24 giờ theo chân bộ đội tuần tra vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong những ngày Tây Ninh đang căng mình chống dịch Covid-19, PV Thanh Niên theo chân lực lượng Đồn biên phòng cửa khẩu Phước Tân (Tây Ninh) tuần tra trên tuyến biên giới giáp Campuchia, để ngăn chặn nạn xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu...

Các chiến sĩ chốt phòng chống dịch số 3
Các chiến sĩ chốt phòng chống dịch số 3
Theo trung tá Đỗ Văn Khanh, Đồn trưởng Đồn biên phòng (BP) cửa khẩu Phước Tân (thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh), hiện đơn vị được giao quản lý 16 chốt chống dịch dọc tuyến biên giới dài 16 km giáp với Campuchia. Ngoài bộ đội biên phòng còn có sự tăng cường của lực lượng quân sự và công an. Tất cả chiến sĩ luôn căng mình túc trực 24/24, bởi đây là một trong những đoạn đường biên tội phạm thường hoạt động.
Những chuyến xe thực phẩm 0 đồng
Ngoài công tác tuần tra, mật phục, bảo vệ tuyến biên giới, trong những ngày giãn cách xã hội, chiến sĩ Đồn BP cửa khẩu Phước Tân còn tổ chức nhiều “chuyến xe thực phẩm 0 đồng”, đưa hàng hóa thiết yếu đến người dân biên giới gặp khó khăn. Đây là hoạt động do đại úy Bùi Thế Công, Chính trị viên phó Đồn BP cửa khẩu Phước Tân, đưa ra. Đại úy Công chia sẻ: “Trong những ngày này, người dân ở vùng biên giới, nhất là các khu vực phong tỏa, gặp nhiều khó khăn. Do đó, chúng tôi bàn tính tìm cách hỗ trợ bà con để giảm bớt phần nào khó khăn”. Vậy là hằng tuần, những chuyến xe chất đầy rau củ quả, nhu yếu phẩm xếp gọn trong từng túi lớn, túi nhỏ rong ruổi trên các nẻo đường biên giới hỗ trợ người dân.
Tờ mờ sáng 15.8, chúng tôi theo chuyến xe xuất phát từ Đồn BP cửa khẩu Phước Tân đến với bà con vùng biên giới thuộc xã Thành Long (H.Châu Thành). Một phần thực phẩm được mang đến gian hàng 0 đồng do các đoàn viên thanh niên xã lập ra, trao cho người dân; phần còn lại được các chiến sĩ mang đến tận cửa cho những người dân lớn tuổi không thể đi lại và đang trong khu phong tỏa. Vừa trao xong ở xã Thành Long, xe lại lăn bánh đến khu vực có nhiều bà con đồng bào Khmer sinh sống thuộc ấp Bố Lớn, xã Hòa Hội (H.Châu Thành). Bà Keo Onl (50 tuổi, già làng) vội thông báo cho những hộ khó khăn đến nhận. Bà Keo Onl khoe: “Khó khăn thì có khó, nhưng bà con được hỗ trợ thường xuyên nên cũng ấm lòng... Những người đến sau hết quà thì bà con lại chia nhỏ các phần ra cho nhau”.

Chằng dây cáp gia cố chốt chống dịch số 10 phòng giông lốc
Chằng dây cáp gia cố chốt chống dịch số 10 phòng giông lốc
Trên đường trở về, đại úy Công nói: “Những ngày đầu chống dịch, tuyến biên giới trở thành điểm nóng thì bà con gom góp nhau gói từng chiếc bánh tét, gom từng cái trứng, chai dầu ăn... tặng bộ đội. Và đến giờ, bà con gặp khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại để phòng dịch, thì bộ đội lại dồn sức hỗ trợ bà con”.
Bảo vệ chốt trước những cơn giông lốc
8 giờ ngày 15.8, PV Thanh Niên theo trung tá Đỗ Văn Khanh đi dọc các chốt để tổng kiểm tra công tác chuẩn bị nhiệm vụ trong ngày của chiến sĩ. Trung tá Khanh đến kiểm tra chốt phòng chống dịch số 10 nằm nép bên cánh rừng cao su. Ở đây, sau khi đã bố trí lực lượng tuần tra lưu động, các chiến sĩ còn lại tranh thủ mang mớ dây cáp vừa được Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh cấp, chằng lại lán trại phòng giông lốc. Người bắc thang leo lên mái nhà, người cắt dây, người nối cáp... tất cả đều diễn ra nhanh chóng. Bốn góc chốt chống dịch đã được chằng kỹ lưỡng với 4 sợi dây cáp to.
Rời chốt số 10, trung tá Khanh tiếp tục đến chốt số 12 cách đó khoảng 1 km để hỗ trợ dây cáp chằng chống. Đây là chốt nằm giữa cánh đồng trống, xung quanh là ruộng mía của người dân. “Những ngày này đang bắt đầu vào mùa mưa nên Bộ Chỉ huy cho bổ sung các sợi cáp lớn để bảo vệ chốt, nên anh em triển khai ngay”, trung tá Khanh nói.
Thấy tôi tỏ vẻ muốn tham gia chuyến tuần tra cùng các chiến sĩ, trung tá Khanh lưu ý: “Phải từ khung giờ 16 trở đi, bởi đây là thời điểm lực lượng BP thay ca để về tắm rửa, ăn cơm” và dẫn chứng: “Thời gian qua, chúng tôi đã bắt giữ nhiều vụ nhập cảnh trái phép ở khung giờ này”. Mới đây, lúc 16 giờ ngày 11.8, trong lúc tuần tra gần cột mốc số 153/1 (ấp Thành Nam, xã Thành Long), các chiến sĩ chốt số 15 phát hiện và bắt giữ H.T.X.H (30 tuổi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) đang tìm cách xâm nhập nội địa. “Nhưng phải đến chốt phòng chống dịch số 3, đó mới là điểm nóng hơn”, trung tá Khanh nói.

