Xe công nông,máy kéo độ chế mất ATGT: Làm sao giảm tai nạn giao thông?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xe công nông, máy kéo độ chế đang tiềm ẩn những nguy cơ về tai nạn ở mức cao, cần sớm có những phương án để kìm chế.
 
Ông Uông Việt Dũng - Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia kiểm tra xe công nông độ chế tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên
Nhiều năm qua, tình trạng xe công nông, xe máy kéo độ chế hoạt động trên các tuyến quốc lộ, các tuyến tỉnh lộ và nhiều tuyến đường khác đã xảy ra nhiều vụ TNGT. Đặc biệt, có những vụ TNGT làm nhiều người chết và bị thương. Tình trạng người dân sử dụng các loại xe trên cho mục đích vận chuyển gỗ lậu ở các tuyến đường rừng đã khiến các cơ quan có thẩm quyền đau đầu về xử lý vi phạm.
Khó kiểm soát
"Nhằm giảm thiểu TNGT liên quan đến phương tiện công nông, máy kéo độ chế, Uỷ ban ATGT Quốc gia phối hợp với công ty 3M Việt Nam triển khai chương trình dán decal phản quang 3M cho phương tiện nêu trên để nâng cao khả năng phát hiện khi các phương tiện này đi vào vùng tối. Giúp giảm thiểu TNGT.
Chương trình dự kiến sẽ lấy địa phương huyện Đăk Đoa, Gia Lai làm điểm thử nghiệm để nghiên cứu đánh giá".

Ông Uông Việt Dũng- Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết:”


Năm 2017, Bộ GTVT tổ chức hội thảo "Công tác quản lý máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên". Kết quả của hội thảo cho thấy có nhiều vướng mắc trong quá trình kiểm soát xe loại xe “đặc sản” trên.
Với những tồn tại, hạn chế và những khó khăn, vướng mắc nêu trên, máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp tham gia giao thông trên đường bộ ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự an toàn giao thông, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên, phương tiện này có vai trò quan trọng và hết sức cần thiết đối với đời sống và sản xuất của người nông dân Tây Nguyên; trong tương lai gần, chưa có phương tiện nào thay thế được phương tiện này, do: máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp là loại phương tiện có tính năng đa dụng, tiện lợi, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; phù hợp với điều kiện địa hình, điều kiện về kết cấu hạ tầng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chi phí đầu tư mua sắm, sửa chữa, vận hành, bảo dưỡng phù hợp với khả năng của nhiều hộ gia đình nông dân.
Do vậy, công tác quản lý máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp như thế nào để vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vừa không gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân vùng nông thôn, không cản trở mục tiêu cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...
Vụ TNGT giữa xe ô tô tải và xe máy kéo trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Păh năm 2015 khiến 14 người thương vong.
Tai nạn tăng cao
Ông Tăng Xuân Kiên, trưởng phòng quản lý phương tiện người lái Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho rằng để giảm thiểu nguy cơ TNGT liên quan đến xe công nông, máy kéo độ chế thì lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm; các chính quyền địa phương cần phải tăng cường tuyên truyền giáo dục người dân tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, ý thức tham gia giao thông.

Ngoài ra, người dân cần phải được đào tạo, sát hạch một cách bài bản với điều kiện là phải "sửa quy định trong tổ chức đào tạo, sát hạch GPLX để phù hơp với thực tiễn"...


Xe công nông, máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp tham gia giao thông trên đường bộ ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự an toàn giao thông, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Thực tế thời gian qua, đã có nhiều tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến loại phương tiện này, gây hoang mang trong dư luận. Các xe chuyên dùng cho sản xuất này cũng kiêm luôn việc chở người ngồi sau thùng, nên xảy ra TNGT thường để lại hậu quả rất lớn đến sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Theo nghiên cứu của Ban ATGT tỉnh Gia Lai liên quan đến tình hình TNGT đối với loại xe công nông, xe máy kéo độ chế từ năm 2010 - năm 2018 cho thấy có nhiều diễn biến phức tạp. Chỉ trong 8 năm, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 163 vụ TNGT (chưa kể va chạm giao thông). Trong đó có 161 người chết và làm 139 người bị thương.
Các vụ TNGT trên xảy ra vào thời điểm đêm tối, các tuyến đường giao cắt với Quốc lộ, Tỉnh lộ nơi có mật độ xe cộ nhiều. Các xe công nông, máy kéo độ chế không có các hệ thống đèn (đèn trước, đèn sau), phản quang nhận diện. Đơn cử như vụ TNGT ngày 27/11/2015 trên đường Hồ Chí Minh qua địa phận xã Ia Khươl huyện Chư Păh (Gia Lai) đã khiến 5 người chết và 9 người khác bị thương; Ngày 6/7/2018, một xe ô tô điều khiển trên đường Trường Sơn Đông đã va chạm vào xe máy kéo (đoạn qua làng Ó, xã An Trung, huyện Kông Chro Gia Lai) khiến 2 người tử vong và 20 người khác bị thương;...
Cuối tháng 4/2019, đoàn công tác của Uỷ ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã có chuyến khảo sát về tình hình ATGT liên quan đến xe công nông, xe máy kéo độ chế trên tuyến đường liên huyện Đăk Đoa - Chư Prông (Gia Lai). Tại tuyến đường này, tình trạng người dân sử dụng xe chuyên dùng cho nông nghiệp trên tham gia giao thông khá nhiều. Chỉ trong ít phút lưu lại trước cổng UBND xã Gla (Đăk Đoa) đã phát hiện nhiều xe công nông, xe độ chế lưu thông trên tuyến đường. Nhiều xe chở người chạy với vận tốc khá lớn. Chiếc xe di chuyển nhanh trên đường nhưng hệ thống phanh qua kiểm tra thực tế cho thấy chưa đảm bảo.
Ông Uông Việt Dũng- Phó chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết: Qua kiểm đếm phương tiện công nông, máy kéo độ chế tham giao thông có thể thấy rõ tình trạng mất ATGT. Qua kiểm tra hệ thống phanh xe thì rất khó để xử lý trong tình trạng khẩn cấp.
Về các dải phản quang ở trên thùng xe, trước đầu xe, qua kiểm tra ông Dũng cho biết đa phần người dân hoặc lực lượng chức năng dán vào nhưng dễ bị bong tróc hư hỏng. Phần thùng xe thường được sơn lên một lớp nhưng lớp sơn này rất kém chất lượng. Chỉ sau một thời gian ngắn, thùng xe bị gỉ sét sẽ nhanh chóng bị bong, tróc lớp sơn, hoặc miếng dán phản quang.
Đại tá Phạm Văn Uấn, trưởng phòng CSGT công an tỉnh Gia Lai cũng cho biết, để giảm thiểu TNGT liên quan đến các loại xe độ chế, xe công nông, đơn vị đã chỉ các đơn vị CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát; tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động; khuyến cáo người dân không sử dụng phương tiện trên để chở người, chở hàng hoá quá cồng kềnh gây mất ATGT trên đường ở địa phương.
"Để tăng cường trách nhiệm của CSGT, ngành công an có quy định nếu đồng chí nào đang trực ở quốc lộ mà có xe công nông, máy kéo độ chế chở người ngồi sau đang đi ngang qua mà không nhắc nhở, xử lý vi phạm thì người đó phải chịu trách nhiệm. Cán bộ chiến sĩ bị phát hiện sẽ bị kỷ luật", đại tá Uấn cho biết.
Tạ Vĩnh Yên (ATGT.VN)

Có thể bạn quan tâm