41 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc - Kỳ 1: Những công nhân ở tuyến đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (17.2.1979), công nhân và tiểu đoàn tự vệ mỏ Apatit Lào Cai, công nhân các nhà máy Điện Lạng Sơn, Lào Cai…đã bảo vệ nhà máy đến phút cuối cùng...
Khu tập thể nhà máy Điện Lào Cai bị tàn phá - Ảnh: Tư liệu của tác giả
Khu tập thể nhà máy Điện Lào Cai bị tàn phá - Ảnh: Tư liệu của tác giả
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (17.2.1979) có một lực lượng chiến đấu thầm lặng, đó là những công nhân, viên chức ở các nhà máy, hầm mỏ… Họ cũng đã cùng chung sức chiến đấu với lực lượng vũ trang mà đôi khi vẫn còn ít được nhắc đến.
Như công nhân và tiểu đoàn tự vệ mỏ Apatit Lào Cai, công nhân các nhà máy Điện Lạng Sơn, Lào Cai… đã từng dũng cảm cầm cự, bảo vệ nhà máy, bảo vệ tài sản của nhà nước đến phút cuối cùng, dù có phải hy sinh.
Viên ngọc vùng biên cương
Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô lúc đó, 2 nhà máy Điện Vinh và Lào Cai được khởi công xây dựng vào những năm 1957 - 1959. Nhà máy Điện Lào Cai với công suất thiết kế chỉ với 8MW (8000kw) lúc đó đã là điều rất quý hiếm. Đến tháng 11.1959 nhà máy Điện Lào Cai được khánh thành.
Còn nhớ khi đó trong lễ khánh thành, nhà máy được trang hoàng 1.500 bóng đèn… toàn bộ nhà máy và ống khói cao 45 m, cả bầu trời Lào Cai vùng biên giới rực sáng ánh điện suốt những đêm đông giá lạnh. Nhân dân, đặc biệt là các đồng bào dân tộc Lào Cai kéo về nhà máy để chiêm ngưỡng ánh điện đầu tiên của cả vùng biên cương.

Nhà máy điện Lào Cai lung linh với hàng ngàn bóng đèn thắp sáng suốt 7 ngày đêm như viên ngọc vùng biên là niềm tự hào của cán bộ công nhân viên nhà máy và cả nhân dân tỉnh Lào Cai khi đó. Nhà máy Điện Lào Cai vận hành cung cấp điện cho Mỏ Apatit Lào Cai và cả cho thị trấn Hồ Kiều của Trung Quốc (đến năm 1961).

Nhà máy nhiệt điện Lào Cai - Ảnh: Tư liệu của tác giả
Nhà máy nhiệt điện Lào Cai - Ảnh: Tư liệu của tác giả
Sẵn sàng cho chiến đấu
Thời gian từ giữa năm 1978, phía Trung Quốc tổ chức cho người sang Việt Nam đi vào các huyện vùng biên mua rất nhiều trâu bằng cách đổi cho đồng bào ta chăn màn, vải vóc, phích nước vì thời gian này các mặt hàng đó rất hiếm ở Việt Nam. Một con trâu có thể đổi được 4 - 5 vỏ chăn hoặc hàng chục mét vải và phích nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm con trâu đã được đổi chác mang về Trung Quốc, nhưng họ đổi trâu làm gì thì không ai biết mục đích, chỉ nghĩ là nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Khi đó ta chỉ giải thích, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc phải giữ trâu để bảo vệ sản xuất, nhưng nạn đổi trâu và hàng hóa vẫn diễn ra…
Cùng với các hiện tượng đó, phía Trung Quốc liên tục củng cố và phát triển các hệ thống quân sự, họ kéo pháo, xây công sự trên các điểm cao mà hằng ngày từ phía Lào Cai nhìn sang thấy rất rõ. Họ còn dùng hệ thống loa phát thanh với công suất rất lớn, chĩa sang phía Lào Cai, nói xấu Việt Nam.
