Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: Lập lờ đánh lận con đen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều đơn vị sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ghi khống hàm lượng, quảng cáo sai sự thật trên bao bì, đặc biệt có doanh nghiệp còn cho rằng phân bón có thể thay thế chức năng của thuốc BVTV. Cùng với đó, nhiều loại thuốc BVTV được ghi thêm đối tượng phòng trừ nhằm thu hút khách hàng.

Nhiều chiêu thức đánh lừa nông dân

Theo thống kê, trên thị trường Gia Lai hiện có khoảng 200 loại phân bón. Bên cạnh những công ty có uy tín lâu nay luôn đảm bảo đủ hàm lượng như công bố trên bao bì thì một số doanh nghiệp nhỏ sản xuất phân bón đã tìm mọi cách để trục lợi, bất chấp thiệt hại của nông dân.

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Pưh đã tiến hành kiểm tra và xử phạt hơn 62 triệu đồng đối với một số cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm về nhãn mác hàng hóa. Ông Hoàng Văn Hoan-Phó Trưởng đoàn cho biết: Sản phẩm Siêu phân bón rễ của Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Vật tư Nam Phương (địa chỉ 36/120 Lê Thị Hồng Gấm, phường 17, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) trên bao bì công bố thành phần có CaCo3 hàm lượng 60%, nhưng thành phần này là đá vôi, cây trồng không thể hấp thụ. Đặc biệt, đơn vị này còn khuyến cáo sản phẩm tăng cường đạm và nấm Trichoderma song trên bao bì không công bố thành phần đạm và tỷ lệ là bao nhiêu. Nhiều nhà khoa học cho rằng nấm Trichoderma không thể tồn tại trong môi trường có vôi.
 

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón. Ảnh: L.N
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón. Ảnh: L.N

Tương tự là sản phẩm phân bón SH-Super canxi lân của Công ty Sinh hóa Cần Thơ (địa chỉ 2/23 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ). Đơn vị này công bố thành phần như: CaO: 30%, MgO:1,5%, SiO2: 2,8%, thành phần nguyên liệu Super lân 16% và bổ sung vi sinh vật có ích. Đặc biệt, nhãn hiệu hàng hóa thì ghi là phân bón SH-Super canxi lân, nhưng thành phần dinh dưỡng công bố lại không có lân. 

Sản phẩm phân bón Super lân Philip của Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Sản xuất Thuận Điền Việt Nam (địa chỉ B2/18 quốc lộ 50, ấp 2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) nhãn hiệu hàng hóa ghi là Super  lân nhưng thành phần dinh dưỡng công bố không có lân. Cùng với đó, đơn vị này còn ghi thành phần phụ  P2O5 là 16x102ppb nhưng nhìn công thức này các cơ quan chuyên môn đều không tính được hàm lượng thành phần phụ là bao nhiêu.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp còn “mạnh tay” hơn khi ghi tác dụng của phân bón có thể phòng trừ, hạn chế các loại sâu bệnh trên một số cây trồng. Năm 2015, Đoàn kiểm liên ngành huyện Chư Pưh đã xử phạt sản phẩm phân bón Ong Biển OBi màu đỏ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam (địa chỉ 57 Ngô Đức Kế, phường 7, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vì vi phạm nhãn hiệu hàng hóa. Thế nhưng, năm nay đơn vị này tiếp tục vi phạm khi ghi trên bao bì là: “Sử dụng phân bón OBi Ong Biển này thì không nên hoặc không sử dụng các loại thuốc BVTV để phòng trừ các bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu điên, tuyến trùng”.

 

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và PTNT, mỗi năm Việt Nam nhập và sử dụng 70.000-100.000 tấn thuốc BVTV. Tuy nhiên, lượng thuốc nhập khẩu này chủ yếu dưới dạng nguyên liệu, sau đó về các doanh nghiệp mới pha chế, sang chiết và đóng gói bán ra thị trường. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi ít nhất 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Trung Quốc.

Vi phạm nhãn mác hàng hóa

Trên thực tế, nhiều sản phẩm khi người dân sử dụng không đem lại hiệu quả như nhà sản xuất quảng bá.

Mới đây, trong vai người mua hàng, chúng tôi đến cửa hàng thuốc BVTV tại huyện Chư Prông để mua một chai thuốc Topol 450EC của Công ty TNHH Hóa chất Quốc tế (có địa chỉ tổ 3, khối 8, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak). Nhân viên bán hàng cho biết loại thuốc này có thể dùng để trị bệnh rệp sáp, rệp vảy, mọt đục cành, sâu đục quả cà phê. Tuy nhiên khi mang chai thuốc này đối chiếu với danh mục thuốc BVTV được sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam năm 2016 thì đối tượng phòng trừ mà loại thuốc này đăng ký là rệp sáp hại cà phê.

Tương tự, chúng tôi tìm đến một cửa hàng vật tư nông nghiệp tại huyện Đức Cơ mua chai thuốc Inip 650EC của Công ty cổ phần Hóa chất Nông nghiệp Hà Long (địa chỉ lô 20A, Khu Công nghiệp Thái Hòa, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Ngoài bao bì của sản phẩm này ghi đặc trị: rầy, rệp sáp hại cà phê, rệp sáp hại rễ tiêu, mọt đục cành, sâu đục quả. Tiếp tục đối chiếu với danh mục được cấp phép thì sản phẩm này chỉ cho phép sử dụng để trị duy nhất bệnh bọ trĩ hại lúa. Trong trường hợp này, nhà sản xuất đã không ghi đối tượng phòng trừ đăng ký mà ghi thêm 7 đối tượng phòng trừ mới.

 

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc ghi sai đối tượng phòng trừ. Các doanh nghiệp khi sản xuất thuốc BVTV thường nhắm đến đối tượng phòng trừ là một bệnh trên một vùng chuyên canh nhất định, nhưng khi mở rộng thị trường kinh doanh, họ “lách luật” bằng cách ghi tăng đối tượng phòng trừ.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.