Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm: Vì mục tiêu phát triển toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Môi trường giáo dục có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai luôn chú trọng thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non (GDMN), đặc biệt là xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm nhằm tạo tiền đề vững chắc cho trẻ bước vào những cấp học tiếp theo.
Ngày 25-1-2017, Bộ GD-ĐT ban hành Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT về triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu tổng quát của chuyên đề là xây dựng trường mầm non bảo đảm các yêu cầu về môi trường giáo dục; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo; đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy người học làm trung tâm.
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành kế hoạch, Sở GD-ĐT đã lựa chọn 34 trường mầm non đại diện cho các vùng miền để triển khai thí điểm trong năm học 2016-2017. Đến nay, chuyên đề đã được triển khai hiệu quả tại 100% trường mầm non, mẫu giáo và các nhóm lớp tư thục trên toàn tỉnh.
Tăng cường cơ sở vật chất trường học
Những năm qua, Trường Mầm non Họa Mi (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) luôn tích cực cải tạo môi trường trong và ngoài lớp, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ. Cô Phạm Thị Hồng Nhung-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Chúng tôi xây dựng và thực hiện kế hoạch lấy trẻ làm trung tâm phù hợp với điều kiện nhà trường và thực tế của địa phương. Theo đó, nhà trường đã xây dựng mới khu hiệu bộ khang trang; sửa chữa, mua sắm thêm trang-thiết bị để thay thế những đồ dùng, đồ chơi cũ hoặc hư hỏng; xây dựng khu phát triển vận động cho trẻ; kết hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để cơ sở trường lớp thêm xanh-sạch-đẹp-an toàn, huy động đóng góp nguyên vật liệu phế thải làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; thiết kế, sắp xếp, trang trí môi trường sư phạm trong lớp và ngoài trời theo hướng mở nhằm phát huy tối đa sự sáng tạo cho trẻ. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với đơn vị kết nghĩa là Lữ đoàn Pháo binh 368 xây dựng vườn rau sạch, vườn hoa, hồ cá, khu rửa tay cho các bé”.
Trẻ tự tin biểu diễn tại Hội thi bé mầm non vui khỏe cấp tỉnh lần thứ nhất. Ảnh: Hồng Thi
Trẻ tự tin biểu diễn tại Hội thi bé mầm non vui khỏe cấp tỉnh lần thứ nhất. Ảnh: Hồng Thi
Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, song thời gian qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, môi trường an toàn để trẻ học tập, trải nghiệm cũng được ngành GD-ĐT huyện Đức Cơ quan tâm chỉ đạo. Theo ông Võ Công Dương-Trưởng phòng GD-ĐT, toàn huyện có 15 trường mầm non gồm 10 trường công lập, 3 trường thuộc các công ty cao su và 2 trường tư thục. Năm học 2019-2020, huyện huy động được 6.255 trẻ em đến lớp, trong đó có 2.553 trẻ em dân tộc thiểu số.
Đến nay, tất cả các làng ở Đức Cơ đều đã có trường, điểm trường mầm non, đảm bảo nhu cầu học tập của trẻ. Lãnh đạo địa phương, các đơn vị, công ty đứng chân trên địa bàn và phụ huynh học sinh đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí, ngày công để xây dựng, sửa chữa trường, lớp; mua sắm thiết bị; xây dựng mô hình học tập, khu vui chơi; làm đồ chơi cho trẻ, mái che sân chơi; trồng cây xanh, cải tạo môi trường… với kinh phí hàng tỷ đồng.
Bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Nhằm triển khai hiệu quả GDMN và xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, thời gian tới, Sở sẽ quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang-thiết bị, đảm bảo triển khai hoạt động giáo dục trong các trường mầm non; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đảm bảo số lượng và chất lượng để triển khai hiệu quả các hoạt động; làm tốt công tác tuyên truyền; kêu gọi nguồn lực từ các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất hoặc tham gia vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngoài ra, tập trung thực hiện tốt Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2018-2025 của Chính phủ cũng như kế hoạch phát triển, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên bậc học mầm non”.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, sau 10 năm triển khai chương trình GDMN (2009-2019) và 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, quy mô trường lớp không ngừng được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được đến trường. Tính đến năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 264 trường mầm non, 1.042 điểm trường và 3.105 nhóm/lớp với 83.190 trẻ (tăng 66 trường, 1.129 nhóm/lớp và 50.898 trẻ so với năm học 2010-2011). Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 88,56%; riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,89%. 

Bên cạnh đó, trong 10 năm, toàn tỉnh đã được bổ sung 1.478 biên chế giáo viên; xây dựng 1.414 phòng học kiên cố, bán kiên cố (giảm 147 phòng học tạm và 449 phòng học mượn); bổ sung 1.625 bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu, 2.919 bộ đồ chơi ngoài trời từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh, xã hội hóa giáo dục... đáp ứng nhu cầu tổ chức hoạt động giáo dục, dạy 2 buổi/ngày và bán trú.

