50 năm đất nước thống nhất: Nơi đất lành chim đậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Số người dân sinh sống và làm việc nhiều hơn, thu nhập bình quân và mức sống tăng mạnh cũng như số doanh nghiệp ra đời gấp nhiều lần là những kết quả thấy rõ khi kinh tế TP.HCM phát triển sau 50 năm.

Từ thiếu điện, thiếu nước đến những nhà máy hiện đại

Sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, bắt đầu với công việc của những người lao động phổ thông cơ cực là bán thuốc lá dạo để mưu sinh, ông chủ Lâm An Dậu của Công ty cổ phần Giấy Vĩnh Tiến đến nay vẫn không quên những ngày đó. Những năm tháng sau khi đất nước thống nhất, ông phải nghỉ học vì nhà nghèo và "lăn" vào đời bằng việc bán thuốc lá vỉa hè, rồi bán dạo và tiến đến buôn bán giấy phế liệu rồi lập cơ sở sản xuất giấy. Sau nhiều năm bươn chải, cơ sở sản xuất giấy đầu tiên được thành lập tháng 5.1980 với 15 người, chuyên sản xuất giấy đánh máy, giấy quay roneo và gia công đóng tập học sinh cho Công ty Bách hóa miền Nam (đơn vị chuyên sản xuất văn phòng phẩm thời bấy giờ). Giai đoạn đầu, điện, nước không đủ nên cơ sở thường xuyên phải ngừng sản xuất.

Sau năm 1986, khi cơ chế thị trường mở ra, Vĩnh Tiến bắt đầu thay đổi mạnh mẽ, chuyển sang sản xuất giấy tập học sinh với cả trăm công nhân và tiên phong tự mở cửa hàng tiếp thị, bán lẻ để giới thiệu sản phẩm. Năm 1993 ghi dấu mốc quan trọng hơn trong sự phát triển của Vĩnh Tiến với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhảy từ sản xuất thủ công lên công nghệ tự động hóa. Đó cũng là thời điểm TP.HCM bắt đầu đóng điện đường dây 500 kV Bắc - Nam, nhà máy sản xuất không còn lo thiếu điện, thiếu nước như trước. Từ đó, sản phẩm Vĩnh Tiến từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Có thời điểm, công ty tạo việc làm cho 500 - 600 người và chiếm 50 - 60% thị phần tập học sinh phía nam. Trong thời điểm, TP.HCM chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất thì Vĩnh Tiến cũng đã có 45 năm hoạt động và ông Dậu chứng kiến sự phát triển rõ rệt của TP qua từng giai đoạn.

"Ngày xưa ở Q.6, Q.8 và H.Bình Chánh chủ yếu là ao cá, ruộng lúa, ruộng sen, rau muống thì nay được đô thị hóa với những con đường thênh thang, các khu phố đông vui sầm uất, đời sống người dân thay đổi. Từ lúc kinh tế đổi mới theo cơ chế thị trường, hoạt động kinh tế tư nhân được khuyến khích và các doanh nghiệp ra đời nhiều hơn, đóng góp vào sự thay đổi đó. Lãnh đạo TP luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động. Các khó khăn vướng mắc được lắng nghe, tháo gỡ rất nhanh. Vì vậy doanh nghiệp có cơ hội phát triển mạnh. Tôi có nhiều điều kiện để ra nước ngoài nhưng vẫn chọn ở lại quê hương tiếp tục sinh sống và làm việc. TP từ trước đến nay vẫn luôn là đất lành chim đậu và nhiều người sẽ dễ có cơ hội làm ăn", ông Lâm An Dậu chia sẻ.

Công ty Vĩnh Thành Đạt với dây chuyền chế biến trứng tự động. ẢNH: CÔNG TY CUNG CẤP
Công ty Vĩnh Thành Đạt với dây chuyền chế biến trứng tự động. ẢNH: CÔNG TY CUNG CẤP
Nhà máy hiện đại của Phúc Sinh. ẢNH: CÔNG TY CUNG CẤP
Nhà máy hiện đại của Phúc Sinh. ẢNH: CÔNG TY CUNG CẤP

Giấy Vĩnh Tiến là một trong những câu chuyện chứng minh TP.HCM đã phát triển mạnh, làm thay đổi đời sống của người dân. Từ chỗ thiếu ăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao thì giờ đây, thu nhập của hầu hết người dân TP đã gia tăng. TP.HCM bắt đầu thực hiện chương trình Giảm nghèo bền vững vào đầu năm 1992 với tên gọi chương trình Xóa đói giảm nghèo. Sau nhiều năm với 7 giai đoạn, 10 lần điều chỉnh chuẩn nghèo thì đến cuối năm 2023, TP tự hào công bố chính thức không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia từ lâu và đang phấn đấu để không còn hộ nghèo theo chuẩn TP.

An cư lạc nghiệp

Với người nhập cư, TP.HCM chính là nơi nuôi dưỡng những khát vọng thanh xuân. Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, kể lại câu chuyện của mình khi bước chân từ quê hương Sóc Trăng đến TP.HCM để học đại học. Ông vừa học vừa kinh doanh bằng cách lấy trứng gà, trứng vịt từ quê đưa lên TP bỏ mối. Sau khi ra trường, ông mở vựa trứng kinh doanh theo hình thức hộ gia đình. Đột ngột cuối năm 2003, tại TP bùng nổ dịch cúm gia cầm nên thịt và trứng gia cầm đều bị cấm buôn bán, các vựa trứng lao đao. Sau đó, TP có quy định muốn kinh doanh trứng thì người bán phải đầu tư máy móc, thiết bị khử trùng và đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Đây chính là bước ngoặt và cơ hội để ông Thiện thành lập Vĩnh Thành Đạt.

