Xót xa ở "thủ phủ hàng rừng" Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Suốt nhiều năm qua, Đắk Nông vẫn được xem như một miền đất bazan màu mỡ, độ che phủ của rừng rộng lớn, là “mái nhà chung”, là “thủ phủ yên bình” của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm. Tuy nhiên, gần đây, rừng bị tàn sát, các cuộc di dân tự do quá “nóng”, nạn dùng bẫy và súng tự chế tràn lan, hoang thú ở Đắk Nông đang bị truy đuổi, tàn sát với tốc độ “cạo trọc vét nhẵn” buốt lòng. “Chợ hoang thú” hoạt động náo nức đến mức, người ta quay lại gọi nơi này là “thủ phủ hàng rừng”.
Nhà báo in “danh thiếp” vào vai trùm “thịt rừng”
Phóng viên Lao Động từng có nhiều chuyến khảo sát trong cả hơn chục năm qua, khắp từ đỉnh mây mù Nâm Nung (huyện Krong Nô) hoang rậm đến các xã di dân tự do tan hoang khu vực Đắk Glong, đến cả các nhà hàng khét tiếng là “tổng kho thịt thú rừng” ở thị xã tỉnh lỵ Gia Nghĩa.
Điều dễ thấy là cuộc chiến bảo vệ thiên nhiên ở đây chưa được “ra tay” một cách thực sự và hiệu quả như cần phải có. Voọc quý hiếm cả thế giới bảo vệ, loài người chỉ còn vài trăm con, coi như di sản thiên nhiên vô giá. Chúng bị bẫy chết, nằm phân hủy thê thảm trên rừng Nâm Nung, “tay” của con vật tội nghiệp vẫn bị treo lên cây vì bẫy “dây rút” tàn độc của thợ săn, xung quanh là lũ voọc con phủ phục chết bên mẹ vì đói khát. Không ít gia đình đã giết voọc, làm tiêu bản, trưng bày ở ngay thị trấn huyện, nơi “ông đi qua bà đi lại”, ai cũng trông thấy. Cứ như ở nơi không có luật pháp.
Sau này, cán bộ ngành kiểm lâm từng “xin” bức ảnh trên của chúng tôi làm pa-nô “đau xót” cho việc tuyên truyền bảo vệ loài voọc quý. Tuy nhiên, mãi đến năm 2015, thú rừng vẫn được bày bán công khai trên quốc lộ thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông, báo tỉnh nhà cũng phải lên tiếng kêu gọi cơ quan chức năng vào cuộc thực chất hơn nữa.
Giữa năm 2018, chúng tôi khảo sát ở nhiều khu “ẩm thực” ở các huyện Đắk R’Lấp, Đắk Mil, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa, thì hàng loạt nhà hàng, cơ sở vẫn tất tật bị vạch mặt có buôn bán, nuôi nhốt, giết mổ nhiều loài động vật hoang dã được bảo vệ bởi cả luật pháp Việt Nam và các Công ước Quốc tế. Một số tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên đã gửi báo cáo, công văn, tài liệu trực tiếp cho cơ quan hữu trách ở Đắk Nông đề nghị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, qua điều tra của phóng viên Lao Động, vẫn quá dễ dàng để một thực khách bất kỳ có thể “gọi món” với nhiều loài bị cấm săn bắn, buôn bán, giết mổ, sử dụng.
Chúng tôi tạo một vỏ bọc hoàn hảo, in danh thiếp, ý rằng mình là “đại gia” kinh doanh: “hàng rừng”. Bà B, một “trùm” ở Đắk R’Lấp “cắn câu” khi khách đặt vấn đề làm ăn. Bà cho xem hàng rừng “thông thường”, đủ thỏ, nhím, nai, lợn rừng. Khi chúng tôi đĩnh đạc giới thiệu mình là “chủ buôn”, bà mừng húm, khoe trong nhà có cả thịt hổ, móng vượn, móng hổ.
Bà còn tiết lộ mới bị bắt khi chuyển hổ về Đồng Nai bán, phải chạy chọt ra sao. Giờ hàng rừng của bà đem khắp TPHCM, Bình Dương, Cần Thơ, cái sự giàu của bà thì cả khu vực ai cũng biết và bà cũng chẳng giấu.
