12 người đạp xe từ Nam Định về miền Tây, đang kẹt tại Đắk Nông không thể đi tiếp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tối 21/9, ông Phan Nhật Thanh - Chủ tịch UBND huyện Đắk R'Lấp (Đắk Nông) cho biết, 12 người đạp xe từ Nam Định về quê (An Giang, Kiên Giang) vẫn đang được hỗ trợ tại chốt kiểm soát dịch Cai Chanh (huyện Đắk R'Lấp) vì tỉnh Bình Dương không cho đi qua.
Trước đó trong quá trình đạp xe từ Nam Định về quê (An Giang và Kiên Giang), tối 20/9, 12 người này đến chốt Cai Chanh (huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông) thì  gần như kiệt sức và tiền trong người cũng sắp hết.
Tại đây, các cán bộ trực chốt đã hỗ trợ cả đoàn ăn uống, bên cạnh đó cũng quyên góp tiền cùng các nhà hảo tâm ở nhóm Facebook Đắk R'Lấp 24H thuê được xe chở cả nhóm tiếp tục hành trình về quê.

12 công dân đạp xe hơn 1.000 cây số, khi đến chốt kiểm soát Cai Chanh đã kiệt sức. Ảnh: MXH
12 công dân đạp xe hơn 1.000 cây số, khi đến chốt kiểm soát Cai Chanh đã kiệt sức. Ảnh: MXH
Theo ông Phan Nhật Thanh - Chủ tịch UBND huyện Đắk R'Lấp, trong lúc các công dân dừng lại nghỉ ngơi tại chốt kiểm dịch, lực lượng y tế đã tiến hành lấy mẫu test nhanh Covid-19 cho cả đoàn.
"Ngay trong đêm, cả đoàn được bố trí tiếp tục hành trình, tuy nhiên khi qua hết địa phận tỉnh Bình Phước, đến tỉnh Bình Dương thì lực lượng trực chốt kiểm dịch tại đây yêu cầu quay đầu, mặc dù 12 công dân trên đều đảm bảo chỉ đi qua, không dừng đỗ", ông Thanh nói.  

Ngay trong đêm, cả đoàn được bố trí tiếp tục hành trình. Ảnh: MXH
Ngay trong đêm, cả đoàn được bố trí tiếp tục hành trình. Ảnh: MXH
Hiện 12 công dân trên đã quay trở lại trạm Cai Chanh, tại đây lực lượng chức năng tiếp tục hỗ trợ test nhanh Covid-19, sắp xếp chỗ ăn, ngủ cho cả đoàn.
Ông Thanh cho biết, UBND huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh để xin phương án giải quyết cũng như để UBND tỉnh nắm tình hình, có công văn gửi UBND các tỉnh An Giang và Kiên Giang đề nghị bố trí đón công dân về.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đề nghị 12 công dân này liên lạc với gia đình, nhờ gia đình báo cáo với chính quyền địa phương nơi các công dân đang sinh sống để có phương án giải quyết sớm nhất.

Chốt kiểm dịch và người dân Đắk R'Lấp hỗ trợ cả nhóm đồ ăn. Ảnh: MXH
Chốt kiểm dịch và người dân Đắk R'Lấp hỗ trợ cả nhóm đồ ăn. Ảnh: MXH
Anh Danh Tùng (trú huyện Gò Quao, Kiên Giang) - một thành viên trong 12 người trên cho biết, nhóm gồm 4 người ở TP.Châu Đốc (An Giang), 8 người ở huyện Gò Quao (Kiên Giang). Họ cùng nhau lên tàu đánh cá tại Kiên Giang từ trước Tết âm lịch và đi biển từ đó đến nay.
Vừa qua, do tàu đánh cá không đủ tiền chi trả cho cả nhóm nên chủ tàu quyết định chở 12 ngư dân vào cảng cá ở Nam Định để tự đi về quê. Trước khi rời tàu, nhóm này được chủ trả cho mỗi người 1 triệu đồng tiền công và 1 triệu đồng cho mượn, cùng một giấy kết quả xét nghiệm Covid-19.
Tại Nam Định, nhóm 12 người góp tiền mua được 6 chiếc xe đạp rồi thay nhau đạp, vượt hơn 1.000 cây số, đến tối 20/9 thì tới Đắk Nông.
Anh Tùng chia sẻ: "Qua mỗi tỉnh, nhóm lại phải tự bỏ tiền xét nghiệm rồi mới được đi tiếp. Ăn uống thì ai cho gì ăn nấy, tối đến nếu có người thương tình cho ngủ thì mới dám vào ngủ lại ven đường. Khi đi đến Đắk Nông, mỗi người trong nhóm chỉ còn vỏn vẹn 400.000 đồng, ai nấy đều kiệt sức".
Theo Phương Hằng (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.