Đầu năm 1979, sau Tết, tình hình biên giới Lào Cai ngày càng căng thẳng. Nhà máy Điện Lào Cai khi đó đã được tỉnh Hoàng Liên Sơn xác định là một trọng điểm cần được bảo vệ và giữ vững trong mọi tình huống. Thời kỳ đầu năm 1979 liên tục nhiều đoàn của ngành điện, của quân khu đến nhà máy kiểm tra, phổ biến tình hình và động viên CBCNV nhà máy “giữ vững, vận hành an toàn nhà máy trong mọi tình huống”. Tất cả CBCNV nhà máy rất yên tâm phấn khởi với khẩu hiệu “Một tất không đi, một ly không dời”.
Đại đội Tự vệ của nhà máy được trang bị thêm nhiều súng AK, công sự được đào ven bờ sông quanh nhà máy, CBCNV ngày đêm đào hầm trú ẩn cho các gia đình.
Cũng vì khẩu hiệu “Một tất không đi, một ly không dời” đó nên số CBCNV và con em mình vẫn ở nguyên tại các khu tập thể, không một ai đi sơ tán. Đặc biệt những cán bộ, đảng viên và gia đình đều gương mẫu không một ai cho gia đình họ sơ tán về tuyến sau.
Lực lượng dân quân tự vệ của thị xã được huy động làm hàng rào bằng dây thép gai bên bờ sông Nậm Thị phía Lào Cai dài hơn 10km. Hàng rào làm xong khi đêm xuống sẽ đóng điện để ngăn thám báo vượt biên giới sang Lào Cai quấy rối, phá hoại. Do hàng rào điện được hình thành vì vậy ngoài nhiệm vụ vận hành đảm bảo an toàn hệ thống điện cung cấp cho Mỏ Apatit Lào Cai đang sản xuất thì nhà máy còn có nhiệm vụ cung cấp điện cho hệ thống hàng rào phòng thủ quan trọng này.
17.2.1979 không bao giờ quên
5 giờ sáng ngày 17.2.1979, các gia đình ở khu tập thể của nhà máy đã thức dậy vì nghe rất nhiều tiếng động ầm ì như tiếng sấm báo hiệu như sắp có mưa, nhưng rồi những tiếng sấm đó ngày càng cấp tập và nghe càng gần hơn. Chỉ khoảng nửa tiếng sau thì những tiếng nổ của pháo từ phía Trung Quốc bắn cấp tập sang thị xã Lào Cai. Tất cả mọi người vội vàng dắt díu con cái còn đang ngái ngủ ra hầm trú ẩn. Pháo Trung Quốc ngày càng cấp tập, chuyển làn vào trung tâm thị xã, rót trực tiếp vào nhà máy.
8 giờ sáng, pháo từ phía Trung Quốc tạm dừng, tất cả nam CNVC của nhà máy và đại đội tự vệ được tập trung trong nhà máy để được phân công nhiệm vụ. Ban chỉ huy nhà máy được hội ý khẩn cấp để phân công. Người lo điều hành nhà máy để đảm bảo phát điện liên tục, người điều hành lực lượng tự vệ, người lo công tác sơ tán người già, phụ nữ và trẻ em…
Đến khoảng 9 giờ, pháo lại cấp tập bắn vào nhà máy. Giữa lúc đó kíp vận hành lò báo than đã gần hết, phải khẩn trương tiếp than cho lò để duy trì cho máy phát điện liên tục (lúc này mỏ Apatit vẫn đang làm việc với các máy xúc lớn cần tới 500 kw mỗi máy). Nhưng tất cả máy xúc than, các ô tô đậu ở nhà xe đã bị pháo phá hủy hoàn toàn.
Thế là anh Trung Vân, anh Thừa (giám đốc và bí thư Đảng ủy) đứng giữa anh em hô hào rất nghiêm chỉnh và tha thiết rằng: Chúng ta đã hứa với cấp trên là đảm bảo vận hành nhà máy đến phút cuối cùng, vậy chúng tôi kêu gọi tất cả anh em, trước hết là các Đảng viên, hãy cầm xẻng ra ngay bãi than để xúc than và tải lên lò đảm bảo cho nhà máy chạy.