Tự tin hơn bà B, chủ nhà hàng có tiếng về buôn bán đặc sản rừng ở đường Nguyễn Tất Thành, Đắk Mil, thì thừa nhận và giới thiệu cả hàng tươi sống luôn. Heo rừng, sóc, thỏ, chim thú có cả, nếu đặt tiền thì có cầy hương, rắn hổ trâu (đều là các loài thuộc danh mục bảo vệ của Chính phủ được quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP, Nghị định 32/2006/NĐ-CP và Phụ lục I, II Công ước CITES mà Việt Nam là thành viên).
Tại nhà bà H. ở thị xã tỉnh lỵ Gia Nghĩa, nhóm điều tra còn tiếp cận với cả hầm động vật rừng, vài chục con dúi, cua đinh, rắn hổ mang chúa, rùa đá, rồi 6 cái tủ đông lạnh chạy ro ro chứa động vật rừng. Cảnh giết mổ linh đình diễn ra dường như công khai. Người đàn bà này thẳng thắn: Tê tê, rắn hổ mang chúa, cầy hương, cheo cheo, khỉ sống, những cái loài đắt tiền và chứa trong nhà dễ bị bắt giữ và xử lý nặng, cứ đặt tiền là có hàng về. Nếu khách ở xa, cứ cho địa chỉ, bà H sẽ gửi xe khách, thu tiền cước, tiền “hàng rừng” gửi qua tài khoản ngân hàng cho bà là xong.
Phải ghi nhận rằng: Ngoài vài quán hàng liều lĩnh đưa cả “thịt rừng” vào thực đơn, vi phạm đủ thứ nguyên tắc và luật pháp mà chúng tôi đã chụp ảnh, coi như một hành vi thách thức hoặc dấu hiệu của sự buông lỏng đến nhờn luật, thì cơ bản là người không có “đầu mối quen” cũng khó mà đặt đồ rừng cho các việc như nấu cao, ăn nhậu hay ngâm rượu của mình.
Điều đó cho thấy, cơ quan chức năng có “ra quân” chứ không phải là không. Nhưng có vẻ như sự “im ắng” chỉ là hình thức, ai cũng hiểu “mạch ngầm” ở thủ phủ “hàng con” hoạt động ra sao. Chúng tôi hỏi khéo người dân đều biết, nhưng họ chỉ rỉ tai. Nhiều “bà trùm” hoạt động dường như công khai ngay gần trụ sở cơ quan thực thi pháp luật về lĩnh vực này. Đối tượng H. như đã kể ở trên là một ví dụ.
“Săn thú bắn chết người”, vẫn chỉ là bề nổi của sự buông lỏng quản lý
Hoặc như đối tượng tên T ở Nhân Cơ, Đắk R’Lấp, “nữ trùm” này khoảng 50 tuổi, giao dịch nhiều qua tài khoản zalo, tên như nam giới, khách đến nhà thì khoe hàng từ cầy hương, chồn mướp, dúi, nhím, lợn rừng, mèo rừng, rắn hổ chúa. Cứ như bà ta thu gom cả rừng núi Tây Nguyên vào cái “vườn thú” sống và vườn thú chết của mình vậy.
Bà chủ tự tin, cứ đặt hàng, có cả tê tê và bò rừng luôn. Toàn hàng “xịn”, vừa khoe bà chủ vừa xếp thịt lợn rừng vào bao tải để chở đi, bán tận TPHCM và các tỉnh. Hàng từ thợ săn Việt Nam và Campuchia. Con bị bắn, dính bẫy thì thịt cho vào đông lạnh, con sống thì làm chuồng nuôi nhốt. Chúng tôi quan sát các loại động vật hoang dã “xịn” của các “tổ hợp” coi trời bằng vung này, mà đôi khi không tin vào mắt mình nữa. Cảm nhận chung là sự đau xót.
Phóng viên Báo Lao Động và một góc kho súng tự chế để săn bắn thú rừng bị thu giữ ở Đắk Nông.
Phóng viên Báo Lao Động và một góc kho súng tự chế để săn bắn thú rừng bị thu giữ ở Đắk Nông.
