(GLO)- Hầu hết các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh ta lâu nay đang kêu cứu vì tốc độ xuống cấp nhanh chóng do xe ô tô chở quá khổ, quá tải tàn phá. Trong khi nhiều đợt cao điểm xử lý nghiêm và quyết liệt các loại xe trên được triển khai bước đầu đã lập lại kỷ cương thì xe chở quặng sắt của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn ngang nhiên vi phạm, bất chấp quy định của pháp luật, thậm chí bằng nhiều cách đã tỏ thái độ bất hợp tác khi cơ quan chức năng đến làm việc.
Giao thông trên quốc lộ 19, đoạn qua xã An Phú, TP. Pleiku suốt nhiều ngày trở nên lộn xộn bất thường. Nguyên nhân là do gần chục chiếc xe chở quặng quá tải của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đậu đỗ lộn xộn ngay bên lề đường. Những chiếc xe đầu kéo, dài gần 20 mét, chở đầy quặng sắt gây cản trở giao thông, nhiều người dân địa phương tỏ ra bức xúc.
Trung tá Hà Văn Hoàn-Đội trưởng đội liên ngành số 1 của Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai cho biết đã phát hiện 9 xe của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chở hàng quá tải từ đêm 17-5. Tuy nhiên, đội mới chỉ cân trọng tải và lập biên bản được 2 xe vượt tải hơn 30% mức quy định, 7 xe còn lại các tài xế dùng cách trốn tránh, rời khỏi xe nên không thể lập biên bản xử lý. Cả đội đành phải thay nhau trực 24/24 giờ tại chốt chặn trong suốt nhiều ngày để “thi gan” với lái xe.
Qua tìm hiểu, lộ trình những chiếc xe chở quặng sắt của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu xuất phát từ xã Ia O (huyện Ia Grai) theo tỉnh lộ 664 ra quốc lộ 19 đến Cảng Quy Nhơn. Việc vận chuyển này đã diễn ra khoảng một năm nay, từ khi Tập đoàn này được UBND tỉnh Kon Tum cấp phép khai thác chế biến quặng sắt tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.
Một thời gian dài vận chuyển quặng quá tải của Tập đoàn này là một trong những nguyên nhân chính làm hư hỏng, sụt lún tỉnh lộ 664 gây khó khăn cho các phương tiện và người tham gia giao thông. Một người dân sống cạnh tỉnh lộ 664 cho biết với vẻ… cam chịu: “Xe Hoàng Anh Gia Lai rất to cao, chạy thấy rùng rợn, nguy hiểm lắm. Nghe nói xe chở khoáng sản gì đó. Mỗi lần hai xe giao nhau, xe máy phải ép sát vào lề đường chứ không dám đi kế bên. Giờ người dân chúng tôi chỉ muốn sao cho đường rộng thoáng hơn chút để tránh khỏi tai nạn giao thông thôi chứ giờ họ làm ở đây rồi, sao cấm họ chạy được”.
Dù biết các xe tải của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là một trong những nguyên nhân chính làm hư hỏng tỉnh lộ 664 và góp phần làm hư hỏng, xuống cấp quốc lộ 19 song ngành chức năng địa phương vẫn không thể xử lý vì nhiều lý do.
Thượng tá Võ Hồng Hưng- Phó trưởng Công an huyện Ia Grai cho biết, vì thiếu phương tiện cần thiết, nhất là cân trọng tải nên đơn vị không thể xử lý. Cách đây gần một năm, Công an huyện đã có công văn đề nghị Sở Giao thông-Vận tải và lực lượng chức năng vào cuộc xử lý các xe chở quặng quá tải của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, khoảng 1 tuần sau đó, lực lượng liên ngành của tỉnh đã xử phạt 6 xe chở quặng của tập đoàn này.
Tuy nhiên, khi lực lượng liên ngành của tỉnh rút về thì đâu lại vào đấy. Cứ tầm 4-5 giờ chiều, xe tải của Tập đoàn này nối đuôi nhau chạy từ TP. Pleiku lên khu vực tập kết quặng sắt tại xã Ia O, đoạn tiếp giáp với tỉnh Kon Tum. Rồi khoảng 9 giờ đêm trở đi, các xe này chở quặng về Cảng Quy Nhơn. Sự việc tái diễn như vậy suốt gần một năm qua. Ngày 7-5 vừa qua, Công an huyện Ia Grai tiếp tục có công văn đề nghị Sở Giao thông-Vận tải và các lực lượng chức năng vào cuộc.
Cũng theo vị lãnh đạo Công an huyện Ia Grai, nên xử lý các xe quá tải của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tận gốc, nghĩa là xử lý ngay khi các xe này bắt đầu vận chuyển quặng từ huyện Ia Grai, không nên để các xe này ra quốc lộ 19 rồi mới xử lý, quá trình này có thể đã làm hư hỏng gần trăm cây số trên tỉnh lộ 644. Đối với cấp tỉnh, phương tiện cần thiết là cân trọng tải để xử lý lỗi quá tải đã có.
Tuy nhiên, ngoài 7 xe vừa phát hiện, số còn lại chưa tìm được cách xử lý vì lái xe rời khỏi xe để trốn tránh. Trong khi đó, suốt khoảng một năm qua, các xe chở quặng của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có thể vượt được nhiều chốt chặn từ huyện Ia Grai, qua TP. Pleiku, rồi cả trăm cây số trên quốc lộ 19 thuộc hai tỉnh Gia Lai và Bình Định để đến Cảng Quy Nhơn. Điều đó không thể không đặt ra nghi vấn, phải chăng có sự tiêu cực nào ở đây không?
Hà Duy