
Chiến dịch Xuân Lộc kéo dài từ ngày 9 đến 21/4/1975. Đây là chiến dịch đặc biệt quan trọng, diễn ra rất ác liệt vì địch tăng cường phòng thủ và kêu gọi binh sỹ tử thủ. Tại đây ta đã dùng mưu kế đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở rộng đường tiến thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chiến dịch Xuân Lộc được coi là một điển hình về nghệ thuật dùng mưu kế đánh địch trong kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại.
Xuân Lộc là một thị xã thuộc tỉnh Long Khánh (nay thuộc tỉnh Đồng Nai), là khu vực phòng thủ trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản của Sài Gòn (gồm Biên Hòa-Xuân Lộc-Bà Rịa-Vũng Tàu).
Xuân Lộc án ngữ phía Đông đường vào Sài Gòn, với những trục giao thông quan trọng như: Quốc lộ số 1, Quốc lộ 20, Quốc lộ 15; là hướng thuận lợi nhất để quân ta tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn. Đây là tuyến phòng thủ quan trọng nhất, được xây dựng tốt nhất trong toàn bộ tuyến phòng thủ hướng về Sài Gòn- thủ phủ của chính quyền Ngụy.
Tại đây, địch bố trí lực lượng cực mạnh với hệ thống công sự phòng thủ kiên cố, nhiều tầng, gồm: Sư đoàn bộ binh 18, Trung đoàn 8/Sư đoàn bộ binh 5, Lữ đoàn kỵ binh 3 (các thiết đoàn M41, M113, M48), 2 tiểu đoàn Biệt động quân, 2 tiểu đoàn Pháo binh (các pháo đội 105mm và 155mm), cùng lực lượng cảnh sát, địa phương quân.
Lực lượng sẵn sàng tăng viện gồm Lữ đoàn dù số 1, Liên đoàn 81 biệt cách dù, toàn bộ hỏa lực của không quân từ hai sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất.
Đối với ta, Xuân Lộc trở thành một trong những mục tiêu quan trọng trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ta đã quyết định sử dụng một bộ phận lực lượng của Quân đoàn 4 (gồm các Sư đoàn 6,7 và 341) phối hợp với bộ đội địa phương và nhân dân tỉnh Long Khánh mở chiến dịch tiến công Xuân Lộc.
Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho các lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam nhanh chóng đập tan các tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, chiếm lĩnh những địa bàn quan trọng, tạo thế trận và bàn đạp cho các lực lượng chủ lực cơ động tiến công vào nội đô.
Điện khẩn ngày 2/4/1975 của Quân ủy Trung ương gửi Quân ủy Miền chỉ rõ: “Cần có kế hoạch tức khắc tập trung pháo lớn, phần nào xe tăng và bộ binh, nhân lúc địch hoang mang, diệt bọn bại binh mới chạy về, tiêu diệt một bộ phận Sư đoàn 18, đánh chiếm Xuân Lộc, áp sát Biên Hòa. Khống chế được sân bay Biên Hòa thì không quân (địch) mất tác dụng, địch ở Sài Gòn sẽ hoang mang to.”

Sáng ngày 9/4/1975, trên các hướng bộ đội ta đồng loạt nổ súng tiến công vào các mục tiêu đã lựa chọn trong thị xã. Trên hướng tiến công chủ yếu (phía Đông), Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn bộ binh 7 (Quân đoàn 4) được tăng cường 8 xe tăng tiến công căn cứ Sư đoàn 18 bộ binh địch. Do bị địch ngăn chặn quyết liệt, ta phải chuyển hướng đánh hậu cứ Chiến đoàn 52 địch.
Trên hướng thứ yếu (phía Bắc), Trung đoàn 266 thuộc Sư đoàn bộ binh 341 (Quân đoàn 4) tiến công các mục tiêu, gồm khu thông tin, cố vấn Mỹ, cảnh sát, bảo an... Đến khi ta đánh vào dinh Tỉnh trưởng thì bị địch tập trung lực lượng phản kích dữ dội.
Trong khi đó ở vòng ngoài, Trung đoàn 270 (Sư đoàn 341 bộ binh) phối hợp với Trung đoàn 209 (Sư đoàn bộ binh 7) đánh bại 2 tiểu đoàn của 2 chiến đoàn (43, 48) từ Tân Phong và núi Thị vào ứng cứu, bắt 174 quân địch, giải phóng ấp Bảo Toàn. Cùng lúc, tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa tiến công địch ở suối Cát, đồng thời Sư đoàn bộ binh 6 diệt 5 chốt trên Quốc lộ 1, buộc Tiểu đoàn 1 (Chiến đoàn 52 của địch) phải lui về cố thủ ở ngã ba Dầu Giây.
Như vậy, trong ngày đầu ta đã chiếm được một phần hai thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu, đã đưa được 3 tiểu đoàn vào bên trong và thực hiện cắt đường 1 ở đoạn ngã ba Dầu Giây - đèo Mẹ Bồng Con.
Trong một diễn biến khác, vào ngày 9/4/1975, phát hiện địch có hiện tượng rút quân khỏi các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Bộ Tổng Tư lệnh điện “tối khẩn” cho các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân và Đại tá Hoàng Hữu Thái Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân ở Đà Nẵng: “Có tin quân Ngụy chuẩn bị rút khỏi Nam Sa. Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm.”
Mệnh lệnh tiến đánh giải phóng đảo Song Tử Tây được truyền xuống các đơn vị tham gia đánh chiếm đảo. Cùng ngày 9/4/1975, Ban Bí thư ra Thông tri số 312-TT/TƯ về tuyên truyền chiến thắng, động viên thi đua với miền Nam ruột thịt, giành nhiều thắng lợi mới.
Thông tri nhấn mạnh: “... Sự phát triển nhanh chóng của cách mạng miền Nam đặt ra nhiều yêu cầu mới cần giải quyết. Những thắng lợi ở miền Nam đang dấy lên khí thế cách mạng sôi nổi trong cả nước. Cần thông báo nhanh, sâu rộng tin chiến thắng, động viên chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, làm cho mọi người thấy rõ ý nghĩa thắng lợi và trách nhiệm của mình trước tình hình mới, góp phần cố gắng lớn nhất vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc”.
Ở hậu phương miền Bắc, Hội đồng chi viện Trung ương đã khẩn trương làm việc. Đồng bào Tây Bắc, Việt Bắc đã gửi kiến nghị lên Trung ương yêu cầu tạm ngừng vận chuyển hàng hoá, thực phẩm lên địa phương mình, để tập trung chi viện kịp thời cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Các nhà máy, xí nghiệp cũng huy động tới 30-50% quân số đi tham gia phục vụ chiến trường.
[Nguồn: TTXVN; Thời khắc lịch sử chiến dịch Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2005; Sự kiện và những con số lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015; Từ trận Phai Khắt, Nà Ngần đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2024]
Theo TTXVN/Vietnam+