(GLO)- Thông thường, tại Pleiku, khi nói đến việc đầu tư một quán cà phê thì gần như ai cũng cho rằng phải có tiền tỷ. Song, hiện trên địa bàn thành phố đang xuất hiện ngày càng nhiều những quán cà phê hội tụ nhiều ưu điểm như nằm ngay trung tâm thành phố, có gu, giá thức uống vừa túi tiền… nhưng chi phí đầu tư lại khiến nhiều người phải ngạc nhiên.
Không cần tiền tỷ
Cà phê Sao Cát (80 Trần Quý Cáp, TP. Pleiku) là một điển hình cho xu hướng đầu tư quán cà phê chi phí thấp tại Pleiku. Do có người bạn đã thành công với mô hình này nên cách đây vài tháng, anh Bạch Kim Cương-chủ quán, quyết định tận dụng một phần diện tích căn nhà đang ở (170 m2) để kinh doanh cà phê. Chỉ với 200 triệu đồng, Sao Cát vẫn có được phong cách cà phê sân vườn với tiểu cảnh, bãi cỏ, cây cối xanh mát, hệ thống nước chảy. Bên trong, tường gạch táp-lô xám mộc mạc càng làm nổi bật những bộ bàn ghế phối tông đen-xanh lá và những chiếc đèn lồng đỏ trang trí. Giá thức uống khá “mềm”, chỉ từ 10.000 đồng đến 25.000 đồng/ly. Quán cũng hút khách với gu cà phê nguyên chất, có ngày bán ra cả trăm ly cà phê.
150 triệu đồng cũng là con số khiến nhiều người ngạc nhiên về mức đầu tư của cà phê Phượt (29 Lê Hồng Phong, TP. Pleiku). Với sở thích phượt và mong muốn hỗ trợ những người đi phượt khắp vùng miền tới Gia Lai những thông tin về hành trình, nơi lưu trú, các thắng cảnh…, chị Nguyễn Thị Thúy Loan đã quyết định mở quán từ gần 1 năm nay. Quán vì thế cũng được bài trí đậm chất lữ hành, gợi ham muốn khám phá với những bảng tên đường, biển số xe nhiều tỉnh thành trong nước và cả ở nước ngoài với tấm thảm treo tường có hình bản đồ thế giới, máy ảnh và đồng hồ cổ…, thậm chí trên trần nhà còn treo lơ lửng 1 chiếc xe máy! Rõ ràng, không gian rất phù hợp với phong cách bụi phủi của các phượt thủ: giản tiện, thô mộc, cá tính. Tuy nhiên quán vẫn thu hút một lượng khách lớn là các bạn trẻ do không gian mở, thoáng và thức uống chỉ từ 10.000 đồng trở lên. Bên cạnh đó, cà phê Phượt còn bán các mặt hàng chuyên dụng cho người đi phượt: giáp khuỷu tay-chân, ba lô, túi ngủ, lều trại, nón bảo hiểm, vật lưu niệm…
Tuy không dừng lại ở mức chi phí “hấp dẫn” như những quán trên nhưng cà phê Cây Đa (49 Nguyễn Du, TP. Pleiku), mở gần 1 năm nay, cũng được đánh giá là có mức đầu tư vừa phải so với mặt bằng kinh doanh cà phê tại Phố núi hiện nay (gần 500 triệu đồng). Có vị trí đắc địa, 2 mặt tiền, nằm cạnh cây đa trăm tuổi cổ kính trên con đường xanh mát, thêm nữa đây lại là con đường tập trung nhiều quán ăn, dịch vụ nên Cây Đa hầu như không khi nào vắng khách. Anh Phạm Phú Minh-chủ quán, cho biết: Quán có diện tích sàn 140 m2 gồm 1 trệt, 1 lửng. Vật liệu chính là gạch không nung, một vài mảng tường ốp gỗ pallet (gỗ tận dụng từ kệ gỗ kê hàng, giúp tiện dụng khi vận chuyển), ghế ngồi cũng bằng loại vật liệu này, mang lại cho không gian sự ấm áp. Trên trần, đèn trang trí là tập hợp những vỏ chai rượu. Bàn thì từ 2 lốp xe chồng lại, các chậu hoa treo tường cũng là lốp xe tái chế. Bảng giá thức uống cũng không “làm khó” túi tiền khách hàng, chỉ từ 12.000 đồng/ly trở lên.
Nên có kinh nghiệm “bỏ túi”
“Phi thương bất phú”, song khi khởi nghiệp không ít người lăn tăn về vốn đầu tư ban đầu. Chia sẻ về kinh nghiệm mở một quán cà phê chi phí thấp, anh Bạch Kim Cương cho biết: Nên nhờ người đã có kinh nghiệm tư vấn, nếu không sẽ khó đi đúng hướng. Ngoài ra cần thêm chút “mạo hiểm”, bởi thông thường số tiền đầu tư xây dựng có thể “đội” lên khá nhiều so với dự tính. Thêm nữa, sự thô mộc của những bức tường gạch không tô trát đôi khi lại làm nên nét cuốn hút của quán, đồng thời tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, theo anh Phạm Phú Minh, việc tìm những nguyên liệu rẻ, tái chế như gỗ pallet, lốp xe, vỏ chai… sẽ làm giảm đáng kể chi phí đầu tư. Sử dụng nhân công ít (1 pha chế, 2 phục vụ) cũng là một kinh nghiệm. Ngoài ra, theo anh Minh, đầu tư chi phí ban đầu thấp thì khi thay đổi cách trang trí của quán sẽ dễ hơn, “chỉ cần trên chục triệu đồng là được”. Theo đó, tới đây quán sẽ thay đổi nguyên liệu trang trí là gỗ hóa thạch, giúp khách không thấy nhàm chán khi đến đây.
“Luôn làm mới mình” cũng là quan điểm của chị Thúy Loan. Thay vì đầu tư chi phí một lần, chị dành tiền để thường xuyên thay đổi trang trí trên từng mảng tường khiến quán lúc nào cũng có phong cách mới, bắt mắt. Chị cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm “bỏ túi” trong đầu tư quán cà phê chi phí thấp: Xác định được phong cách và đối tượng khách hàng để xây dựng hình ảnh; tận dụng những gì đã có như nguồn vật liệu trang trí và nguồn cung giá rẻ; sử dụng nhân công hợp lý… Đặc biệt, theo chị, ý tưởng là rất quan trọng, không chỉ là chi phí. Chỉ cần có ý tưởng kinh doanh tốt, thêm số vốn ban đầu vừa phải là đã có thể “khởi nghiệp”.
Lam Nguyên