Thuốc lá các đối tượng vứt lại hiện trường khi bỏ chạy
Thuốc lá các đối tượng vứt lại hiện trường khi bỏ chạy
Mật phục trong đêm
Chốt phòng chống dịch số 3 được các chiến sĩ ví là “ốc đảo”, vì nằm trên đoạn biên giới có địa hình khá phức tạp, một mặt bao bọc bởi con rạch, một mặt bị che khuất bởi cánh rừng. Để vào được chốt, các chiến sĩ phải hành quân bộ gần 2 km, vượt qua nhiều cầu tạm bắc qua rạch, sau đó lội bộ qua cánh đồng lúa. Vừa đi, trung tá Đỗ Văn Khanh vừa lý giải: “Sở dĩ đồn chọn điểm này lập chốt vì nơi đây địa hình phức tạp, các đối tượng thường lợi dụng để tổ chức vượt biên, buôn lậu”.
16 giờ, một nhóm chiến sĩ vừa đổi ca, đi tuần tra về. Trung úy Lê Quốc Tháng vội vã đi ra sau chốt, chuẩn bị mồi câu mang ra rạch tranh thủ kiếm vài con cá. Những chiến sĩ khác thì đem dừa, bưởi, ổi của đồn vừa mang lên, trồng ven con rạch. Một chiến sĩ khác tất tả kéo máy bơm nước tưới vườn rau, bơm vào các lu chứa nước cho đồng đội về tắm rửa. Bữa cơm chiều của các chiến sĩ cũng vội vã để tập trung cho nhiệm vụ buổi tối: chốt chặn, mật phục tội phạm qua biên giới.

Chuyến xe thực phẩm 0 đồng đến với bà con người Khmer ở xã Hòa Hội, H.Châu Thành. Ảnh: Giang Phương
Chuyến xe thực phẩm 0 đồng đến với bà con người Khmer ở xã Hòa Hội, H.Châu Thành. Ảnh: Giang Phương
19 giờ, tuyến biên giới tối đen như mực. Đây là lúc các chiến sĩ bắt đầu tập trung cao độ, căng mình tuần tra kiểm soát, mật phục ngăn chặn những đối tượng xâm nhập qua biên giới, tội phạm buôn lậu... Theo trung tá Đỗ Văn Khanh, có những ngày chốt bắt 2 - 3 vụ vượt biên trái phép hoặc buôn lậu thuốc lá. Hàng chục vụ nhập cảnh trái phép, buôn lậu đã bị chặn bắt trong thời gian qua.
19 giờ 30, lực lượng chốt chống dịch cùng tỏa ra các hướng. Tôi theo tổ tuần tra mật phục, ẩn mình trong bóng tối căng mắt về phía biên giới. Tiếng côn trùng lấn át mọi âm thanh.
23 giờ, không khí im lặng chợt vỡ toang khi khẩu lệnh của một chiến sĩ vang lên: “Yêu cầu tất cả đứng lại”. Ánh đèn pin lia ra, các chiến sĩ rời vị trí đuổi theo truy bắt 2 đối tượng nghi vận chuyển hàng cấm. Tuy nhiên, lợi dụng đêm tối và ruộng mì cao, 2 đối tượng bỏ hàng, chạy về hướng Campuchia. Qua kiểm tra, hơn 500 gói thuốc lá lậu bị thu giữ. Sự việc lập tức được báo về Ban Chỉ huy để hỗ trợ, vận chuyển số thuốc lá lậu về đồn kiểm đếm. Số chiến sĩ ở lại chia nhiều mũi, tiếp tục trinh sát, bảo vệ bình yên biên giới.
Theo Giang Phương (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Ngôi làng ấy trải qua những năm tháng đau thương và hào hùng của chiến tranh, ngôi làng ấy cũng sinh ra người nữ anh hùng đặc biệt. Mấy mươi năm ngày đất nước thống nhất, làng anh hùng đã thay da đổi thịt, và người nữ anh hùng cũng đã bạc trắng mái đầu.

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

(GLO)- Phát huy truyền thống quê hương Anh hùng A Sanh, những năm qua, người dân làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động trong lao động sản xuất, trở thành điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ký ức tháng ba

Ký ức tháng ba

(GLO)- Một ngày mùa khô cuối tháng 3-1975, ông Ksor Doen lần đầu tiên trở về làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) sau hơn 2 năm xa nhà. Quê nhà hiện ra sau cây hoa pơ lang còn sót lại vài bông cuối mùa khiến người lính đang ngây ngất trong niềm vui chiến thắng càng bồn chồn bước chân.