Bằng nhiều hình thức khác nhau, các cơ sở tạo được nhiều sân chơi với hàng ngàn sản phẩm đồ dùng và đồ chơi cho trẻ bằng các nguyên vật liệu tái chế, dễ kiếm ở địa phương. Nhiều điểm trường lẻ vùng khó khăn đã xây dựng được môi trường cho trẻ vui chơi và học tập. Toàn tỉnh cũng xây dựng được 98 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Giúp trẻ phát triển toàn diện

Để phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của trẻ, các hoạt động học-chơi được cơ sở GDMN thiết kế lại theo hướng chuyển từ giáo dục áp đặt sang tự giáo dục. Giáo viên chủ yếu đóng vai trò hướng dẫn, tổ chức, giám sát và giúp đỡ, còn trẻ được thực hành, trải nghiệm để phát triển bản thân. Những đổi mới trong tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong thời gian qua đã giúp trẻ sớm hình thành kỹ năng cần thiết như: tự phục vụ, tự bảo vệ, giao tiếp xã hội và dần hình thành thói quen tự lập trong cuộc sống.
Từ năm học 2017-2018, Trường Mầm non Họa Mi (thị xã An Khê) đã xây dựng và cụ thể hóa các nhiệm vụ năm học với phương châm “Đổi mới thực chất, hiệu quả nâng cao” và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh. Theo đó, nhà trường đã chú trọng lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa truyền thống, kỹ năng sống vào các hoạt động phù hợp hội thi “Bé thông minh nhanh trí”, “Bé với tạo hình”; phiên chợ quê, lễ hội vui Tết-mừng xuân, trò chơi dân gian hay những chuyến tham quan ở Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo, cánh đồng lúa, doanh trại quân đội, trường tiểu học…
“Từ khi xây dựng được môi trường học tập xanh-sạch-đẹp-an toàn và thân thiện, các bé đã mạnh dạn, tự tin hơn, thật sự cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Nhờ đó, chất lượng dạy và học cũng được nâng lên đáng kể với tỷ lệ 99,1% trẻ đạt yêu cầu chất lượng giáo dục (trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%), tỷ lệ chuyên cần đạt 98%; đồng thời tạo dựng được lòng tin của phụ huynh khi gửi gắm con em mình vào trường”-Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi cho hay.
Khen thưởng cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyên đề
Khen thưởng các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm". Ảnh: Hồng Thi
Theo chia sẻ của những người trực tiếp chăm sóc và giáo dục trẻ, sau 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, cả cô và trò đều có những thay đổi tích cực trong môi trường giáo dục mới.
Cô Vũ Thị Hồng Nhung-giáo viên Trường Mầm non 1/6 (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) bày tỏ: “Để thực hiện hiệu quả chuyên đề, tôi luôn cố gắng học tập, bồi dưỡng thêm về chuyên môn. Qua các đợt tập huấn do Sở và Phòng GD-ĐT tổ chức, tôi đã nắm bắt, đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm. Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn coi trẻ như con của mình, lấy trẻ làm trung tâm. Trẻ là người thực hiện chính, cô giáo chỉ là người hướng dẫn, gợi mở những hoạt động và giúp trẻ tháo gỡ khó khăn khi gặp phải. Các tiết học cũng có sự thay đổi rất nhiều. Nếu trước kia, việc dạy và học chủ yếu thông qua tranh ảnh thì giờ đây, trẻ đã được đi tham quan thực tế ở nhà rông, trường tiểu học, trạm y tế. Bên cạnh đó, trẻ cũng được thực hành trải nghiệm để phát triển toàn diện hơn thông qua việc tự trồng rau, trồng hoa, nuôi gà... nên đa số đều rất thích đến lớp”.
Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi cho biết: Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả; huy động xã hội hóa giáo dục để xây dựng cơ sở GDMN khang trang, xanh-sạch-đẹp-an toàn; quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để đảm bảo nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ. Với nỗ lực của toàn ngành, qua 5 năm thực hiện chuyên đề, diện mạo các trường mầm non, mẫu giáo trên toàn tỉnh đã có sự thay đổi rõ rệt, chất lượng GDMN ngày càng được nâng lên kể cả ở vùng dân tộc thiểu số.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) để điều tra về tội “Giết người”, người dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch nơi nghi phạm cư trú không khỏi bàng hoàng với thủ đoạn tàn độc của người phụ nữ này.
Các đội thi thuyết trình về sản phẩm tái chế của mình trước Ban Giám khảo cuộc thi

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường giành giải nhất hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường” thị xã An Khê

(GLO)- Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024), ngày 24-6, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã An Khê tổ chức Hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường”. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường-hội viên phụ nữ xã Cửu An xuất sắc giành giải nhất hội thi.