Rừng miền Tây sau lưng phố Hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Làng Cẩm Thanh được ví như một Nam Bộ trong lòng Hội An (tỉnh Quảng Nam) bởi có rừng dừa Bảy Mẫu trù phú. Loài cây xứ sông nước này không chỉ chở che cho người dân xứ Quảng suốt thời kỳ chiến tranh khốc liệt mà nó còn là sinh kế cho biết bao người. Tất cả nguồn sống của họ nhờ dừa. Từ nghề chặt tàu dừa, làm nhà dừa, nay bà con còn mở thêm dịch vụ du lịch thưởng ngoạn “miền Tây” cho du khách thập phương ngay giữa rừng dừa mênh mông…

Từ phố cổ Hội An, đi về hướng Đông Nam chừng 3 km, “thủ phủ” dừa hiện ra ngút ngàn trước mắt. Hai bên đường trải dài lớp tàu dừa phơi nắng như những chiếc lược dày được phủ lên màu sơn nâu óng ả.

 

Một sông nước “miền Tây” trong lòng Hội An thu hút du khách thập phương.
Một sông nước “miền Tây” trong lòng Hội An thu hút du khách thập phương.

Ấm êm nhờ tàu dừa

Sáng sớm, chiếc ghe của chị Võ Thị Hai (thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh) luồn qua những rặng dừa um tùm rồi neo lại ở một khu nước mấp mé hông. Chị mang theo cây dao sắc lẻm lội vào bụi dừa có tàu lá to đã ngả sang màu nâu thẫm thoăn thoắt chặt. Đưa tay lên trán quệt mồ hôi đầm đìa, chị tếu táo gọn tưng: “50 tuổi, thâm niên 35 năm hành nghề chặt tàu dừa!”. Ngày còn nhỏ, chị Hai đã theo bà theo má mưu sinh bằng nghề chặt tàu dừa về bán cho những hộ thu mua trong vùng. Chị nói: “Bây giờ người ta thu mỗi tàu phơi khô từ 3.500 - 5.000 đồng. Mỗi ngày làm siêng đi chặt cũng được vài trăm ngàn. Từ sau Tết đến tháng Bảy âm lịch, 5 hecta dừa nước đem lại cho nhà tui vài chục triệu đồng. Đủ lo cho tụi nhỏ đi học”. 5 hecta dừa mà chị kể là do nhà chị trồng dần qua năm tháng, khi nhu cầu mua tàu dừa làm nhà cảnh, dựng chòi quán ngày càng tăng cao.

Bên mép sông dưới chân cầu Cửa Đại, anh Ngô Viết Dũng (45 tuổi, cùng thôn) tấp chiếc ghe chở tàu dừa xanh đậm cao lút đầu. Anh đem tàu dừa làm nguyên liệu dựng nhà, quán cà phê cho khách đặt. Anh kể từ đời cha anh, cả nhà đã bám vô rừng dừa mà sống. Hồi đầu nhà có một khoảnh dừa nhỏ không đủ tàu và lá khô để làm hàng, dần dần gầy rộng ra tới 3 hecta. “Chừng đó là làm ớn! Mỗi năm tui nhận trên dưới hai chục cái nhà và hàng quán bằng dừa, phải mướn thêm thợ. Trông thì cực vậy chứ thu nhập rất ổn. Khách chuộng dựng nhà dừa bởi chi phí không cao, đẹp mắt và tàu dừa khi khô queo thì chắc nụi, dễ chi hư hỏng” anh vừa nói vừa đưa ra bó tàu dừa khô giới thiệu với chúng tôi.

Những nhà không trồng dừa, họ mưu sinh bằng cách đầm mình dưới ruộng chặt dừa thuê. Nghề này phần lớn là phụ nữ. Chị Nguyễn Thị Bảy (42 tuổi, thôn Thanh Tam Đông) trải lòng chị theo chồng về làm dâu vùng đất này gần 20 năm. Hai vợ chồng không biết làm gì ngoài mấy sào ruộng và chiếc ghe đánh cá mỗi đêm. Quá cơ cực, chị bơi thúng lần theo chị em trong xóm xin chặt tàu dừa rồi làm miết tới giờ. “Mỗi ngày công tui được trả 200.000 - 300.000 đồng. Cực. Nhưng tiền công như rứa là cao. Nhờ nghề ni mà vợ chồng tui gom góp được tiền sửa nhà, cho con đi học. Mang ơn rừng dừa vô cùng”, chị Bảy cho biết.

