(GLO)- Ngày 22-10-2009, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư số 39121 000086 cho Công ty TNHH Nam Cường (Bình Thuận) thuê 500,06 ha đất chưa có rừng, hoang hóa tại tiểu khu 317, 318, 319 thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai quản lý để trồng rừng sản xuất. Cứ tưởng dự án sẽ được triển khai suôn sẻ, nhưng từ đầu tháng 11-2011 đến nay, hơn 20 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 làng: Châm và Hlủ, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai cứ ngang nhiên vào dự án giành đất, khiến cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Ngang nhiên chiếm đất dự án
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, dự án đang triển khai rất hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Thanh-cán bộ quản lý dự án cho biết: Từ đầu tháng 11-2011, không hiểu tại sao hàng chục hộ dân ở 2 làng: Châm và Hlủ vác dao, gạo, gùi mắm muối vào dựng chòi, ngang nhiên chiếm đất của doanh nghiệp với diện tích lên đến hơn 100 ha. Cứ thấy doanh nghiệp đưa máy móc đến đào, móc gốc cây san ủi đất là người dân lại lấy gậy gộc, đất ném vào công nhân đang điều khiển máy móc, khiến cho công nhân không làm việc được.
Chòi của ông Phun, dựng trong đất dự án. Ảnh: Đ.Y |
Khi chúng tôi có mặt tại hiện trường vào ngày 19-3 thì thấy những căn chòi không còn người dân ở nữa nhưng mắm muối, xoong nồi và các vật dụng sản xuất vẫn còn ở đó. Theo ông Bùi Văn Thanh, trước đó một ngày, doanh nghiệp có nhờ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai vào can thiệp nên một số người đã bỏ về làng. Song trước khi về làng, một số người lấy nhựa đường viết tên mình lên thân cây ngụ ý chiếm đất.
Chúng tôi tìm về 2 làng để gặp các hộ dân nêu trên. Ông Siu Phun, ở làng Hlủ, hiện là cán bộ xã Ia Grăng, là người cầm đầu và cũng là người đầu tiên vào đất dự án của doanh nghiệp làm chòi, cắm biển chiếm tới 20 ha đất của doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp phản ánh với chính quyền xã, ông Phun lại thực hiện “chiêu bài” chia nhỏ diện tích đó cho vợ, con mỗi người 2 ha để tránh bị liên lụy. Phần ông chỉ giữ lại 2 ha.
Trao đổi với chúng tôi, ông nói: “Mình biết đất đó là của Nhà nước, bây giờ đã giao cho Công ty Nam Cường nên việc vào xâm chiếm đất là sai. Mình đã làm biên bản chấp nhận trả đất cho Công ty Nam Cường, nhưng con mình và các hộ dân khác trong làng có trả hay không thì mình không biết”. Ông Phun giải thích với chúng tôi rằng nguồn gốc đất đó là từ đời ông cha để lại. Nhưng khi chúng tôi hỏi có giấy tờ nào làm chứng đất đó là của ông cha không? Ông Phun trả lời: “Mình chẳng có giấy tờ gì để chứng minh cả, chỉ giành đất bằng lời nói thôi”.
Được biết, sự việc xảy ra từ ngày 8-5-2011, 6 hộ dân vì không biết ranh giới đất của dự án đã được tỉnh giao cho Công ty Nam Cường thuê nên vào phát đốt làm rẫy. Khi doanh nghiệp phát hiện không cho 6 hộ phát đốt nữa và thấy bà con bỏ ngày công vào phát đốt, Công ty đã hỗ trợ công khai hoang cho bà con dựa trên sự thỏa thuận của người dân là hỗ trợ từ 8 triệu đồng cho đến 10 triệu đồng/ha.
Đến đầu tháng 11-2011, có hơn 20 hộ vào chiếm đất. Ông Nguyễn Công Hòa-Bí thư Đảng ủy xã Ia Grăng, nói: Chính quyền xã đang tích cực vận động tuyên truyền người dân không được vào dự án xâm chiếm đất của Công ty Nam Cường nữa. Vấn đề đang được xã giải quyết chưa biết kết quả thế nào, báo chí viết bài, nhiều người biết thì làm khó cho xã.
