Xứng đáng là một tấm gương đạo hạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm qua, tăng ni và phật tử tỉnh Gia Lai đã dành một tình cảm lớn cùng sự tôn kính đối với Thượng tọa Thích Tâm Tường (thầy Tâm Tường)-Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai.

Thầy Tâm Tường bộc bạch: “Ngay từ nhỏ, tôi đã có một tâm nguyện, một ước mơ cháy bỏng là xây dựng một cuộc sống hướng thiện cho chính mình và cho mọi người, mang lại thân tâm an lạc và một đời sống bớt khổ, thêm vui...”. Năm 1957, thầy quyết định xuất gia vào tu học tại chùa Thiên Trúc (Bình Định) theo sư phụ của mình là Hòa thượng Thích Giác Ngộ. Từ năm 1974, thầy tiếp tục theo thầy Giác Ngộ lên Tây Nguyên tu học tại chùa Bửu Thắng (TP. Pleiku) cho đến nay.

 

Thượng tọa Thích Tâm Tường. Ảnh: Thanh Nhật
Thượng tọa Thích Tâm Tường. Ảnh: Thanh Nhật

Suốt quá trình tu hành, thầy Tâm Tường luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập, cũng như rèn luyện giới hạnh của con đường chân tu, tiếp nối đạo hạnh của Đức Phật Thích Ca và các vị tiền nhân. Tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), thầy cũng là vị tăng sinh đầu tiên của Phật giáo Gia Lai thi đậu vào Trường Cao cấp Phật học của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Không dừng lại ở đó, từ năm 1995 đến hết năm 2004, thầy Tâm Tường tiếp tục là nghiên cứu sinh Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ Phật học tại Đại học New Delhly-Ấn Độ, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và trở về Việt Nam trong niềm hân hoan quý mến của toàn thể tăng ni, phật tử.

Suốt thời gian dài tại Ấn Độ, ngoài việc tham gia nhiều công trình nghiên cứu với hơn 10 vị tăng của Việt Nam cùng khóa học, thầy Tâm Tường còn trực tiếp dày công đầu tư viết 2 đề tài luận án tốt nghiệp Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ tại Đại học New Delhly lúc bấy giờ. Dù đang học tập tại Ấn Độ-chiếc nôi của Phật giáo thế giới-nhưng tâm nguyện của thầy luôn hướng về quê hương đất nước Việt Nam thân yêu của mình. Thầy đã chọn nghiên cứu đề tài “Bối cảnh Phật giáo đời Trần tại Việt Nam”, nhằm giới thiệu cho bạn bè thế giới và Phật giáo các nước hiểu rõ hơn về truyền thống đoàn kết yêu nước, “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước…

 

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

Trong luận án tiến sĩ, xuất phát từ bản chất tình yêu thiên nhiên, xem sự sinh tồn và phát triển của vạn vật thiên nhiên, sự sống của muôn loài động vật và thực vật trên trái đất này như chính sự sống của mình-đúng theo lời Đức Phật Thích Ca đã dạy, nên thầy Tâm Tường đã chọn nghiên cứu đề tài “Quan điểm của Đức Phật đối với môi sinh”. Thầy cho rằng: “Trong bối cảnh phát triển của nền văn minh nhân loại, thì những mặt trái ảnh hưởng và tác động xấu đến môi trường, môi sinh là rất lớn và đó cũng là vấn đề quan tâm lớn của các quốc gia trên toàn thế giới hiện nay, như một hồi chuông báo động mà bản thân tôi luôn phải trăn trở, làm sao để giúp mọi người cùng hiểu, cùng hành động tích cực hơn để bảo vệ môi trường trái đất, sự sống cho con người và vạn vật, chúng sanh…”.

Sau thời gian dài học tập, Tiến sĩ Phật học Thích Tâm Tường đã trở về mảnh đất Gia Lai thân yêu và đã được Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai chính thức bổ nhiệm trụ trì chùa Bửu Thắng từ năm 2005 đến nay. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con phật tử địa phương, Thầy đã cùng các tăng ni và bà con phật tử chung sức xây dựng lại ngôi chùa kiên cố khang trang 3 tầng với diện tích sử dụng hơn 1.000 m2.

Thầy luôn quan tâm công tác hoằng dương chánh pháp, phát triển giáo dục Phật giáo đến đông đảo tăng ni và phật tử, cũng như được tín nhiệm làm Chánh chủ khảo trong kỳ thi “Đại giới đàn cam lộ năm 2010” do Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai phối hợp cùng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức. Đồng thời với chức năng nhiệm vụ được giao là Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Gia Lai, thầy đang cùng với tập thể Ban Trị sự phấn đấu hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa Trường Trung cấp Phật học chính thức đi vào hoạt động (theo Quyết định số 294/QĐ-BGDTNTW của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam), góp phần đào tạo tăng tài cho tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên.

Là Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2009-2014 và đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016, thầy Tâm Tường luôn làm tròn trách nhiệm người đại biểu nhân dân, đáp ứng niềm tin tưởng của cử tri. Những năm qua, thầy đã tích cực giúp đỡ tăng ni và phật tử tu học, phát huy bản chất từ bi và trí tuệ của đạo Phật, đem những lời Phật dạy, những giá trị đạo đức và văn hóa của Phật giáo áp dụng vào đời sống, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Thầy đã cùng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo và các chùa, tịnh xá trên địa bàn tích cực làm từ thiện xã hội, thường xuyên tổ chức đi thăm và tặng quà các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thầy đã cùng các vị chức sắc trong Ban Trị sự chủ trì tổ chức Đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ và nhiều nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh…

Mới đây, tại Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Gia Lai lần thứ IV (nhiệm kỳ 2012-2017), Tiến sĩ-Thượng tọa Thích Tâm Tường được bầu giữ chức Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai. Thầy cho biết: “Nhiệm vụ trọng tâm nhất trong nhiệm kỳ này là tiếp tục cùng với tập thể Ban Trị sự làm tốt công tác đoàn kết tập hợp tăng ni, phật tử tỉnh nhà sinh hoạt tôn giáo đúng  pháp luật và đường hướng đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tích cực phối hợp cùng các cấp, các ngành chức năng tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác tôn giáo, Pháp lệnh Tín ngưỡng-Tôn giáo và các văn bản pháp luật liên quan, chú trọng việc biểu dương và nhân rộng người tốt việc tốt trong đồng bào Phật giáo, tạo điều kiện để chính quyền các cấp làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, giúp tăng ni và phật tử nâng cao nhận thức về  các âm mưu lợi dụng tôn giáo, góp phần giữ vững an ninh trật tự và phát triển kinh tế-xã hội địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và Giáo hội ngày càng vững mạnh trong sự phát triển chung của đất nước thời kỳ hội nhập…”.

Thanh Nhật
 

Có thể bạn quan tâm