(GLO)- Đã hơn 2 tháng triển khai việc xử lý các phương tiện giao thông chở quá khổ, quá tải phần nào đã làm giảm tai nạn giao thông, đồng thời hạn chế được việc hư hại trên các tuyến đường do các xe này gây ra. Tuy nhiên, việc xử lý các phương tiện này đang nảy sinh những vướng mắc cần được giải quyết.
Để tìm hiểu công tác này, chúng tôi đến Km 125 quốc lộ 19 thuộc huyện Mang Yang nơi có tổ công tác liên ngành của tỉnh chốt chặn để xử lý các phương tiện quá khổ, quá tải.
Ảnh: Bích Nga |
Tại đây mỗi ca trực được bố trí 5 cán bộ, trong đó 1 Cảnh sát Giao thông, 1 Thanh tra Giao thông tỉnh, 1 Thanh tra Giao thông khu vực và 2 cán bộ Kho bạc. Tổ liên ngành này hoạt động trong điều kiện thời tiết bất lợi khi những cơn mưa kéo dài làm cho căn lều bằng bạt-nơi sinh hoạt, ăn ngủ của tổ luôn bị gió lung lay, nước tràn vào trong, chưa nói đến những nguy hiểm khác rình rập. Mặc dù phải làm việc trong điều kiện khó khăn nhưng những cán bộ được phân công làm nhiệm vụ ở đây luôn cố gắng khắc phục khó khăn để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Hàng ngày số phương tiện vi phạm bị xử lý đều được báo về Ban An toàn Giao thông tỉnh để tổng hợp, tất cả các xe chở quá khổ, quá tải đều bị xử lý nghiêm.
Tuy nhiên việc xử lý các phương tiện vi phạm ở đây vẫn còn những vướng mắc. Theo quy định việc bố trí 2 cán bộ Kho bạc làm việc ở đây là để thu tiền xử phạt trực tiếp tránh gây phiền hà đi lại cho nhân dân. Thế nhưng từ khi tổ công tác này thành lập cho đến nay vẫn chưa xử lý được trường hợp nào xử phạt tại chỗ. Nguyên nhân là do các lái xe đa phần là lái xe thuê cho các chủ hàng vì vậy họ không có tiền để nộp phạt. Anh Đỗ Thành Quang-một tài xế ở thị xã An Khê cho biết: Khi chúng tôi được chủ hàng thuê, nhiều chủ hàng yêu cầu chở nhiều nên lái xe chấp nhận nếu có bị xử phạt thì chủ hàng sẽ tự đi nộp tiền phạt.
Cùng với đó, các biên bản xử phạt đều có quy định được nộp phạt trong 10 ngày vì vậy lái xe không vội nộp. Chính vì điều này kế hoạch xử phạt tại chỗ trở nên phá sản và những cán bộ Kho bạc được phân công tham gia cũng trở nên thừa.
Cùng với đó, mức xử phạt phương tiện vi phạm chở quá khổ quá tải theo Nghị định số 34/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ còn thấp nên chưa đủ mức răn đe. Chẳng hạn khi chở hàng vượt trọng tải thiết kế từ 10% đến 40% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn và từ 5% đến 30% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên; xếp hàng trên nóc thùng xe; xếp hàng vượt quá bề rộng thùng xe; xếp hàng vượt phía trước, phía sau thùng xe trên 10% chiều dài xe bị phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 1 triệu đồng; phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng nếu chở hàng vượt trọng tải thiết kế trên 40% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn và trên 30% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng khi chở hàng siêu trường, siêu trọng không có báo hiệu kích thước của hàng theo quy định và phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng khi chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành...
Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày hoặc 60 ngày tùy theo mức độ vi phạm. Với mức xử phạt như vậy, nên không ít chủ phương tiện sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để... tiếp tục vi phạm!
Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong việc xử phạt các phương tiện vi phạm về chở quá khổ, quá tải, Trung tá Trần Văn Bốn-Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông 2-19 kiêm Tổ trưởng tổ liên ngành cho biết thêm: Tổ liên ngành luôn khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên theo các quy định xử phạt, cũng như hình thức nộp phạt nên số lái xe vẫn cố tình chở quá khổ quá tải dù biết rằng sẽ bị xử phạt.
Vĩnh Hoàng