Bây giờ, nghề chặt tàu dừa là nghề chính của chị em phụ nữ nơi xứ dừa Bảy Mẫu.

 

Luật” cắt tàu dừa phải giữ lại “một mẹ một con”.
Luật” cắt tàu dừa phải giữ lại “một mẹ một con”.

Thưởng ngoạn “miền Tây” sau lưng nhà

Nếu lạc về rừng dừa Bảy Mẫu, mọi người sẽ nghe những câu quen tai khắp các nẻo đường “Anh chị có đi thuyền thúng coi dừa hông?”. Họ không “cò” khách, cũng không chèo kéo, chỉ mời khách về tham quan bằng cách rặt nhà quê của mình. Họ là người dân xứ dừa Bảy Mẫu tập tễnh làm du lịch khi vài năm trở lại đây, rừng dừa bỗng nổi tiếng nhờ những bài viết trên các trang du lịch và cảm nhận của du khách ghé qua khi đến Hội An. Khoảng đất rộng trước khu du lịch sinh thái xe khách lớn nhỏ đậu chật kín, đủ biển số từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang... Con đường lớn dọc bờ kênh mới vài năm trước còn ảm đạm giờ đã nhộn nhịp tưng bừng bởi khách tới lui suốt ngày.

Tận dụng rừng dừa nước mênh mông và luồng nước rộng lớn phía sau nhà, hàng chục hộ dân thôn Tam Thanh Đông mạnh dạn bỏ tiền dựng chòi, làm bến, sắm thêm thúng phục vụ du khách. Chị Lê Thị Hải (35 tuổi) níu tay tôi kéo lui sau nhà, nói cứng: “Cứ ra đây là biết vì răng họ ưng tới rừng dừa liền à”.

Một khung cảnh miền Tây hiện ra trước mắt, con nước đục đục nhè nhẹ vỗ về những gốc dừa với tàu lá xanh vươn vút lên nền trời thiên thanh. Hàng chục thuyền thúng nối nhau luồn quanh những bụi dừa xõa bóng, bên tai vang lên câu hát dân ca ngọt ngào…

Chị Hải nói hơn một năm nay, thấy khách du lịch “ghiền” rừng dừa nên vợ chồng chị bàn nhau bỏ nghề đánh cá sông mở dịch vụ thuyền thúng. Nhà chị có 6 thúng với các tay chèo là anh em nhà chồng. “Mỗi thúng chở một cặp khách, giá niêm yết 150.000 đồng như nhau. Bữa nào khan khách quá thì đi dăm bảy thúng, còn dịp hè, nhất là mấy ngày lễ khách về đông đen phải mướn thêm thúng bạn. Mấy ngày đó toàn thu bạc triệu”, chị khoe.

Nhà chị Nguyễn Thu Hồng (25 tuổi) trông có vẻ chuyên nghiệp hơn, ngay cổng đã treo biển “Ruby Hồng: Tour du lịch thuyền thúng rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh; dịch vụ ăn uống, trò chơi giải trí; dịch vụ trọn gói” với song ngữ Việt - Anh. Phía sau có khu chòi cho khách nghỉ chân với chiếc bàn hình con thuyền được làm từ tre đẹp mắt. Chị kể gần hai năm nay, cả nhà chị chuyển sang làm du lịch để đón du khách về với rừng dừa. Ngoài chèo thúng, phục vụ ăn uống, ba của chị là người đầu tiên hát dân ca đãi khách đi thúng, do vậy họ rất hài lòng bởi tận hưởng được sự dân dã và bản sắc vùng miền. “Cái hay của du lịch rừng dừa này là khách đến quanh năm, bất kể mùa nắng hay mùa mưa. Nhất là du khách nước ngoài, họ “chịu chơi” dù thời tiết nào. Thành thử chúng tôi có nguồn thu rất ổn”, chị thành thật.

