Emagazine

E-magazine Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại



Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN), nhiều nông dân đang từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất bằng công nghệ thông minh với quy trình sản xuất tối ưu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2015, anh Nguyễn Công Hoàng Gia xây dựng trang trại cà phê và chanh dây rộng hơn 5 ha tại xã Hải Yang, huyện Đak Đoa. Anh áp dụng giải pháp thông minh tạo ra nông sản sạch bằng sự kết hợp của các yếu tố kỹ thuật giống cây trồng, kỹ thuật phần mềm và công nghệ thông tin. Anh Gia đã ứng dụng các giải pháp về tưới nhỏ giọt cho cây trồng, đồng thời sử dụng cảm biến thông minh để theo dõi các yếu tố như: nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, độ EC… nhằm kiểm soát dinh dưỡng cung cấp cho vườn cây. Việc ứng dụng công nghệ tự động hóa giúp tiết kiệm 95% lượng nước và phân bón sử dụng, đồng thời tiết kiệm 70% chi phí nhân công. So với mô hình canh tác truyền thống, trang trại của anh có năng suất cao hơn 50-80%.



Với sáng chế máy phun thuốc sử dụng năng lượng mặt trời để bảo vệ môi trường, nông dân Phạm Văn Bình (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) xuất sắc đạt giải nhì tại hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ IX-2019. Máy phun thuốc chạy bằng cơ có kết cấu đơn giản nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Đặc biệt, máy còn có hệ thống nâng đẩy béc phun cao tự động, đảm bảo phun tới cả cây trồng có tán cao 1-5 m. Người dùng chỉ cần cầm một đầu dây và kéo đến chỗ cần phun, cuộn dây này sẽ tự động thả ra, phun xong chỉ bật công tắc là dây tự động thu về. Không dừng lại ở đó, ông Bình còn nghiên cứu và sáng chế máy phun thuốc điều khiển từ xa. Người sử dụng đứng xa 300-500 m vẫn có thể điều khiển máy hoạt động. Ông chia sẻ: “Nông nghiệp số đem lại cho người nông dân rất nhiều lợi ích. Với công nghệ số hiện nay, nông dân không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn có thể kinh doanh nông sản dễ dàng hơn. Các giải pháp của tôi có thể ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động và tăng năng suất”.



Vài năm trở lại đây, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thông minh được nhiều người chọn lựa. Anh Trần Ngọc Thắng (thôn 4, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) là người tiên phong ươm giống chanh dây thực sinh ứng dụng công nghệ cao ở địa phương. Từ mô hình này, anh cung cấp cây giống chanh dây thực sinh chất lượng cho nông dân trên địa bàn, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi lứa ươm. Với 600 m2 đất nông nghiệp, anh Thắng đầu tư làm nhà lồng, giàn ươm cây giống, mua hạt giống đúng chuẩn, giá thể nhập từ Đan Mạch với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng.




Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (nay là Công ty cổ phần Nông nghiệp AGRIS Gia Lai) là một trong những doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh vào sản xuất từ ruộng mía đến nhà máy. Với mô hình liên kết trồng mía giữa đơn vị với các hộ dân tại xã Hbông (huyện Chư Sê), Công ty đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý vùng nguyên liệu như: số hóa bản đồ lô thửa; ứng dụng FRM phân tích các dữ liệu dự báo, khuyến cáo chăm sóc mía; phun thuốc bằng máy bay không người lái… Năm 2022, Công ty chính thức đưa vào vận hành app SBT Farmer để giúp người trồng mía tiếp cận nhanh nhất với các chính sách đầu tư, các khuyến cáo về giải pháp kỹ thuật canh tác mía tiên tiến.



Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-thông tin: Huyện đang kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia đầu tư ứng dụng KH-CN vào phát triển sản xuất. Trên địa bàn huyện có 4 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, 3 dự án đang xin ý kiến thống nhất chủ trương đầu tư, 3 dự án đang nghiên cứu đề xuất triển khai thực hiện. Đây là tiền đề quan trọng để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Hàng năm, huyện đã huy động, lồng ghép các dự án và bố trí khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng KH-CN vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã có trên 1.514 ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh (thuộc Sở KH-CN) cũng đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ 4.0. Đầu năm 2024, Trung tâm triển khai mô hình trồng dưa lưới, dâu tây và cà chua trong nhà kính áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Mô hình ứng dụng công nghệ cao tự động trong tưới tiêu, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; công nghệ sản xuất, bảo vệ sản phẩm an toàn theo VietGAP…); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi…



Hiện nay, Gia Lai đã ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật PPDMS 2.0 phục vụ công tác thống kê, dự báo tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng. Phối hợp triển khai, thực hiện cơ sở dữ liệu về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh; sử dụng phần mềm xây dựng và quản lý dữ liệu, thu thập dữ liệu (hồ sơ, định vị GPS…), xây dựng cơ sở dữ liệu (sử dụng phần mềm như Google Earth…). Toàn tỉnh hiện đã được cấp 212 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 9.330 ha và 34 mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu; có hơn 48.400 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; khoảng 255.670 ha cây trồng sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO... Các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được định hướng đưa vào áp dụng từ chuồng trại, giống, thức ăn, quản lý tự động, phòng-chống dịch bệnh chủ động, xử lý môi trường, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để từng bước phát triển bền vững. Đối với các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn đã ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu để quản lý quá trình hoạt động sản xuất chăn nuôi của cơ sở (con giống, thức ăn, thuốc thú y, quy trình chăn nuôi…); xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm, khai báo tình hình dịch bệnh trên hệ thống VAHIS.



Để hướng đến nông nghiệp số, ngoài sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương thì người nông dân phải sẵn sàng tiếp cận với công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Địa phương cũng sẽ chủ động kết nối các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo (AI); chuỗi khối (blockchain); nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật số vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là ở vùng nông thôn, sản xuất nông nghiệp; ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ cảm biến, công nghệ nano trong sản xuất nông nghiệp chính xác; công nghệ cao, tiết kiệm phân bón, công nghệ máy bay không người lái trong sản xuất và giám sát sản xuất nông nghiệp.



Có thể bạn quan tâm

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

(GLO)- Những người lính từ mặt trận trở về, những người chỉ lặng lẽ phía sau phục vụ chiến đấu và cả những người sinh ra dưới bầu trời không tiếng súng… đều tiếp tục tự nguyện trở thành gạch nối hòa bình giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc, hóa giải sâu sắc những đau thương để lại từ một cuộc chiến.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

(GLO)- Trong suốt 10 năm người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, có người may mắn trở về, người đến giờ vẫn còn nằm lại trên đất bạn. Nhưng, như lời một người lính trở về thì “một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái”.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

(GLO)- Điều gì đã gắn kết những người lính tình nguyện Việt Nam để làm nên khúc khải hoàn trên chiến trường K? Đó có phải là tình đồng đội thiêng liêng, cao cả; là sự giúp đỡ vô tư, trong sáng và cũng đầy ân tình đối với người dân nước bạn, thậm chí với cả người ở phía bên kia chiến tuyến?

Canh cánh nỗi lo mía cháy

E-magazineCanh cánh nỗi lo mía cháy

(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt dọn ruộng mía tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bà con nông dân đang canh cánh nỗi lo mía cháy.

Khúc hoan ca làng chài

E-magazineKhúc hoan ca làng chài

(GLO)-

Từ dăm con thuyền dạt trôi giữa mênh mông sông nước Sê San ngày nào đã hình thành 1 làng chài với hơn 30 hộ dân. Hôm nay, làng chài trên dòng Sê San đã đổi vận từ con cá và du lịch.

Xuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

E-magazineXuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

(GLO)- Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhận được nhiều đơn hàng hơn so với năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan, kỳ vọng tạo đột phá cho ngành xuất khẩu nông sản của tỉnh trong năm 2024.
Cô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

E-magazineCô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

(GLO)- Đang yên đang lành với công việc có thu nhập cao tại TP. Hồ Chí Minh, cô gái quê Gia Lai Trương Mỹ Châu (SN 1990) quyết định “đặt xuống mọi thứ” để thực hiện chuyến xuyên Việt, rồi xuyên Á bằng xe đạp.