Xét xử 16 bị cáo tại Sở Y tế Đắk Lắk: Đề nghị triệu tập đại diện UBND tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại phiên tòa xét xử 16 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, các luật sư đề nghị HĐXX triệu tập đại diện UBND tỉnh và Sở Tài chính để làm rõ trách nhiệm

Sáng 15-2, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 16 bị cáo nguyên lãnh đạo, cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Đắk Lắk về các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Phiên tòa xét xử 16 bị cáo vào tháng 9-2022

Phiên tòa xét xử 16 bị cáo vào tháng 9-2022

Tại phiên tòa, luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng Hội đồng Thẩm định kế hoạch đấu thầu của tỉnh là chốt chặn cuối cùng trong tổ chức đấu thầu thuốc tại và thực sự đã không hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk là cơ quan "gác cổng" của UBND tỉnh về thẩm định giá, đấu thầu và đã có văn bản đồng ý cho vụ đấu thầu này.

Do đó, luật sư Tòng đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Hội đồng Thẩm định kế hoạch đấu thầu của tỉnh và đại diện Sở Tài chính để làm rõ vụ việc.

Trong khi đó, luật sư Phan Ngọc Nhàn, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng cáo trạng hoàn toàn không đề cập vai trò của UBND tỉnh trong việc ký quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu. Bên cạnh đó, trong vụ án này, 1 đại diện Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đắk Lắk tham gia với tư cách là thành viên tổ thẩm định. Do đó, luật sư Nhàn đề nghị HĐXX triệu tập đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk và đại diện Bảo hiểm Xã hội tỉnh để làm rõ trách nhiệm. Bên cạnh đó, một số luật sư đề nghị triệu tập một số cá nhân, tổ chức khác.

Sau khi hội ý, HĐXX ghi nhận các ý kiến của luật sư về việc đề nghị triệu tập đại diện UBND tỉnh cũng như các cá nhân, tổ chức khác. Trong quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nếu cần thiết thì HĐXX sẽ triệu tập.

Theo cáo trạng mới nhất, do ý thức coi thường pháp luật, động cơ cá nhân nên trong khoảng thời gian từ tháng 4-2014 đến tháng 12-2015 tại Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, một số người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chuyển nhóm, bỏ nhóm, thay đổi hàm lượng, thêm mới nhiều mặt hàng thuốc trong đấu thầu, không đúng với tình hình sử dụng thuốc và không đúng quy định về căn cứ lập kế hoạch đấu thầu. Mục đích là hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có đủ điều kiện; can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, không xét điều kiện tiên quyết của hồ sơ dự thầu để loại bỏ mặt hàng không đảm bảo tiêu chuẩn dự thầu nhưng vẫn báo cáo sai sự thật kết quả chấm thầu nhằm làm thay đổi hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và thay đổi kết quả đấu thầu đối với gói thầu Generic. Hậu quả, 14 mặt hàng thuốc được xét duyệt và phê duyệt trúng thầu sai nhóm, gây thiệt hại hơn 13,8 tỉ đồng.

16 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm các ông bà: Doãn Hữu Long (nguyên giám đốc), Nguyễn Hữu Huyên (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ y), Nguyễn Đình Diệm (nguyên Phó Phòng Nghiệp vụ dược), Cao Thị Ninh (nguyên Kế toán trưởng, Phòng Kế hoạch -Tài chính), Nguyễn Hữu Thông (nguyên Trưởng Phòng Tổ chức, nguyên Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán), Nguyễn Đình Quân (nguyên Chánh Thanh tra, nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ Y) và một số cựu cán bộ khác.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.