"Ốc đảo" giữa miền biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khởi phát từ Làng Thanh niên lập nghiệp Ia Mơr, sau gần 10 năm xây dựng, khu dân cư biên giới với vỏn vẹn hơn 100 hộ gia đình nằm ở vùng cực Nam của tỉnh này vẫn “khép mình” trong một “ốc đảo” xa xăm. Tuy nhiên, các chủ nhân nơi đây vẫn bám trụ vững vàng để hy vọng vào một tương lai tươi sáng…

Nỗi nhọc nhằn của trẻ thơ

Nằm “phơi mình” giữa đám cao su èo uột và chút ít rừng khộp còn sót lại hậu chương trình “chuyển đổi rừng nghèo”, đoạn quốc lộ 14C qua địa phận xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) hàng ngày vẫn chứng kiến cuộc hành trình đầy nỗi nhọc nhằn của trẻ thơ miền biên giới. Trên những chiếc xe máy “trống trơn” (không còi, không phanh, không đèn, không… mũ bảo hiểm) đứa lớn chở đứa bé, miệt mài đi tìm “con chữ”. Hầu hết các cháu đều là con của những thanh niên đầu tiên xung phong lên biên giới xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp Ia Mơr. Ngày ấy với không biết bao nhiêu khát vọng và hy vọng về một sự đổi đời từ dự án, song đã gần 10 năm trôi qua, điều kiện ăn học của thế hệ thứ hai thậm chí còn kém xa bố mẹ chúng. Nhọc nhằn và đầy mối nguy hiểm về an toàn giao thông như thế nhưng các bậc phụ huynh ở đây vẫn phải “đặt cược”, bởi nếu không… liều thì con em họ sẽ bị mù chữ.

 

Lớp mẫu giáo “ba trong một” ở làng Rinh. Ảnh: T.K.N
Lớp mẫu giáo “ba trong một” ở làng Rinh. Ảnh: T.K.N

Chuyện học của trẻ con luôn là vấn đề nan giải ở Làng Thanh niên lập nghiệp Ia Mơr (làng Rinh bây giờ). Mặc dù ngay tại làng hiện tại cũng có 2 điểm lớp dạy chữ cho trẻ con, tuy nhiên, nhiều người vẫn gọi đùa đây là 2 “nồi cơm độn” đúng nghĩa. Lớp mẫu giáo dạy chung cho cả 3 lứa tuổi (mầm, chồi, lá), tương tự ở điểm tiểu học cũng “một thầy, hai bảng” dạy chung lớp 1 và lớp 2. Thầy giáo Trần Thanh Nhàn-người trực tiếp đứng lớp cho biết: “Dạy lớp ghép thế này giáo viên phải chuẩn bị rất kỹ để chuyển tải kiến thức đến với các em. Mặc dù rất nỗ lực và có kinh nghiệm (thầy Nhàn đã có thâm niên 16 năm công tác-P.V) nhưng cũng phải nói thật, chất lượng giảng dạy rất khó đảm bảo. Điều kiện khó khăn nên thầy và trò phải nỗ lực rất nhiều bởi phía trước vẫn còn biết bao thử thách cần phải vượt qua…”. Tôi hiểu nỗi trăn trở của thầy giáo Trần Thanh Nhàn. “Nồi cơm độn” này thật ra chỉ mới là khúc dạo đầu cho một chuỗi khó khăn mà trẻ em vùng “ốc đảo” làng Rinh phải đối mặt. Một khi không thể duy trì được lớp ghép do điều kiện tại làng không đáp ứng, những đứa trẻ này sẽ phải vượt chặng đường hàng chục cây số để vào trung tâm xã Ia Mơr, hoặc sang học nhờ tại trường tiểu học của huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đak Lak. Tuổi nhỏ, đường xa, lại cứ “chòng chành” trên những chiếc xe máy “nhiều không” rất… không an toàn, nỗi lo thất học cứ thế đeo đẳng mãi trong tâm hồn trẻ thơ miền biên giới.

Mơ ước một con đường

Được bố trí dọc quốc lộ 14C, song đã gần 10 năm trôi qua kể từ ngày hình thành nên Làng Thanh niên lập nghiệp, con đường vẫn là mơ ước hết sức xa vời đối với 119 gia đình ở đây. Trong quy hoạch, hệ thống giao thông của làng Rinh có tổng chiều dài khoảng hơn 6 km (trong đó có 1 km là quốc lộ 14C), tất cả đều được rải cấp phối kiên cố. Tuy nhiên, trên thực tế, đường ở đây chỉ lưu thông được vào mùa khô, còn khi mưa về, làng Rinh lập tức biến thành “ốc đảo”. Các loại phương tiện, kể cả xe thô sơ muốn vào ngôi làng này đều phải quấn dây xích vào bánh để… lội bùn.

