Trở lại Đức Cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đức Cơ (Gia Lai) trong chiến tranh là tên gọi một căn cứ biên phòng do quân Mỹ xây dựng năm 1965 với hệ thống lô cốt, hầm ngầm, sân bay khá kiên cố để bảo vệ vòng ngoài ở phía Tây Pleiku. Đến hôm nay, vùng “đất chết” năm xưa đã trở thành miền quê trù phú dân cư đông đúc được phủ một màu xanh ngút ngàn của cao su và cây trái.

Từ khi cùng đơn vị trở lại Tây Nguyên, tôi đã nhiều lần về Đức Cơ, mỗi lần về lại thấy vùng đất này thêm khởi sắc. Và lần này, sau hơn 10 năm tôi mới trở lại, trong lòng cứ xốn xang. Con đường 19 Tây từ ngã ba Hàm Rồng lên Đức Cơ đã được trải nhựa phẳng lỳ, thênh thang. Chả mấy chốc chúng tôi đã tới Thanh An (trước 1975 là quận lỵ Thanh An), rồi đến Thanh Bình thuộc huyện Chư Prông.

 

Một góc thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) hôm nay.                                                                                                      Ảnh: Văn Đồng
Một góc thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) hôm nay. Ảnh: Văn Đồng

Vượt qua con đèo vắt ngang dãy Chư Grông Grăng có độ cao gần 1.000 mét, chúng tôi vào địa phận huyện Đức Cơ. Qua đèo hơn 2 km có con đường rẽ trái là vào xã Ia Lang, vùng đất tôi từng gắn bó. Thời điểm cuối 1972 đầu 1973, các làng Ngoi Lê, Yít Phàng, Yít Dẻ, Klú… từng là nơi đơn vị tôi tập kết để tiến công chốt Mỹ, đồn Tầm, đồn 30 của địch. Bà con Jrai ở đây tuy nghèo nhưng luôn đùm bọc che chở và giúp đỡ bộ đội đánh giặc. Sau này, vào những năm 1991-1993, tôi là cán bộ của Cục Chính trị Quân đoàn 3 thường vào Ia Lang kiểm tra, hướng dẫn đội công tác của Trung đoàn 48 làm công tác tuyên truyền vận động, xây dựng cơ sở chính trị và giúp bà con làm lúa nước phát triển kinh tế. Những năm đó, đời sống của bà con còn rất khó khăn, đường đất, mùa khô thì bụi mù mịt, mùa mưa lại lầy lội.

Bây giờ, đường vào xã đã được nhựa hóa, đường đến các thôn làng đều bê tông hóa, đời sống của bà con được cải thiện đáng kể. Qua ngã ba vào Ia Lang một đoạn, ngay bên trái đường 19 là vị trí đồn Tầm, làng Yít (cũ) mà những ngày cuối tháng 1-1973, chúng tôi phải chiến đấu quyết liệt để giành giật với địch từng mét đất trước giờ ngừng bắn có hiệu lực theo Hiệp định Paris. Bây giờ, không thể nhận ra, vì đã mọc lên những ngôi nhà khang trang dưới bóng cây ăn trái sum suê. Đi lên khoảng hơn 2 cây số, đồi 30 bên phải, từng là căn cứ của Tiểu đoàn 23 biệt động quân đã bị đơn vị tôi cùng Trung đoàn 48 xóa sổ sáng 27-1-1973 trước khi tiến xuống làng Yít lập trận địa chốt chặn. Quả đồi trọc nham nhở vì bom đạn năm xưa đã được phủ một lớp cây rừng lúp xúp; dải bình độ 2 bên đường là những thảm cao su tít tắp của Công ty 75 (Binh đoàn 15) cùng các thôn làng đỏ tươi mái ngói của các xã Ia Din, Ia Krêl và Ia Kriêng. Chư Ty là tên ngọn núi (điểm cao 426) có hình chóp nón nằm độc lập sát phía Nam đường 19 ở trung tâm thị trấn.