Doanh nghiệp nản lòng
Dùng máy móc để khai hoang. Ảnh: Đ.Y |
Ông Lê Quang Vinh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Nam Cường, cho biết: Đây là diện tích đất được tỉnh giao cho chúng tôi thuê 30 năm. Từ trụ sở UBND xã Ia Grăng vào tới đất dự án phải vượt qua hơn 20 km đường đất quanh co đèo dốc, núi non hiểm trở. Để có con đường đi lại như hôm nay, Công ty phải bỏ ra cả năm trời để san ủi. Khi chưa có đường đi, Công ty phải đi bằng đường sông, đầu tư một sà lan gần 1 tỷ đồng để đưa công nhân và cây giống vào vùng dự án.
Sau hơn 2 năm triển khai dự án, Công ty đã đào ao, triển khai mô hình V-A-C khép kín. Nuôi cá, gà ta, heo rừng bằng cách trồng bắp, mì để tự chế biến thức ăn, sau đó bán thực phẩm chăn nuôi ra thị trường. Từ dự án này, Công ty đang nghiên cứu triển khai mô hình tưới tự động bằng cách sử dụng sức nước có sẵn trong tự nhiên để tưới và phòng-chống cháy rừng. Đồng thời, Công ty cũng đã xây dựng thành công quy trình trồng mì bằng cơ giới thay cho sức người. Một máy trồng mì một ngày có thể trồng được 10 ha chỉ cần 3 công nhân điều khiển. Khi dự án hoàn thiện, Công ty sẽ giúp bà con quanh vùng cùng áp dụng cơ giới vào sản xuất ở vùng đồi núi.
Trong khi rất nhiều dự án trồng rừng sản xuất khác trên địa bàn tỉnh làm ăn không hiệu quả đã bị tỉnh thu hồi thì dự án trồng rừng sản xuất của Công ty Nam Cường đang được triển khai rất hiệu quả. “Sự việc xảy ra như thế này, chúng tôi rất nản lòng. Nếu doanh nghiệp chùn bước thì vài chục tỷ đồng đầu tư vào dự án coi như đổ xuống sông xuống biển. Chúng tôi rất tha thiết kêu gọi sự vào cuộc của các cấp, các ngành để doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư. Nếu vẫn còn người dân vào xâm chiếm đất không khéo chúng tôi phải bỏ dự án mà đi”-ông Lê Quang Vinh than phiền.
Làm gì để giải quyết dứt điểm tình trạng này?
Sự việc tranh giành đất cứ ngày càng nóng lên. Sáng 24-3, ông Thanh-cán bộ quản lý dự án cho biết: Một số người dân lại tiếp tục vào vùng dự án. Bà Siu Der, ở làng Châm, thấy máy móc của doanh nghiệp đang móc gốc cây gần đất bà chiếm, vợ chồng bà đã lấy cây, đất ném vào xe và dùng dao rựa đánh đuổi công nhân. Bà này còn thách đố: “Nếu vào can ngăn sẽ bị chặt chân”.
Trong chuyến trở lại vùng dự án, trao đổi sự việc này với ông Nguyễn Hữu Thưởng-Trưởng Công an xã Ia Grăng, ông cho biết: Để giải quyết dứt điểm tình trạng người dân xâm chiếm đất trái phép của Công ty TNHH Nam Cường, chính quyền xã tiếp tục làm công tác tuyên truyền, vận động. Nếu phân tích vận động mà người dân không nghe nữa, thì buộc xã phải gửi hồ sơ lên huyện để xin ý kiến chỉ đạo có biện pháp xử lý theo pháp luật.
Ông Trần Trưng-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, thừa nhận huyện cũng đang rất đau đầu về chuyện này. Huyện đã chỉ đạo cho xã là phải giải quyết dứt điểm sự việc, không để dây dưa kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án và làm nảy sinh vấn đề an ninh nông thôn. Mục đích của một số hộ dân vào xâm chiếm đất cũng chỉ là để đòi tiền công khai hoang như 6 hộ mà Công ty Nam Cường đã hỗ trợ mà thôi.
Nhưng điều đó không đúng, vì Công ty Nam Cường đã khai hoang rồi mà bà con tự ý vào giành đất làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Đinh Yến