Là một trong những người đầu tiên lên đây lập nghiệp vào năm 2007, Trưởng thôn Phan Văn Hiển cho rằng, đường giao thông đóng vai trò quyết định đến tất cả mọi mặt đời sống, sinh hoạt và sản xuất của bà con. Nếu giao thông thuận lợi, trẻ em có thể tự lái xe đưa nhau đến trường, các mặt hàng nông sản của bà con được tiêu thụ với giá cao hơn, những ca bệnh nặng cũng sẽ được đưa đi cấp cứu kịp thời. Còn ngược lại, sẽ là hàng loạt những vấn đề nan giải vượt ra khỏi tầm tay của người dân.  

Cũng chính vì giao thông chia cắt nên làng Rinh trở thành ngôi làng bị lãng quên, mặc dù đây là khu vực được đánh giá có vị trí hết sức quan trọng về kinh tế, quốc phòng-an ninh và cả lĩnh vực đối ngoại. Đây là điểm nối giao thông giữa 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak trên quốc lộ 14C chạy dọc đường biên giới và cũng là “huyết mạch” để nhân dân và các lực lượng bảo vệ biên giới phía nước bạn Campuchia qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa, lương thực thực phẩm. Còn đối với riêng 119 hộ gia đình làng Rinh, khi giao thông chia cắt, các mặt hàng nông sản làm ra đôi khi “có cho không cũng chẳng ai dám nhận”. Rõ ràng, con đường luôn là ước mơ  của cả người lớn và trẻ em khu dân cư vùng biên giới này.

Chung lòng bảo vệ biên giới

 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp tuần tra bảo vệ biên giới.         Ảnh: T.K.N
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: T.K.N
Trưởng thôn Phan Văn Hiển cho biết: “Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nên ý thức tự quản của bà con nhân dân không ngừng được nâng lên. Tổ tự quản làng Rinh thường xuyên phối hợp với lực lượng của Đồn Biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới, bảo vệ an ninh thôn làng. Các đối tượng lạ mặt vào khu vực biên giới đều bị phát hiện đẩy đuổi kịp thời nhờ vào tai mắt của nhân dân. Ở đây bà con luôn coi Đồn Biên phòng là người trong một nhà, sẵn sàng cung cấp thông tin cũng như hỗ trợ lực lượng trong đấu tranh phòng-chống các loại tội phạm…”.

Giữa muôn vàn khó khăn trong thế “ốc đảo” nơi biên giới, làng Rinh vẫn có những điểm sáng, có những chỗ dựa vững chắc để vượt khó vươn lên đó chính là tình quân dân. Vào những ngày mưa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, ở đây chỉ có lính Biên phòng vừa là chủ, vừa là khách đồng hành với bà con. Thiếu tá Lê Quốc Tiến-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Lốp tâm sự: “Bên cạnh giúp đỡ bà con nhân dân lao động sản xuất, 2 vấn đề mà đồn đặc biệt quan tâm đó là công tác chăm sóc sức khỏe và bảo vệ an ninh thôn làng. Chúng tôi chỉ đạo tổ công tác địa bàn và trạm quân dân y phải bám sát từng gia đình để hỗ trợ cho bà con. Vào những thời điểm thu hoạch mùa vụ hay phòng-chống thiên tai, lực lượng của Đồn sẽ được tăng cường ra lao động giúp dân. Trên khu vực biên giới Đồn quản lý chỉ có duy nhất một khu dân cư này nên chúng tôi quyết tâm phải chăm lo thật tốt đời sống cho bà con. Cái gì trong khả năng của mình thì làm ngay, vượt tầm thì kiến nghị đề xuất lên cấp trên giải quyết. Có như thế bà con mới yên tâm bám trụ cùng với Đồn quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới…”.
 

Tình cảm, trách nhiệm của người lính Biên phòng là sợi dây gắn kết bà con nhân dân ở làng Rinh thành một khối thống nhất, chung sức chung lòng bảo vệ biên giới. Nằm cách biệt với các khu dân cư trong xã nhưng có thể nói làng Rinh là một “lá chắn” vững chắc trong đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, trong đó có hoạt động vượt biên trái phép.

Đã từng là điểm nóng trên “hành lang” vượt biên trái phép qua biên giới nhưng giờ đây, làng Rinh là khu dân cư an toàn, trật tự xã hội luôn được giữ vững. Đây là cơ sở để các chủ nhân vùng “ốc đảo” vượt khó, bám trụ vững vàng trên biên giới.

Thái Kim Nga

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.