Thế là mấy chục anh em mỗi người một xẻng chạy dưới làn đạn pháo đang nã vào nhà máy. Tất cả chúng tôi khẩn trương xúc từng xẻng than vào bon ke, chẳng mấy chốc bon ke than đã đầy. Lúc này cần người lên băng tải than để bấm máy cho băng tải chạy đưa than vào bon ke của lò đang vận hành.
Tôi đã từng là dân thợ lò, lúc đó nhà băng tải pháo bắn kính vỡ hết. Tôi phải bò trên những mảnh kính vỡ và chỉ khoảng 5 phút sau hệ thống 2 băng tải đã vận hành chuyển được hàng tấn than cung cấp cho lò rực lửa hồng giữa những làn đạn pháo vẫn bắn xối xả vào nhà máy. Tập trung tại nhà máy lúc đó có khoảng 40 anh em hầu hết là Đảng viên, Đoàn viên Thanh niên.
Đến khoảng hơn 10 giờ đạn pháo của Trung Quốc bắn cấp tập làm đứt đường dây 35kv, mạch chính cung cấp điện vượt sông Hồng vào mỏ Apatit Lào Cai. Công suất nhà máy lúc này chỉ còn cung cấp điện nội bộ. Lãnh đạo nhà máy chúng tôi họp lại, có ý kiến nêu ngừng nhà máy, nhưng đa số đều quyết định vẫn tiếp tục vận hành giữ dòng điện đến cùng vì lúc này biết đâu hệ thống hàng rào ven sông Nậm Thị đã được đóng ngăn quân Trung Quốc tràn sang. Chúng tôi lại cầm cự giữ cho nhà máy vận hành bình thường.
Đến gần 11 giờ 30 phút đây là thời gian sắp đến giờ kéo còi tạm nghỉ trưa như thường lệ, nhưng hôm nay giữa lúc chiến tranh ác liệt này liệu có còn ai đi làm mà kéo còi, nhưng giám đốc Trung Vân vẫn ra lệnh, kéo còi tầm đúng 11 giờ 30 phút.
Anh Trung Vân giải thích rằng: kéo còi lúc này là để báo cho nhân dân Lào Cai và bộ đội trực trên các điểm cao biết rằng nhà máy Điện Lào Cai chúng ta vẫn duy trì dòng điện đến cùng.
Sau tiếng còi vang lên báo hiệu nhà máy vẫn đang chạy, tiếng còi vọng cả sang phía Trung Quốc. Tức thì làn đạn pháo bắn rất cấp tập, đạn pháo lúc này bắn thẳng vào nhà máy mà không bắn kiểu cầu vồng như những lần trước.
Cả nhà máy rung chuyển, bui than bay mù mịt khắp nơi, mùi thuốc pháo, bụi than bao trùm khắp ngõ ngách nhà máy, 40 con người chúng tôi đen nhẻm bụi than.
Tất cả chúng tôi tụ lại dưới hầm nhà máy và phân công nhau ngừng nhà máy cấp tốc để bảo toàn lực lượng. Việc ngưng nhà máy cấp tốc nhưng không được vội vàng và phải làm đúng quy trình đã đề ra. Trong bụi than và nồng nặc mùi thuốc pháo chúng tôi vẫn bình tĩnh thao tác thuần thục các thiết bị để ngừng nhà máy. Lúc đó chúng tôi vẫn tâm niệm: nhà máy chỉ tạm thời ngừng để ít ngày nữa trở lại vận hành lại nhà máy.
Từ trên các điểm cao của quân Trung Quốc, thấy nhà máy khói đen bao phủ, các họng pháo ngưng không bắn nữa, thực ra một số đạn pháo đã bắn trúng bon ke chứa than nên bụi than bao phủ toàn bộ nhà máy (còn tiếp)
Theo Nguyễn Văn Kỷ (ThanhNiên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.