Trong chiến tranh, địch thường xuyên chiếm đóng điểm cao này. Cuối tháng 12-1972, đơn vị tôi cùng Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48) được lệnh tiến công tiêu diệt địch trên điểm cao. Quá nửa đêm, trận địa sắp hoàn thành thì chúng tôi được lệnh rút ra do trinh sát vừa nắm được, địch mới dồn về đây 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 41 cùng xe tăng thiết giáp bố trí thành từng cụm trên đường 19 từ chân điểm cao đến đỉnh dốc. Khi chuẩn bị đánh điểm cao 426, địch chỉ có 1 đại đội, nay có thêm bọn này nếu đánh sẽ khó thắng. Gần 1 tháng sau, ta giải phóng Chư Bồ thì địch ở đây tháo chạy về đồn Tầm. Tháng 3-1973, từ tuyến tiếp xúc làng Yít, đại đội tôi lại được về đây để vừa củng cố vừa bảo vệ điểm trao trả tù binh Đức Nghiệp. Trên đỉnh điểm cao chỉ có khu đất mấp mô hình tròn đường kính chưa đầy 20 m. Chúng tôi lợi dụng công sự cũ của địch ở rìa phía Nam để xây dựng trận địa. Từ trên đỉnh nhìn xuống từ sườn Đông về Tây Nam dốc cao dựng đứng, thấy rõ từng vạt rừng, mô đất cách vài cây số, điểm cao này thật lợi hại… Mùng 2 Tết Kỷ Tỵ (1989), tôi cùng một số anh em Phòng Tuyên huấn Quân đoàn 3 có chuyến píc níc lên Đức Cơ, lúc đó 2 bên đường 19 từ chân đèo lên vẫn còn khá hoang vắng, thỉnh thoảng mới gặp lán trại của các đơn vị bộ đội làm kinh tế. Riêng khu vực Chư Ty thì nhà cửa đã hình thành như một thị tứ. Hơn 2 năm sau, huyện Đức Cơ ra đời, thị trấn Chư Ty được thành lập và trở thành huyện lỵ của huyện Đức Cơ.

Khi thành lập, thị trấn nằm gọn trên đoạn đường 19 chạy qua chừng 1 cây số mà điểm cuối phía Tây là ngã ba Đức Nghiệp, ngoài khu hành chính của huyện bên Bắc đường là nhà tầng còn đều là nhà cấp 4 và nhà tạm. Cuối năm 1994, tôi dẫn đội văn nghệ xung kích Quân đoàn 3 vào huyện phục vụ kết hợp tuyên truyền vận động đồng bào ở vùng sâu. Đội được bố trí ở Phòng Văn hóa-Thông tin ngay dưới chân điểm cao 426. Tôi đã tranh thủ lên thăm lại điểm cao. Vẫn con đường mòn thoai thoải đi lên, hai bên đã xanh màu cây cỏ. Trận địa của chúng tôi năm xưa đã bị đất đá lấp đầy. Nhìn xuống, tôi vẫn nhận ra khu vực hậu cứ của đơn vị trong cánh rừng đối diện ở phía Nam. Con đường mòn ở phía Tây đi về hậu cứ vẫn còn cây độc lập xòe tán sum suê; trên con đường ấy có dãy nhà tạm của Ban Chỉ huy Quân sự huyện… Bây giờ trở lại, tôi không thể nào nhận ra con đường mòn lên điểm cao vì nhà cửa đã ken sát. Khu vực ngã ba Đức Nghiệp, nơi trao trả tù binh giữa ta và địch năm xưa, giờ là chợ Đức Cơ cao to rộng rãi nhộn nhịp kẻ bán người mua.

Từ khu chợ Đức Cơ, theo đường Quang Trung đi tiếp hơn 2 km chúng tôi đến một ngã ba khá sôi động. Phải một lúc lâu sau tôi mới nhận ra đây là ngã ba Phước Thiện, nơi đường 15 (cũ) từ Chư Nghé ở phía Bắc chạy xuống nối vào đường 19. Tháng 12-1972, Trung đoàn 41 ngụy đã đặt sở chỉ huy ở đây để chỉ huy cuộc hành quân giải tỏa Chư Bồ-Đức Cơ. Bây giờ, đoạn đường 15 xưa mang tên Cách Mạng, 2 bên đường nhà cửa san sát. Tìm hiểu tôi được biết, đường Cách Mạng dài hơn 3 km chạy hết địa phận thị trấn, nối tiếp với con đường nhựa khá rộng chạy lên qua quận lỵ Lệ Thanh (cũ) mấy cây số mới vòng về phía Đông nối với đường đi Ia Grai, rồi vòng về phía Nam nối vào đường 19 thành ngã ba bùng binh. 2 bên con đường này là bạt ngàn cao su của Công ty 74 xen kẽ các khu dân cư. Như vậy, làng Do-khu vực hậu cứ của đơn vị tôi từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975 nằm trong vùng lõi của vòng cung này. Và trong tương lai không xa bà con làng Do sẽ là cư dân đô thị!  

