(GLO)- L.T.S: Cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân (TAND) đang thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập TAND Việt Nam (13-9-1945 – 13-9-2015) và kỷ niệm 40 năm thành lập hệ thống TAND tỉnh (1975-2015). Nhân dịp này, đồng chí ĐẶNG PHAN CHUNG-Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Gia Lai về một số vấn đề liên quan.
* P.V: Xin đồng chí cho biết quá trình hình thành và phát triển của ngành TAND nói chung, hệ thống TAND tỉnh Gia Lai nói riêng?
- Đồng chí ĐẶNG PHAN CHUNG: Ngay từ những ngày đầu giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định: Dưới chế độ thực dân, phong kiến thì “nền tư pháp chủ yếu là một bộ máy đàn áp, một bộ máy bóc lột tư sản. Vì vậy, nhiệm vụ tuyệt đối của cách mạng vô sản không phải là cải cách các chế định tư pháp mà là hủy bỏ hoàn toàn, phá hủy đến tận gốc rễ nền tư pháp cũ và bộ máy nhà nước”. Chính vì lẽ đó mà Đảng và Nhà nước ta đã khẩn trương xây dựng bộ máy nhà nước cách mạng, trong đó có ngành Tòa án cách mạng. Ngày 13-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 33C thiết lập các Tòa án quân sự, đánh dấu sự ra đời của ngành TAND Việt Nam. Để hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, ngày 24-1-1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Tòa án và các ngạch thẩm phán. Đây là sắc lệnh đầu tiên quy định một cách đầy đủ về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp, xử phạt vi cảnh ở cơ sở cũng như tổ chức các tòa án và quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngạch thẩm phán.
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà được thống nhất, cùng với việc xây dựng chính quyền, TAND các tỉnh, thành phố phía Nam cũng được thành lập theo các đơn vị hành chính. Từ đó, TAND tỉnh Gia Lai-Kon Tum được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Tháng 5-1977, ngành TAND tỉnh Gia Lai-Kon Tum cơ bản ổn định về tổ chức. Đến năm 1991, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 thì tỉnh Gia Lai-Kon Tum được chia tách thành 2 tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tư pháp đã ra quyết định thành lập TAND tỉnh Gia Lai vào ngày 16-8-1991. Lúc này, hệ thống TAND tỉnh có TAND tỉnh và 11 TAND cấp huyện, với đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu. Đến nay, hệ thống TAND tỉnh Gia Lai đã phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, với 229 cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong TAND tỉnh và 17 cơ quan TAND cấp huyện; trong đó có 83 thẩm phán, 6 thạc sĩ luật, hơn 20 công chức đang theo học cao học luật.
* P.V: Vậy, chất lượng công tác chuyên môn và kết quả hoạt động về nghiệp vụ của hệ thống TAND tỉnh ta ra sao, thưa đồng chí?
Ảnh: Huy Tịnh |
- Đồng chí ĐẶNG PHAN CHUNG: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, TAND tối cao, Bộ Tư pháp, HĐND và sự hỗ trợ của UBND các cấp; cán bộ, công chức, viên chức hệ thống TAND tỉnh đã và đang nỗ lực học tập, từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong việc thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ và nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Mỗi năm, hệ thống TAND tỉnh đã thụ lý, giải quyết hàng ngàn vụ án các loại. Số lượng án năm sau tăng cao hơn năm trước (năm 1995 thụ lý, giải quyết 639 vụ; năm 2005 thụ lý, giải quyết 2.072 vụ; chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015 đã thụ lý, giải quyết xong 2.234 vụ). Các vụ án cơ bản đều được giải quyết trong hạn luật định và đúng pháp luật, thấu tình đạt lý. Các cơ quan TAND trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án được dư luận quan tâm, các vụ án phá rối an ninh, phá hoại chính sách đoàn kết, trốn đi nước ngoài... Tiêu biểu là vụ án Bo Me (Ya Na) và 6 đồng phạm là người dân tộc địa phương phạm tội “Phá hoại an ninh” vì đã có những hành vi xúi giục đồng bào phá rối an ninh trật tự trước trụ sở Tỉnh ủy và trụ sở UBND tỉnh vào ngày 2-2-2001. Đồng thời còn xét xử các vụ án kinh tế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân như vụ Công ty Cao su Chư Pah (2001), vụ Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh (2002), vụ Mai Quý Thọ (2010), vụ Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Bình An (2014)...
Tập thể ngành TAND tỉnh đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba; có 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, 4 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; các tập thể và cá nhân thuộc hệ thống TAND tỉnh được tặng 11 cờ thi đua xuất sắc, 11 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 221 bằng khen của Chánh án TAND tối cao, 53 bằng khen của Bộ Tư pháp, 123 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh... |
Thông qua hoạt động xét xử, các cơ quan TAND không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân và trừng trị nghiêm minh các loại tội phạm mà còn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân và đấu tranh phòng-chống các loại tội phạm ở địa phương. Trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng, hệ thống TAND tỉnh đã và đang triển khai sâu rộng việc đổi mới tranh tụng tại phiên tòa, không ngừng nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 8 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng thẩm quyền xét xử mới về hình sự và dân sự cho TAND cấp huyện theo nghị quyết của Quốc hội.
Ngoài công tác chuyên môn nghiệp vụ, các cơ quan TAND trong tỉnh còn tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do ngành, cơ quan và địa phương phát động. Chấp hành sự phân công của cấp ủy Đảng địa phương, các cơ quan TAND trong tỉnh tiếp tục đóng góp công của để góp phần phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững an ninh-trật tự ở các làng, xã trọng điểm.
* P.V: Để phát huy những kết quả đã đạt được, hệ thống TAND tỉnh cần làm những gì trong thời gian tới, thưa đồng chí?
- Đồng chí ĐẶNG PHAN CHUNG: Trong thời gian tới, nhiệm vụ của hệ thống TAND tỉnh rất nặng nề. Đó là tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, với mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, hiện đại, bảo vệ công lý”. Hệ thống TAND tỉnh tích cực phát huy những ưu điểm, hạn chế những khuyết điểm, tập trung thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào “3 tăng, 2 giảm, 3 không” trong đội ngũ thẩm phán gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và nỗ lực đổi mới công tác thi đua khen thưởng, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng đội ngũ công chức, viên chức tư pháp “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, bản lĩnh và kỷ cương, công tâm và trách nhiệm”.
Nghị quyết số 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ: “Cải cách tư pháp lấy trọng tâm là cải cách hệ thống tòa án”. Theo tinh thần đó, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống TAND tỉnh tiếp tục gương mẫu trong mọi công việc, thực hiện thật nghiêm túc quy tắc đạo đức nghề nghiệp “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; thực hiện thật tốt các phong trào thi đua yêu nước; cố gắng làm thật nhiều việc có lợi cho dân, cho Tổ quốc, xứng đáng là cơ quan trọng tâm của công cuộc cải cách tư pháp.
* P.V: Xin cảm ơn đồng chí.
Hoàng Cư (thực hiện)