Lễ cúng "Mẹ Lúa" trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mùa xuân chính là mùa tập trung dày đặc các lễ hội của Tây Nguyên, trong đó có lễ cúng giống lúa.

Chuyện kể rằng, ngày xưa hạt lúa rất to. Khi lúa chín vàng, chắc hạt, bông cong vòng trĩu xuống, con người phải bắc sợi dây dài từ rẫy, lúa tự theo đó về nhà. Chỉ bỏ vài hạt nấu là có nồi cơm ngon. Nhưng có một cô gái nọ mải chơi không coi bếp lửa, để gạo nở bùng, vỡ ra, chảy hết xuống bếp làm tắt cả lửa. Yàng giận quá nên cho hạt lúa cứ nhỏ lại, bắt con người phải tự suốt lúa, tự gùi mang về.

 

Lễ cúng lúa giống của người Ê Đê. Ảnh: Linh Nga Niê Kdăm
Lễ cúng lúa giống của người Ê Đê. Ảnh: Linh Nga Niê Kdăm

Có lẽ vì vậy mà tộc người Tây Nguyên nào cũng rất coi trọng hạt lúa, thường gọi là Mẹ Lúa. Có 2 cách gìn giữ lúa giống: cách thứ nhất là bó thành từng bó nguyên bông lúa, treo trên gác bếp; cách thứ 2 suốt lấy những hạt chắc mẩy nhất, bỏ trong những chiếc vỏ bầu khô, đặt trên gác bếp. Đến mùa trồng trỉa, người phụ nữ chủ nhà phải đích thân gieo những hạt lúa dùng để cúng Yàng ở đám đất giữa rẫy.

Trong hệ thống các lễ nghi theo nông lịch của người Tây Nguyên nói chung, người Ê Đê nói riêng, lễ cúng giống lúa được tiến hành khi việc phát dọn khu đất mới hoặc đốt rẫy, dọn đất mảnh rẫy cũ đã xong. Trong lễ này, không chỉ mời gọi, cúng thần lúa (Yàng H’ri) mà còn cúng các vị thần đất (Yàng êlăn) , thần mưa (Yàng h’yan), thần gió (Yàng angin)… cầu cho mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu.

Từ sáng sớm, người phụ nữ chủ gia đình đã xếp gọn ghẽ tấm mền thổ cẩm, vấn lại mái tóc dài, lui cui nhen bếp lửa, chuẩn bị các lễ vật sẽ phải có trong lễ cúng. Theo tập quán, người Ê Đê thường gieo lẫn các loại hạt giống bầu bí, cà cùng với giống lúa. Lễ vật sẽ bao gồm 2 con gà trống, 1 ché rượu, 1 chén cơm, 1 thúng hạt lúa giống, các loại giống cây trồng, 1 ống đựng hạt bằng nứa, 2 cây gậy chọc trỉa, cuốc, tất cả đều đặt trong 1 chiếc mẹt. Việc của bà chủ là soạn ra đó cho đầy đủ.

Ông chồng cũng ra khỏi phòng ngủ, vặt cổ một con gà đốt trên bếp lửa cho cháy hết lông và làm sạch, bỏ vô nồi luộc trên bếp lửa. Sau đó dựng cây cột gâng và buộc các ché rượu ngay chính giữa nhà. Cần uống rượu đã khai thông. Chiếc nồi đồng đựng nước châm rượu cũng đã được dọn ra, đặt gần đấy và đổ đầy nước sạch. Con gà trống còn sống buộc chân để cạnh đó.

Mặt trời lên chưa tới ngọn cây, mọi việc chuẩn bị đã xong. Con gà luộc đã chín với đầy đủ bộ lòng, đặt trên mẹt bên cạnh các hiện vật khác. Lễ cúng được tiến hành long trọng 2 lần: Lần đầu tại gian khách của nhà dài, lần thứ 2 ngay ngoài rẫy. Đầu tiên, thầy cúng hút  rượu trong ché ra, cắt tiết gà cho chảy vô chén rượu để hiến tế và nghiêm trang khấn thần lúa cùng các vị thần mưa, thần sông, thần gió, các linh hồn những người thân trong gia đình đã về cõi xa… về chứng giám lòng thành của gia chủ. Sau khi khấn xong tại ché, chủ lễ tiến hành khấn lần 2 tại mâm cúng. Mâm cúng bao gồm 1 bát tiết gà hòa rượu, 1 con gà luộc chín, thúng giống lúa và các giống cây trồng khác. Cũng không thể thiếu trầu cau (Mẹ Lúa mà!).  

Chủ lễ ngồi bên mâm hạt giống các loại, tay cầm bát đựng rượu hòa với huyết gà miệng khẩn cầu các thần: “Ơ Yàng phía Tây, Yàng phía Đông, Yàng sông, Yàng núi, Yàng mưa, Yàng mây, Yàng H’ri, Yàng atâo... Chúng tôi dâng lên các vị thần linh thiêng con gà và ghè rượu. Xin các Yàng cho chúng tôi mùa vụ này mưa đều, gió nhẹ. Cho giống hạt lúa, hạt bắp, hạt bí bầu  gieo xuống đất nhanh nảy mầm chui lên. Không bị con chim con thú phá phách ăn hết. Yàng cho lúa bắp đầy hạt. Bầu bí nhiều hoa trái. Chúng tôi sẽ lại cúng các Yàng nhiều hơn nữa. Ơ Yàng…”. Khấn xong, ông vẩy rượu lên các cây gậy chọc lỗ, ống đựng lúa giống và các loại hạt giống, đồng nghĩa với việc các hạt giống và vật dụng này đều đã được các vị thần linh thiêng ban phước, phù trợ cho một vụ mùa mới an lành và bội thu.

Sau khi thầy cúng khấn xong, mọi người cùng uống rượu cần chuyền tay, bắt đầu từ gia chủ, từ già đến trẻ, phụ nữ được uống trước rồi đến các thành viên trong gia đình. Những người tham dự cũng được mời uống để sẻ chia niềm vui vào mùa vụ gieo trồng cùng gia đình. Và lễ cúng ở nhà không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Bởi đó là lời mời gọi, là sự sẻ chia của con người đối với các vị thần linh, với các buôn gần, làng xa.

Người ta cũng có thể làm lễ cúng lần thứ 2 này ngay ngoài rẫy. Lễ xong là lúc lên rẫy, bắt tay vào gieo trỉa.

Mùa màng cứ vậy trôi đi, hết mùa nắng tới mùa mưa trên cao nguyên đất đỏ màu mỡ. Và rồi đến ngày thu hoạch, căn cứ vào số gùi lúa được đem về, người ta lại tổ chức các lễ cúng lúa mới tạ ơn Mẹ Lúa.

Linh Nga Niê Kdăm

Có thể bạn quan tâm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.
Nối dài những đường tơ

Nối dài những đường tơ

(GLO)- Kết nối những giá trị vượt thời gian của thổ cẩm Tây Nguyên vào thời trang, nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh đã khiến thổ cẩm thăng hoa trên các sàn diễn trong nước và quốc tế hàng thập kỷ qua.