Rất nhiều nông dân trong vùng đã khép lại cuộc sống thiếu thốn khi ngọn gió thăm thú “miền Tây” thổi đến rừng dừa. Anh Nguyễn Tứ (khối phố Phước Thịnh, phường Cửa Đại) luôn miệng cười khi nhắc tới cuộc sống hiện tại của mình: “Tui mơ cũng không dám nghĩ tới. Trung bình mỗi ngày tôi đi năm ba chuyến thúng khi các dịch vụ gọi, mỗi chuyến được trả 80.000 - 100.000 đồng, chưa kể khách vui còn được “bo” thêm.

Ông Nguyễn Hùng Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho hay hiện xã có 27 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái với 473 thuyền thúng, được cấp phép hoạt động theo luật đường thủy nội địa. Đây là hướng làm ăn mới, đem lại mức thu nhập tốt cho bà con.

 

Nhờ có rừng dừa nước trù phú, các hộ dân mở chòi, lập bến sau lưng nhà để đón khách du lịch thập phương.
Nhờ có rừng dừa nước trù phú, các hộ dân mở chòi, lập bến sau lưng nhà để đón khách du lịch thập phương.

Gìn giữ…

Bên ly chè xanh mát rượi lúc nghỉ tay, anh Dũng lý giải ngày trước, trong làng có một người mang cây dừa từ miền Tây về trồng. Cây dừa hạp với ruộng nước ở Cẩm Thanh nên lớn nhanh, người này gầy ra tới bảy mẫu ruộng trồng dừa để lấy tàu lá lợp nhà, làm một số đồ thủ công. Từ đó người ta gọi đây là rừng dừa Bảy Mẫu. “Chừ thì không còn Bảy Mẫu nữa rồi, lớn hơn nhiều. Bà con thấy lợi nhuận từ dừa nên nhà nhà đi trồng”, anh tiếp lời.

Rừng dừa đem lại cho người dân xứ Quảng quá nhiều đổi thay khiến họ trân quý và chăm nom, gìn giữ như bảo bối. Nghề cắt tàu dừa ở đây có một luật bất thành văn, đó là chừa lại “một mẹ, một con”. “Cây dừa nước nếu không cắt tàu thì sẽ không thể phát triển, nhưng cắt thì bao giờ cũng chừa lại một tàu lá và một ngọn non. Nếu chặt phăng cả mẹ cả con, mùa sau cây sẽ còi cọc, lá thấp, và cũng chỉ còn lại ba, bốn tàu”, ông Huỳnh Dứa (55 tuổi, thôn Thanh Tâm Đông, xã Cẩm Thanh) giải thích.  Ông nói thêm khi cắt tàu dừa, phải chừa lại chừng nửa mét ở phần gốc để ngọn non lên không bị “si” (cây yếu, đổ - PV).

Một cây ngã xuống thì ba bốn cây phải mọc lên. Bà con dặn dò nhau như  vậy để rừng dừa không bị “chảy máu” khi nhu cầu khai thác ngày một nhiều. Không ai được quên việc trồng dừa. Những buồng trái to tròn bung ra từ gốc được họ giữ lại suốt nửa năm trời chờ nảy mầm. Sau đó đem vùi vào đất bùn, cắm cọc cho cây mọc lên không bị đổ. Vài năm sau, cây con ấy hóa thành những rặng dừa cao vút như bây giờ.

Ngồi trên chiếc thúng lượn quanh sông nước “miền Tây”, bác nông dân lôi từ bụng thúng mấy lá dừa cạn kết tặng chúng tôi chiếc vòng đội đầu và cặp nhẫn. Bác nói đó là quà tặng du khách mang về để họ nhớ tới chốn du lịch đặc biệt này, mặc dù món quà đó không làm từ lá dừa nước đặc trưng. Bởi cả làng thống nhất với nhau không bứt, chặt dừa vô tội vạ, làm vậy là có tội với loại cây mà làng mang ơn. Bác cũng dặn dò chúng tôi đừng vứt vỏ lon, túi bóng để giữ rừng dừa không ô nhiễm, luôn sạch đẹp trong mắt mọi người.

Thanh Trần-Giang Thanh/tienphong

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.