Xuân này ở làng cách mạng Pốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mùa Xuân này, người dân làng Pốt (xã Song An, thị xã An Khê) không chỉ có bánh chưng, có thịt, chếnh choáng trong hơi men rượu cần mà họ rất vui khi được đón đoàn lãnh đạo tỉnh về thăm, chúc Tết ở làng.

Dưới tiết trời se lạnh của ngày giáp Tết, người dân làng Pốt xúng xính trong những trang phục mới quây quần dưới mái nhà rông truyền thống của làng để đón đoàn đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy về thăm.

 Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm, chúc Tết bà con nhân dân làng Pốt, xã Song An, thị xã An Khê. Ảnh: Đ.Y
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm, chúc Tết bà con nhân dân làng Pốt, xã Song An, thị xã An Khê. Ảnh: Đ.Y



Thay mặt cho làng, ông Hồ Xuân Khánh-Bí thư Chi bộ làng Pốt, cho biết: “Làng Pốt là khu căn cứ cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đây là nơi mà bộ đội từng ở, từng được người Bahnar bao bọc, chở che”. Bồi hồi kể lại những năm tháng cả làng Pốt theo cách mạng, già Đinh Tók (71 tuổi) nói: “Ngày ấy, tất cả trai, gái trong làng đều một lòng hừng hực khí thế cách mạng. Ban ngày lên rẫy trồng mì, bắp, lúa. Ban đêm, những thanh niên khỏe nhất trong làng được cử mang súng, mang thuốc cho bộ đội từ đèo An Khê xuống Bình Định”. Cũng theo già Đinh Tók, rất nhiều người dân làng Pốt đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất của làng.

Còn già Đinh A Nhen tuy năm nay đã 77 tuổi nhưng già vẫn còn nhớ như in những tháng ngày hào hùng oanh liệt đó. Già Nhen kể, năm 1960, bộ đội vào làng, già được tiếp xúc với bộ đội, cùng bộ đội làm cách mạng, bà con trong làng đều chung một khí thế hừng hực đánh giặc. “Bộ đội vào ở cùng với bà con như người trong làng. Ngày Tết ở giữa rừng đâu có gì, chỉ là những củ mì, trái bắp chúc nhau thôi nhưng ấm áp và hạnh phúc lắm”-già Nhen chia sẻ.

Không chỉ kiên cường trong kháng chiến mà trong thời bình, người dân làng Pốt đã đoàn kết, cần cù, chịu khó, sáng tạo xây dựng làng ngày một phát triển. Tết Mậu Tuất 2018 này, trở lại thăm làng Pốt, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng vì ngôi làng một thời gần như cả làng thiếu ăn những ngày giáp hạt thì giờ làng chỉ còn 13 hộ nghèo (làng có 66 hộ, 321 nhân khẩu-P.V). Cách đây 6 năm (2012) về trước, người dân chỉ quen với lối canh tác cũ thì nay bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cả làng hiện có 151 ha diện tích đất sản xuất, được bà con trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao, như: lúa nước hai vụ, mì, bắp, đặc biệt là cây keo lai. Nhờ thổ nhưỡng đồi đất dốc phù hợp với cây keo lai, vì vậy, bà con trong làng hiện coi cây keo lai là cây xóa nghèo, làm giàu của làng.

Anh Đinh Đang (41 tuổi)-một trong những người trẻ của làng là người đi tiên phong mang cây keo lai về trồng trên đất làng tâm sự: “Mình đi nhiều nơi, thấy cây keo lai phù hợp với thổ nhưỡng của làng mà lây nay bà con bỏ hoang hoặc chỉ trồng mì. Sau 3 năm đầu trồng thử nghiệm, keo lai phát  triển đến năm thứ 4 đã cho thu hoạch. Cây keo lai được giá, vụ đầu đó, gia đình mình thu được hơn 200 triệu đồng từ việc bán vườn keo lai rộng 10 ha. Từ đó, bà con trong làng cùng trồng theo. Hiện bà con trong làng trồng được khoảng 111 ha keo lai”. Ngoài ra, anh Đang còn đưa giống mì cao sản, bắp lai vào gieo trồng. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình anh sau khi trừ chi phí cũng để ra được vài chục triệu đồng. Học hỏi theo cách làm giàu của Đinh Đang, giờ cả làng không còn hộ nào hộ nào đói nữa.

Trò chuyện với bà con dân làng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã kịp thời động viên người dân cố gắng phát huy hơn nữa sức mạnh đoàn kết, cùng nhau nỗ lực phấn đấu trong sản xuất để xây dựng làng Pốt ngày một giàu mạnh. Trước sự động viên của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, người dân trong làng ai ai cũng phấn khởi, xúc động. Hòa trong nhịp chiêng trầm bổng chào đón năm mới, dân làng không ai bảo ai đều như tự hứa với lòng mình, sẽ tiếp tục đoàn kết, cùng nhau xây dựng làng, như mong mỏi của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.