50 năm thống nhất đất nước-Ngày 4/4/1975: Chỉ thị giải phóng quần đảo Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ huy lực lượng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa là đồng chí Mai Năng - Đoàn trưởng Đoàn 126; Chỉ huy phó là đồng chí Dương Tấn Kịch của Đoàn 125.

Chiến sỹ đảo Chim (quần đảo Trường Sa) canh gác bảo vệ đảo. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chiến sỹ đảo Chim (quần đảo Trường Sa) canh gác bảo vệ đảo. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chiều ngày 4/4/1975, sau khi bàn bạc thống nhất với Quân ủy Trung ương và Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký bức mật điện số 990B/TK.

Nội dung bức điện như sau: “Điện đặc biệt 4/4/1975 gửi Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu V và Bộ Tư lệnh Hải quân. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu V, Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng.”

Bức mật điện được tốc chuyển đến các đồng chí: Võ Chí Công - Chính ủy Quân khu 5, Chu Huy Mân - Tư Lệnh Quân khu 5 và Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát đang có mặt tại Đà Nẵng.

Đồng chí Nguyễn Bá Phát đã nhanh chóng trao đổi với Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân và giao nhiệm vụ cho Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Hoàng Hữu Thái, yêu cầu tổ chức lực lượng thực hiện Chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, tranh thủ thời cơ giải phóng quần đảo Trường Sa do quân ngụy chiếm đóng, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm trước.

Tiếp sau đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tiếp tục chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân những nhiệm vụ cụ thể, nhằm giải phóng các đảo và quần đảo. Việc giải phóng quần đảo Trường Sa đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Mệnh lệnh được thi hành tức khắc. Quân khu 5 cùng Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai ngay kế hoạch tác chiến. Các lực lượng của Quân khu 5 cùng một biên đội tàu và lực lượng đổ bộ của Hải quân được tổ chức lại gồm: Các tàu vận tải 673, 674, 675 của Đoàn 125 vừa từ Hải Phòng vào tiếp quản Đà Nẵng - những “con tàu không số” này vốn từng quen với "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển," nhiều lần qua lại khu vực quần đảo Trường Sa nên đã quen đường, phân biệt các đảo và cũng có kinh nghiệm tránh đá ngầm; Đội 1 Đoàn 126 đặc công là đơn vị có bề dày thành tích với cách đánh bí mật, bất ngờ, đã đánh chìm nhiều tàu địch ở chiến trường Cửa Việt.

Chỉ huy lực lượng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa là đồng chí Mai Năng - Đoàn trưởng Đoàn 126; Chỉ huy phó là đồng chí Dương Tấn Kịch của Đoàn 125.

Cũng trong ngày 4/4/1975, Quân đoàn 3 được lệnh hành quân vào miền Đông Nam Bộ.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu gửi điện hoả tốc cho Quân đoàn 3 ngụy, chỉ thị bằng bất cứ giá nào cũng phải tổ chức cố thủ từ Ninh Thuận trở vào, nếu cần sẽ đem hết lực lượng ra đó quyết chiến; đồng thời, quyết định sáp nhập 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào Quân khu 3, tổ chức Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 3 ngụy do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh đóng tại Phan Rang./.

[Nguồn: TTXVN; Thời khắc lịch sử: Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005; Những chiến dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong Đại thắng mùa Xuân 1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010; Sự kiện và những con số lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015; Quyết định lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015; Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019; Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024; Từ trận Phai Khắt, Nà Ngần đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024].

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Bình Phước: Đất lửa nở hoa

Bình Phước: Đất lửa nở hoa

Bình Phước có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ giao thương hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, nơi giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên.

Du lịch chiến trường xưa

Du lịch chiến trường xưa

(GLO)- Cuối tháng 2 vừa qua, một cựu binh Mỹ đưa gia đình quay lại thăm nơi ông từng đóng quân trong Chiến dịch Plei Me, thung lũng Ia Drăng và một số địa danh khác trên địa bàn huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.