphabe đưa ra nghiên cứu thứ nhất, Gen Z (những bạn trẻ sinh từ 1998 đến 2010) hay còn gọi là thế hệ thiên kỷ, thế hệ này quá độc lập và tự tin vào quan điểm cá nhân nên doanh nghiệp mất vai trò định hướng.
Khác với các thế hệ trước, có tới 81% các bạn trẻ Gen Z tự tin hiểu rõ bản thân, biết mình thích và không thích làm gì. Xét về yếu tố tác động đến định hướng nghề nghiệp của Gen Z, ngạc nhiên thay, họ chủ yếu chỉ dựa vào sở thích và năng lực cá nhân. Vai trò của nhà trường và nhà tuyển dụng trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp là rất thấp.
Thứ 2, Gen Z có mong muốn nghề nghiệp rõ ràng và rất nhiều doanh nghiệp đã “lọt” khỏi danh sách mong muốn đó. Nếu có thì độ cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt.
Mê khởi nghiệp, thích tự do và hướng về xã hội, Gen Z mong muốn những lựa chọn nghề nghiệp vô cùng “mở” sau khi tốt nghiệp:
- 34% sinh viên Gen Z sẵn sàng đầu quân cho các công ty Start-up hoặc tự kinh doanh riêng.
- 8% các bạn cho rằng “chẳng cần đi làm công ty, làm tự do cũng tốt”
- 14% thích làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận, thể hiện khuynh hướng rõ ràng của các "nhà hoạt động xã hội tương lai’'.
Thực tế thứ 3, Gen Z cởi mở với vô vàn lựa chọn nghề nghiệp chẳng liên quan gì đến ngành học, doanh nghiệp vì thế “đụng” phải vô vàn đối thủ cạnh tranh nhân tài mới.
Thứ 4, với Gen Z, "Internet" là chân lý. Trong khi sự hiện diện online của các doanh nghiệp là rất hạn chế. Với đặc trưng của một công dân "Internet", Gen Z được xem là “chuyên gia săn lùng sự thật”. Bởi vì “không biết thì hỏi Google, chưa rõ thì tra Youtube”, khi lựa chọn công ty, Gen Z sẽ tự tìm kiếm và đặt niềm tin gần như tuyệt đối vào thông tin trên mạng và đánh giá của cộng đồng, cao hơn rất nhiều so với tư vấn từ bạn bè, anh chị đi trước hay người thân bên cạnh.
Thứ 5, 40% sinh viên từ năm đầu đã tích cực tham gia các hoạt động gặp gỡ nhà tuyển dụng và xây dựng trải nghiệm đi làm thì đánh giá của họ về các hoạt động của các công ty là rất hạn chế. Cụ thể:
- Sinh viên nhóm ngành Y Dược, Kiến Trúc - Thiết Kế - Xây dựng đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp rất thiếu và yếu.
- Nhóm sinh viên Nông - Lâm - Ngư nghiệp và Điện - Điện tử - Viễn Thông - Tự động hóa cho rằng có nhiều hoạt động hỗ trợ từ doanh nghiệp nhưng hiệu quả chưa tốt...
Thứ 6, khi đo lường trên khung năng lực mà các doanh nghiệp yêu cầu ứng viên phải có khi đi làm, chỉ dưới 50% sinh viên Gen Z thực sự tự tin theo tất cả các tiêu chí từ kỹ năng quản lý bản thân, tương tác, kiến thức căn bản và chuyên môn cho đến kỹ năng quản lý đội nhóm.
Cuối cùng, thế hệ Z “tài năng nhưng mong manh dễ vỡ” chắc chắn sẽ tạo ra những thách thức về quản lý.
Những phân tích về thái độ cho thấy hình ảnh rất đối lập khi Gen Z là thế hệ thích học hỏi nhưng lại ngại bị phê bình; Làm việc trách nhiệm nhưng điểm yếu là không chịu được áp lực; Thích nghi nhanh nhưng lại ít thoải mái nếu có quá nhiều thay đổi.
Theo Đỗ Phương (LĐO)