(GLO)- Mặc dù mới chỉ ở giữa mùa khô nhưng hiện nay mực nước trên các ao hồ, khe suối dùng để tưới cho cây nông nghiệp trên địa bàn xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ) đã cạn kiệt. Người dân đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi thời tiết khô hạn kéo dài khiến cho nhiều cây trồng trên địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mía trồng đã lâu nhưng không mọc. Ảnh: Hồng Thương |
Theo báo cáo của UBND xã Yang Bắc, diện tích gieo trồng vụ ĐôngXuân của toàn xã là 710 ha, trong đó lúa 2 vụ 39 ha, bắp lai 10 ha, mì 113 ha, mía trồng mới 239 ha, cây thực phẩm 212 ha và một số loại cây trồng khác. Để đảm bảo nước tưới cho cây trồng trong mùa khô, thời gian vừa qua, chính quyền xã Yang Bắc đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời, thường xuyên kiểm tra và tổ chức điều tiết nước ở các công trình thủy lợi. Song, đến thời điểm hiện tại, nước ở hầu hết các ao hồ nhỏ đã cạn kiệt. Hồ Thôn Trang rộng 4 ha, sâu 6 mét-là công trình thủy lợi duy nhất của xã cung cấp nước tưới cho 13 ha lúa đến nay cũng đang dần cạn kiệt, không đảm bảo cung cấp nước tưới cho các cánh đồng.
Thực trạng đó đã dẫn đến nhiều diện tích cầy trồng phát triển chậm và cho năng suất thấp. Nhiều diện tích lúa bị giảm năng suất 30% đến 70%, cá biệt có 2 ha lúa bị mất trắng khiến cho nhiều người dân lo lắng. Nhìn những đám lúa đã bị cháy khô, già Đinh Chol, làng Bung Beng buồn rầu: “Ngay từ đầu vụ mùa đến nay, người dân trên địa bàn xã tiết kiệm khi sử dụng nước tưới cho các cây trồng, nhất là đối với cây lúa nước. Thế nhưng, nắng hạn kéo dài đã khiến cho nhiều diện tích lúa không thể làm đòng nên người dân đành phải cắt bỏ cho bò ăn. Nhiều ruộng lúa cũng đã làm đòng nhưng vì lâu ngày không còn nước tưới nên đã bị cháy khô hết. Những thửa ruộng nào may mắn có nước tưới qua được thời vụ làm đòng thì lại không có nước để ngậm sữa nên bông lúa ngắn và hạt lép chiếm phần nhiều”.
Một số diện tích lúa không đủ nước tưới để làm đòng, cây lúa héo khô nên người dân đã cắt bỏ lúa cho bò ăn, chỉ còn trơ lại gốc rạ. Ảnh: Hồng Thương |
Ngoài cây lúa, mía cũng là loại cây trồng chủ lực của người dân xã Yang Bắc. Đến nay, trong tổng số 329 ha mía trồng mới của xã, có đến 3,5 ha mía trồng mới không mọc đã đẩy nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh khốn cùng. Ông Đinh Kinh, trú ở làng Bung Beng cho biết: “Nhà tôi vay được 16 triệu đồng đầu tư hết vào 8 sào mía rồi mà chẳng có cây nào mọc. Giờ giống mía đã hết rồi, tôi đang tính sẽ chuyển đổi sang trồng bắp theo hướng dẫn của chính quyền nhưng chưa biết phải vay vốn ở đâu để trồng tiếp vụ bắp”.
Ngoài ra, nhiều hộ dân trên địa bàn xã hiện đang rất lo lắng bởi đến thời điểm hiện tại, dù đã có một vài cơn mưa rào xuất hiện song vẫn không thể làm dịu những cơn nóng hầm hập của Tây Nguyên mùa khô. Điều này sẽ dẫn đến nước ở các ao hồ, khe suối tiếp tục bị khô hạn và nhiều cây trồng có nguy cơ sinh trưởng và phát triển chậm. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương cũng đang tìm cách để giúp đỡ người dân khắc phục khó khăn. Ông Nguyễn Quốc Cường-Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang tích cực theo dõi diễn biến thời tiết và tình trạng sinh trưởng, phát triển của các cây trồng để có biện pháp giúp bà con khắc phục khó khăn và tận dụng có hiệu quả nguồn nước tưới từ các khe suối để cung cấp nước cho một số cây trồng. Đối với những diện tích bị mất trắng, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chúng tôi cũng sẽ tổng hợp và có báo cáo gửi lên huyện để có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với những hộ bị thiệt hại nhiều do hạn hán gây ra”.
Hồng Thương