Một cái thang máy muốn kiểm định an toàn thì phải lắp cho nó chạy thì mới kiểm định được. Nhưng hiện nay người ta kiểm định rời rạc các bộ phận của cái thang.
Ví dụ của TS Nguyễn Đình Cung, trong một hội thảo về kiểm tra chuyên ngành. Và ông đặt câu hỏi: “Nếu người ta đúng tiêu chuẩn nhưng lắp đặt thiếu, sai thì có phải phi lý không!?”.
Câu chuyện cái thang chỉ là một ví dụ cho sự ngớ ngẩn, phi lý, song vẫn thản nhiên tồn tại trong cái chúng ta gọi là kiểm tra chuyên ngành thôi.
2 năm qua, số lượng văn bản quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá XNK đang tăng lên hơn 120 văn bản.
Một tiến sĩ, một chuyên gia kinh tế, một viện nghiên cứu sẽ nhìn ngay thấy cái logic sai, sự ngớ ngẩn trong việc kiểm tra cái thang máy. Thế còn cái ông “người ta” mà TS Cung 2 lần nhắc trong phát ngôn của mình thì sao?
Thì người ta: Tư duy quản lý vẫn theo kiểu kiểm soát, nên thiết kế quy định kiểu: Anh làm gì phải báo tôi chấp nhận thì mới được làm - Nhận định của TS Nguyễn Đình Cung.
“Người ta” nhìn câu chuyện theo một hướng khác, và kể cả khi hướng đó phi logic và không thực tế. Nhưng miễn, nhưng kệ, vì đơn giản là “người ta” có quyền.
Không thể phủ nhận kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ khi số mặt hàng phải thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành giảm từ 100.000 (năm 2015) xuống còn 78.000 hiện nay.
Nhưng kết quả ấy vẫn còn rất xa đích mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Chẳng hạn tỉ lệ các lô hàng XNK phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan hiện khoảng 19,4% trong khi mục tiêu của Chính phủ là dưới 10%.
Bởi bên cạnh những con số tuyệt đối của sự giảm, vẫn rất nhiều thủ tục đang được người ta “cài cắm”, để “đẻ” , để “mọc” ra thêm rào cản, tạo gánh nặng thực sự cho DN.
Giờ xin được đặt một câu hỏi: Vậy thì DN nhìn thủ tục kiểm tra, nhìn chuyện “cái thang” này như thế nào?
Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu hôm qua có kể lại câu chuyện một DN “mất 7 tỉ đồng để đầu tư nhưng suốt 5 năm không xong thủ tục, rồi cay đắng mất 3,5 tỉ đồng tiền lãi”. Và vị chuyên gia thốt lên: “Nhìn đâu cũng thấy chi phí, rủi ro, sự bất định của chính sách!”.
81% DN đang mất toàn bộ khách hàng, đơn hàng, mất hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; 76% DN không cân đối được thu chi - những con số được công bố bởi Ban Nghiên cứu thuộc Chính phủ.
Khốn khó và những cái rào kiểm tra vô lý trái khoáy vẫn mọc lên, vẫn hành tới nơi tới chốn bởi những “người ta”. Đối với DN, chuyện cái thang thủ tục sẽ thật sự là cái thang... xuống hố. Thật sự là chuyện bắc thang hỏi ông giời nếu không có sự thay đổi.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/1-cai-thang-3-ong-3-cai-nhin-837022.ldo
Theo ĐÀO TUẤN (LĐO)