(GLO)- Người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia được xác định là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Tuy nhiên, ở Gia Lai hiện nay, việc xử lý hành vi này còn chưa được lực lượng Cảnh sát Giao thông quan tâm đúng mức, nếu không muốn nói là gần như bị buông lỏng.
Có một thực tế mà ai cũng biết là ở nước ta hiện nay, trong đó có Gia Lai, tình trạng sử dụng rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông đang diễn ra một cách tràn lan. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho tình hình trật tự an toàn giao thông nói chung, tai nạn giao thông nói riêng ngày càng trở nên phức tạp.
Cảnh sát Giao thông đang kiểm tra nồng độ cồn một người đi xe máy. |
Trước thực tế đáng báo động đó, Tháng An toàn giao thông của năm 2011, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã lựa chọn chủ đề “Phòng-chống uống rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. Song song với việc yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hiểm họa của việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia còn chỉ đạo các địa phương cần tăng cường đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Ngoài ra, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia còn yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể nâng cao trách nhiệm trong hoạt động “Phòng-chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. Còn nhớ, thực hiện chủ đề Tháng An toàn giao thông của năm 2011, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh mở đợt cao điểm xử lý các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia.
Chỉ trong 10 ngày ra quân (từ ngày 5 đến ngày 15-10-2011), lực lượng Cảnh sát Giao thông đã phát hiện và lập biên bản 197 trường hợp vi phạm, trong đó, riêng Công an TP. Pleiku phát hiện và xử lý 67 trường hợp. Con số trên mặc dù chưa phản ánh hết thực tế song phần nào cho thấy mức độ lạm dụng rượu, bia của một bộ phận không nhỏ người dân khi tham gia giao thông.
Những tưởng sau đợt cao điểm đó, công tác xử lý người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia sẽ tiếp tục được lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, từ ngày 1-1 đến ngày 25-7-2012, toàn tỉnh chỉ có 255 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng Cảnh sát Giao thông lập biên bản.
Nếu đem so sánh con số trên với kết quả 10 ngày của đợt cao điểm tháng 10-2011 thì dễ lầm tưởng là ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông ở tỉnh ta đã có sự chuyển biến hết sức mạnh mẽ. Song chỉ cần nhìn vào các nhà hàng, quán nhậu lớn bé đủ loại khắp nơi trong tỉnh, suốt từ trưa đến tối lúc nào cũng đầy ắp những vị khách mặt đỏ gay vì bia, rượu thì ai cũng thấy, con số 255 trường hợp bị lập biên bản trong gần 7 tháng đầu năm là quá ít so với thực tế.
Điều này chắc chắn xuất phát từ chỗ công tác xử lý người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia đã không nhận được sự quan tâm đúng mức của lực lượng Cảnh sát Giao thông ở nhiều nơi. Cụ thể, trong báo cáo đã nêu, chỉ có 10/17 huyện, thị xã, thành phố gồm: An Khê, Ayun Pa, Chư Pưh, Đak Đoa, Đức Cơ, Kbang, Krông Pa, Mang Yang, Phú Thiện, Pleiku và Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) là có kết quả xử lý người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia.
Trong số này, tích cực nhất là Cảnh sát Giao thông các huyện Kbang (66 trường hợp), Krông Pa (65 trường hợp). Còn những địa phương như: An Khê (3 trường hợp), Chư Pưh (4 trường hợp), Đức Cơ (5 trường hợp)… thì có lẽ việc xử lý người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia chỉ là chuyện… làm cho có. Riêng 7 huyện còn lại gồm: Chư Pah, Chư Prông, Chư Sê, Đak Pơ, Ia Grai, Ia Pa và Kông Chro khó có thể nói ở đó không có người dân nào điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia.
Trong Công điện số 775/CĐ-TTg ngày 7-6-2012 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
Ở Gia Lai, những năm gần đây, UBND tỉnh và Ban An toàn Giao thông tỉnh cũng hết sức quan tâm và thường xuyên có chỉ đạo cho các địa phương và các ngành chức năng, trong đó có lực lượng Cảnh sát Giao thông về việc xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như uống rượu, bia khi lái xe. Nhưng thật khó hiểu là thời gian qua, sự chỉ đạo này đã không được lực lượng Cảnh sát Giao thông nhiều địa phương trong tỉnh quan tâm đúng mức. Nếu không nhanh chóng khắc phục tình trạng này, e rằng mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông rất khó mà đạt được.
Tiến Dũng