Xây nhà tiêu hợp vệ sinh vùng nông thôn: Thiết thực, ý nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hỗ trợ hội viên phụ nữ xây nhà vệ sinh là một trong những chương trình lớn của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Mô hình thiết thực này đã được nhân rộng với hàng ngàn nhà vệ sinh được xây trong năm 2018 và đang tiếp tục triển khai trong năm 2019.
Thay đổi thói quen, nếp nghĩ
Do điều kiện kinh tế khó khăn và do tập quán sinh hoạt, những năm trước, gia đình chị Oul (làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) không nghĩ đến việc làm và sử dụng nhà vệ sinh. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mọi người trong gia đình. Tháng 4-2019, chị Oul được vay 9 triệu đồng từ nguồn quỹ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Gia Lai” để xây nhà vệ sinh đạt chuẩn. Đến nay, nhà vệ sinh của gia đình chị đã được xây xong và đưa vào sử dụng hiệu quả, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa an toàn cho sức khỏe gia đình.
Trước đây, gia đình chị Nheh (làng Dâu, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) cũng như nhiều gia đình khác trong làng vẫn giữ thói quen sinh hoạt không có nhà vệ sinh. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như sức khỏe, chị Nheh đã bàn bạc cùng gia đình quyết định xây nhà vệ sinh sau khi được hỗ trợ nguồn vốn vay 9 triệu đồng. Chị chia sẻ: “Từ xưa đến nay, bà con dân làng không có khái niệm làm nhà vệ sinh. Sau khi cán bộ Hội Phụ nữ xã đến vận động, tuyên truyền, tư vấn chương trình hỗ trợ cho hội viên phụ nữ, trong đó có mô hình xây nhà tiêu hợp vệ sinh, mình thấy được lợi ích nên vận động thêm họ hàng giúp đỡ để xây được nhà vệ sinh kiên cố, sạch đẹp với chi phí chỉ 11 triệu đồng”.
 Nhiều nhà vệ sinh được xây ở vùng nông thôn từ chương trình hỗ trợ phụ nữ nghèo của Hội LHPN tỉnh. Ảnh: N.B
Nhiều nhà vệ sinh được xây ở vùng nông thôn từ chương trình hỗ trợ phụ nữ nghèo của Hội LHPN tỉnh. Ảnh: N.B
Theo chị Hnhen-Chủ tịch Hội LHPN xã Kon Thụp, để vận động chị em phụ nữ thay đổi thói quen sinh hoạt lâu nay đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của người làm công tác tuyên truyền. Chị Hnhen cho biết: “Chúng tôi phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần về tác hại của việc không sử dụng nhà tiêu như gây ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và cộng đồng. Hơn nữa, xây nhà vệ sinh còn là cách phòng xa những mối nguy về xâm hại trẻ em ở nông thôn... Nhờ đó mà nhiều chị em mới mạnh dạn đăng ký vay vốn, vận động thêm ngày công từ người thân để làm. Thuận lợi khi triển khai mô hình này ở nông thôn là với số tiền hạn chế, nhưng nhờ sự giúp đỡ của họ hàng, người thân nên nhiều hộ đã làm được nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn”. Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết thêm, từ nguồn quỹ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Gia Lai”, đến thời điểm này, trên địa bàn xã đã có 25 gia đình hội viên được hỗ trợ xây nhà vệ sinh với mức 9 triệu đồng/hộ. Trong đó, 20 hộ đã xây dựng hoàn thành và sử dụng hiệu quả. 
Thêm những “viên gạch”
Trước đó, những “viên gạch” đầu tiên trong triển khai xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn đã được Hội LHPN tỉnh triển khai tại làng Pốt (xã Song An, thị xã An Khê) vào đầu năm 2018. Tổng cộng 9 nhà vệ sinh và 1 nhà tắm với kinh phí 40 triệu đồng được xây dựng điểm tại ngôi làng Bahnar đã cho thấy tính thiết thực, hiệu quả của mô hình này, đáp ứng nhu cầu của hội viên, phụ nữ nghèo. Từ 1 địa phương làm điểm, đến cuối năm năm 2018, toàn tỉnh đã nhân rộng xây dựng được 1.455 nhà vệ sinh. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo thực hiện gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đã mang lại hiệu quả thiết thực trong bảo vệ môi trường.
Bước tạo đà ấy tiếp tục được phát huy trong năm 2019-năm đặt chủ đề “An toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội” lên hàng đầu. Hội LHPN tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch vận động hội viên, phụ nữ xây thêm nhiều nhà vệ sinh đạt chuẩn, góp phần thực hiện tiêu chí 17.6 về “Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể nước chứa sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch” trong xây dựng nông thôn mới.
Để đảm bảo nguồn vốn cho hội viên, phụ nữ nghèo vay, Hội LHPN tỉnh giao quỹ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Gia Lai” xây dựng sản phẩm “Mục đích sử dụng vốn vay xây nhà tiêu hợp vệ sinh”, đồng thời chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị, thành phố triển khai khảo sát số hội viên, phụ nữ có nhu cầu hỗ trợ vay vốn xây nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn, lập danh sách đăng ký vay vốn gửi Hội LHPN tỉnh. Thực hiện hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh, năm 2019, Hội LHPN huyện Mang Yang đã nhận nguồn vốn ủy thác 900 triệu đồng từ quỹ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Gia Lai” và giải ngân cho 100 hội viên, phụ nữ. Đây cũng là địa phương được chọn làm điểm trong năm nay và đã có 74 hộ xây dựng xong nhà tiêu.
Việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng nhà vệ sinh đã phát huy hiệu quả thiết thực trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung, làm thay đổi nhận thức của người dân, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.
 NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.