Nhờ tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, Vĩnh Thành Đạt trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại TP.HCM đạt bộ tiêu chí được phép hoạt động trở lại và cũng là thương hiệu đầu tiên đưa trứng sạch vào hệ thống siêu thị. Nhờ đó, từ một cá nhân kinh doanh theo hộ gia đình gặp khó khăn vì dịch cúm trở thành một doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng, thương hiệu mạnh. Từ quy mô 30 người ở một văn phòng nhỏ thì công ty đã xây dựng nhà xưởng với dây chuyền tự động hoàn toàn với quy mô tăng gần 10 lần, lên hơn 300 nhân viên của công ty và chi nhánh tại Sóc Trăng. Đồng thời, công ty còn liên kết với các hộ nông dân để tổ chức chăn nuôi gia cầm, thu mua trứng ở nhiều tỉnh, thành phố khác với khoảng 200 nhân sự…

"Nhân viên của công ty nhiều người nay đã đi xe hơi rồi", ông Thiện nói như để chứng minh rõ sự phát triển của TP.HCM qua đời sống người dân. "TP.HCM là thị trường lớn, có nền tảng để bất kỳ ai ở các địa phương khác đến đây cũng có nhiều cơ hội để phát triển. TP là địa phương có nhiều quyết sách linh động, sáng tạo để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển", ông kết luận.

Từ miền Bắc vào, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh, sinh ra ở Hải Phòng, học tại Hà Nội và chọn TP.HCM làm nơi lập nghiệp. Bắt đầu mở công ty vào năm 2001 khi trong túi chỉ có vài chục triệu đồng với 3 người thuê một văn phòng 25 m2 ở Q.4. Với ông, hình ảnh khi đặt chân đến TP hơn 25 năm trước là ngay trung tâm Q.1 vẫn còn chợ Cầu Muối nhếch nhác. Khi qua Q.4 để thuê văn phòng vì giá rẻ thì nơi đây vẫn còn những ruộng rau muống. Tuy nhiên, song hành với sự đổi thay của TP cùng chính sách khuyến khích công ty tư nhân xuất nhập khẩu trực tiếp, Phúc Sinh cũng từng bước phát triển mạnh. Năm đầu tiên kinh doanh, công ty chỉ đạt 200.000 USD thì đến năm 2024 vừa qua doanh thu lên đến 320 triệu USD, mức tăng 1.600 lần. Người được mệnh danh là "vua tiêu" luôn quan niệm công ty phát triển thì mọi nhân viên đều phải có lợi ích. Thế nên gần chục năm trước, công ty đã bắt đầu có chương trình cho người lao động vay tiền, thời gian lên đến 10 năm không lãi suất để mua nhà.

"Lúc đó số tiền công ty cho vay đủ để nhân viên mua 1 căn hộ hay một căn nhà phố cấp 4. Gần đây thì nhân viên không có nhu cầu vay nhiều vì hầu hết đã có nhà. Những người vay tiền công ty mua nhà trước đây giờ tài sản cũng tăng 4-5 lần. Bình quân, thu nhập của nhân viên công ty đã tăng gấp 50 lần sau 20 năm chúng tôi hoạt động. TP là mảnh đất nuôi người, tạo dựng sự nghiệp. Chúng tôi tự hào từ một công ty nhỏ đã phát triển thành công ty tư nhân đứng hàng đầu trong xuất khẩu tiêu và nông sản của VN, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM", ông Phan Minh Thông chia sẻ.

Suốt nhiều năm, TP.HCM luôn có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đông đảo, chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp cả nước. Quy mô dân số từ 2,3 triệu dân đến nay đã lên gần 10 triệu dân, mỗi năm tạo ra giá trị kinh tế (GRDP) cả triệu tỉ đồng (năm 2024 GRDP của TP đạt 1,17 triệu tỉ đồng theo giá so sánh năm 2010).

Theo Mai Phương (TNO)

Có thể bạn quan tâm

50 năm thống nhất - Ngày 30/3/1975: Triển khai giải phóng Tuy Hòa, xuyên rừng về Diên Khánh

50 năm thống nhất - Ngày 30/3/1975: Triển khai giải phóng Tuy Hòa, xuyên rừng về Diên Khánh

Ngày 30/3, thực hiện kế hoạch giải phóng thị xã Tuy Hòa (Phú Yên), Tiểu đoàn 9 và Trung đoàn 3 Sư đoàn 320 hành quân xuống Đèo Cả, trong khi lực lượng ở Khánh Hòa cũng xuyên rừng tiến về Diên Khánh, Sư đoàn 10 Binh đoàn Tây Nguyên tiến về Nha Trang.

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Du lịch chiến trường xưa

Du lịch chiến trường xưa

(GLO)- Cuối tháng 2 vừa qua, một cựu binh Mỹ đưa gia đình quay lại thăm nơi ông từng đóng quân trong Chiến dịch Plei Me, thung lũng Ia Drăng và một số địa danh khác trên địa bàn huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.