Tình cờ, khi thâm nhập vào “ổ” của bà H., chúng tôi còn gặp D và R, cả hai lấm lem bùn đất, vừa đi săn về, đem “hàng con” (động vật hoang dã) đi giao cho bà H. tại nhà. Nghe tiết lộ của R, thì với tài thiện nghệ của anh ta, một chuyến đi rừng, có khi mang về cả bao tải thú, thợ săn này cho biết: mỗi tháng, họ săn và bán được khoảng 20kg ĐVHD, thì có thêm thu nhập khoảng 9 triệu đồng. Đây là một con số lớn đối với người dân ở khu vực này, nhất là khi đem so với việc làm rẫy(!).
Tại khu vực rừng núi xa xôi của Đắk Nông, giáp với các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, chúng tôi còn chứng kiến chủ quán khênh động vật rừng ra, lộc ngộc, ném uỵch giữa nhà, bán cho khách, trước mặt... cán bộ địa phương.
Cách đây chưa lâu, kiểm lâm Đắk Nông và lực lượng liên ngành kiểm tra tại nhà ông Nguyễn Văn Toàn ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil và nhà hàng Đ.C của ông Doãn Hữu Đại ở thị trấn huyện này, thu giữ cùng lúc tới 68,4 kg thịt rừng các loại, và 5 cá thể động vật rừng còn sống. Hai ông này đều khai nhận mua động vật rừng của người đi săn. Đặc biệt, ông Đại còn có giấy ký cam kết với kiểm lâm là không buôn bán giết mổ động vật rừng!
 
 
 
Phải nói, trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Xin hỏi, cơ quan hữu trách, các lực lượng “liên ngành” hùng hậu đã ở đâu? Đấy là chưa kể, ngay cả sau khi đã bị bắt giữ, xử lý, quá nhiều nhà hàng vẫn tái phạm việc kinh doanh động vật hoang dã, vậy có ai “chống lưng” cho họ không?
Gần đây, thịt thú rừng vẫn được bày bán công khai ngay QL14, đoạn qua địa phận xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, giáp ranh với thị xã Gia Nghĩa, nơi tọa lạc của tất tật các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ thiên nhiên môi trường của tỉnh nhà! Nhà báo hỏi, người bán hồn nhiên tiết lộ việc công khai kinh doanh của mình. Thợ săn đến từ xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức.
Một khảo sát đáng tin cậy cho biết, riêng ở Gia Nghĩa, có đến 7 đầu mối cung cấp thịt thú rừng, có mối mỗi ngày đem đi các tỉnh vài tạ “linh hồn rừng núi”. Ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, có gia đình còn trưng bày công khai cả một chuồng khỉ hoang dã, ngay mặt đường, khi chúng tôi vào hỏi thăm, chủ nhà khoe, khỉ mẹ bị bắn chết, họ bắt tất khỉ con. Qua đường dây nóng, PV Lao Động đã gửi ảnh, video về tình trạng vi phạm này lên tổ chức ENV (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam) đề nghị bắt giữ, xử lý, trả lũ khỉ mồ côi về rừng. Thử hỏi, trong khi ấy, cơ quan hữu trách của Đắk Nông đã làm gì, ở đâu?
 
Nhiều tài liệu của một số tổ chức có uy tín cho thấy, có thể có một sự thờ ơ nếu không nói là bao che nào đó, thì các hang ổ động vật rừng kia mới tồn tại ngang nhiên giữa ban ngày ban mặt như vậy được. Còn ở góc độ báo chí, bất kỳ ai cũng dễ dàng hiểu được rằng: Thợ săn vẫn lùng sục các cánh rừng, tàn sát những bầy hoang thú cuối cùng.
Chúng tôi vào kho súng mà cán bộ xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã thu giữ, vận động giao nộp được. Súng lớn, súng bé, súng tự chế bắn bằng cồn, nòng bằng nhựa hoặc súng kíp nòng khoan từ các thanh sắt bắn đạn ghém mà người Mông di cư vào đã tự chế. Đủ cả. Tất cả nằm lạnh băng, la liệt, thử hỏi thú rừng nào sống sót nổi? Lãnh đạo công an xã thở dài: Nếu không thuyết phục được bà con giao nộp thì rất nguy hiểm.