Từ ngã ba “sôi động” chúng tôi đi lên một thôi dài đến ngang dốc Chư Bồ, mới hết địa phận thị trấn Chư Ty. Lên đỉnh Chư Bồ, tôi nhớ lại trận đánh ác liệt năm xưa. Trên quả đồi có diện tích 3.060 km2 mang hình con rùa này, đầu năm 1973 là căn cứ của Tiểu đoàn 81 biệt động quân đã bị đơn vị tôi cùng Trung đoàn 64 tiêu diệt. Nay hai bên đoạn đường 19 chạy qua đã thành khu dân cư, bao quanh là cao su rợp bóng cùng cây ăn trái đủ loại. Ở giữa đỉnh đồi bên trái đường 19, nơi đặt sở chỉ huy căn cứ địch năm xưa, Bia di tích lịch sử Chư Bồ-Đức Cơ được xây dựng dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng này, bên cạnh nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Chư Bồ 1 (xã Ia Kla). Đây sẽ là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Rời Chư Bồ, chúng tôi lên xã biên giới Ia Dom. Thời điểm 1991-1992, Ia Dom là điểm nóng về buôn lậu thuốc lá ngoại qua biên giới, đời sống của bà con còn rất khó khăn. Trung đoàn 48 đã tổ chức đội công tác đến Ia Dom. Anh em đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền cho bà con hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận động bà con xây dựng nếp sống văn hóa, chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế và giúp địa phương mở 7 km đường liên thôn; Trung đoàn còn đầu tư xây tặng xã trạm xá diện tích 30 m2, đóng góp tiền bạc công sức xây dựng nhà rông văn hóa diện tích 120 m2. Đối với hai làng Mook Trang, Mook Đen-từng bị địch xúc vào khu dồn Đức Cơ, tháng 8-1972, ta đánh Đức Cơ, bà con đã được bộ đội Trung đoàn 64 giúp đỡ đưa về làng cũ làm ăn-các chiến sĩ đã phối hợp với chi đoàn Thanh niên vận động và giúp đỡ bà con rào vườn trồng các loại cây hàng hóa như: cà phê, bời lời, bơ, mít… Hôm nay trở lại, tôi thật sự vui mừng trước sự đổi thay đến không ngờ của Ia Dom. Trung tâm xã như một thị tứ. Ngôi nhà rông văn hóa bộ đội xây tặng năm xưa vẫn phát huy tác dụng, sát nhà rông về phía Tây là ngôi nhà tầng khang trang-trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND cùng dãy nhà khu hành chính của xã, sát phía Đông là Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp mắt bên phía Bắc đường 19. Đường vào làng Mook Trang và Mook Đen đều là đường nhựa, đời sống của bà con đã nâng cao…

 

Đến ngã ba bùng binh đầu thị trấn, tôi thực sự choáng ngợp trước sự đổi thay của Chư Ty. Đoạn đường 19 chạy dọc trung tâm thị trấn mang tên Quang Trung đã được mở rộng thành đường một chiều, tấp nập người, xe. 2 bên đường là các công sở, cửa hàng, hiệu buôn, ngân hàng… với các khối nhà cao tầng kiến trúc hiện đại. Nhiều đường ngang to rộng cùng những dãy phố dọc ngang mới mọc lên như bàn cờ. Chư Ty đã mang dáng dấp một đô thị, ẩn chứa tiềm năng phát triển trong tương lai.

Trước khi về lại Pleiku, tôi ghé Nghĩa trang Liệt sĩ ở đầu thị trấn viếng đồng đội. Năm 2001, tôi cùng đoàn đại biểu Quân đoàn 3 vào Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cùng các đoàn của tỉnh đón hài cốt các liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam ở Campuchia đưa về nghĩa trang này, lúc đó quy mô còn nhỏ. Bây giờ được nâng cấp mở rộng với đài tưởng niệm cao vút, đối diện là Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trầm mặc khói hương. Tôi đi một vòng thăm đồng đội. Từng ô với những hàng mộ thẳng tắp, các ngôi mộ đều được ốp đá bazan đen bóng. Xung quanh các ô và đường đi lối lại được trồng cây xanh tỏa bóng mát sum suê. Nghĩa trang này chủ yếu an táng các liệt sĩ được quy tập ở Campuchia về, vì vậy gần 4.000 liệt sĩ nằm đây nhưng phần lớn chưa xác định được thông tin, trong đó có một số ít liệt sĩ của Sư đoàn 320 nhưng thông tin cũng không đầy đủ.

Trên đường trở ra, tôi gặp một nhóm nam nữ thanh niên đồng phục áo Đoàn ríu rít đi vào. “Tháng thanh niên”, một hoạt động của các bạn trẻ? Hỏi tốp đi sau về công việc thì một bạn nữ tươi cười cho biết: “Chúng cháu là đội thanh niên tình nguyện của thị trấn thường xuyên chăm sóc nghĩa trang. Những ngày lễ, Tết thì lau dọn, dâng hoa, đốt nến, thắp hương cho từng mộ liệt sĩ, ngày thường thì bảo vệ, hướng dẫn và giúp đỡ những người vào thăm viếng nghĩa trang”. Tôi rất mừng thấy lớp trẻ của Đức Cơ có suy nghĩ và việc làm thiết thực tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và sự phồn thịnh của quê hương hôm nay!

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.