Không chỉ cho thiên nhiên hoang dã, mà cả cho con người. Ngay xã bên, cháu Hầu Văn Yến, mới 9 tháng tuổi (!!!), con anh Hầu Văn Thành (SN 1996, sống tại Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) bị người anh họ 13 tuổi nghịch súng tự chế của gia đình, xiết cò bắn cho 6 viên đạn ghém cùng lúc. Cơ thể cháu bé non lấy bấy đã nhuộm máu, rất lâu sau mới được khiêng đi bệnh viện...
Năm 2016, anh Nông Đức Cường, người xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (đúng cái xã có thợ săn đem thú rừng bán cho người kinh doanh vô lối ở ven QL14, như đã viết ở phần trên!) đã đi săn. Bạn săn là anh Hoàng Minh Trung, người xã Đắk R’moan. Vào rừng, thấy bóng đen lom khom, nghĩ là khỉ hoang, anh Cường nhanh tay xiết cò. Bóng đen đổ gập, anh ra thu gom “con khỉ” chiến lợi phẩm về, thì ngã ngửa đó là anh bạn săn Hoàng Minh Trung. Anh Trung đã tử vong sau đó, còn Cường thì đi ở tù “mọt gông”.
Tương tự, mới đây, lúc 8h ngày 24.2.2018, anh La Hải Phương (SN 1979, người thị xã Gia Nghĩa) đã vác súng tự chế vào rừng Đắk G’Lấp săn gà rừng. Thấy đàn gà chạy vào lùm cây, anh Phương vội vàng nổ súng. Giật mình, nghe tiếng người kêu la thảm thiết, Phương chạy lại xem thì hóa ra bạn săn Dương Văn Ngọc đã trúng đạn. Ngọc chết trên vũng máu, mãi mãi ở tuổi 25!
 
 
 
Rất nhiều động vật hoang dã đã và đang bị tàn sát, trưng bày, bán buôn ở Đắk Nông. Ảnh: Phạm Khánh và Tâm Ninh.
Rất nhiều động vật hoang dã đã và đang bị tàn sát, trưng bày, bán buôn ở Đắk Nông. Ảnh: Phạm Khánh và Tâm Ninh.
Ai đó căn dặn như một lời tiên tri, sấm truyền, rằng: Khi bạn nhai miếng thịt thú rừng, khi ăn uống cao hay rượu ngâm động vật quý hiếm, có thể bạn nghe thấy tiếng rên xiết của thiên nhiên hoang dã dưới hai hàm răng mình.
Có người lại tự nghiệm đơn giản hơn, tự lòng tham và sự vô lối của chính chúng ta, sẽ khiến ta chuốc lấy hậu quả và tiếng rên xiết kia. Mà “săn thú bắn nhầm người” chỉ là một ví dụ. Các bản án mà các ông bà trùm buôn “hàng con” đều đặn phải gánh chịu, nó giống như một sự trả vố của Bà mẹ Thiên nhiên. Bà đã giáng xuống một lời hiệu triệu có sức mạnh giác ngộ. Rồi đây, khi động vật rừng và các cánh rừng bị tuyệt diệt, thiên nhiên từ bỏ loài người, thì chúng ta hoặc là con cháu mình, sẽ sống ra sao đây?
Heo rừng, sóc, thỏ, chim thú có cả, nếu đặt tiền thì có cầy hương, rắn hổ trâu (đều là các loài thuộc danh mục bảo vệ của Chính phủ được quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP, Nghị định 32/2006/NĐ-CP và Phụ lục I, II Công ước CITES mà Việt Nam là thành viên). Tại nhà bà H. ở thị xã tỉnh lỵ Gia Nghĩa, nhóm điều tra còn tiếp cận với cả hầm động vật rừng, vài chục con dúi, cua đinh, rắn hổ mang chúa, rùa đá, rồi 6 cái tủ đông lạnh chạy ro ro chứa động vật rừng. Cảnh giết mổ linh đình diễn ra dường như công khai.

Phóng sự Điều tra của Tâm Am (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.