(GLO)- Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015) trong điều kiện khó khăn nhưng cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đak Pơ đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đưa huyện nhà phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Từ một huyện nghèo về kinh tế, lạc hậu về cơ sở hạ tầng, đến nay, Đak Pơ đã có nhiều thay đổi với nền kinh tế tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được chú trọng đầu tư; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Để có được sự thay đổi tích cực trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể và sự đoàn kết, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Đường vào trụ sở Huyện ủy và UBND huyện Đak Pơ. Ảnh: Hồng Thương |
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Đak Pơ chú trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kết hợp củng cố hệ thống chính trị vững chắc ở cơ sở và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Trong công tác xây dựng Đảng, huyện chú trọng xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đảm bảo vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở.
Việc đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên chặt chẽ, sát đúng với quy định, chất lượng được nâng lên; công tác kết nạp đảng viên được coi trọng, đảm bảo nguyên tắc, tiêu chuẩn của Điều lệ Đảng. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 445 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ huyện lên 1.360 đảng viên, vượt 0,18% so với Nghị quyết. Năm 2012, huyện Đak Pơ xóa được thôn, làng trắng đảng viên, đánh dấu bước chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Đến nay, toàn huyện có 41 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, 115 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở; 100% thôn, làng và tổ dân phố có chi bộ. Năm 2014, có 83,72% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, tăng 3,72% so với năm 2010.
Ảnh: Hồng Thương |
Tổ chức Đảng vững mạnh đã góp phần lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh chính trị trên địa bàn. 5 năm qua, huyện Đak Pơ đã chú trọng phát triển kinh tế trên tất cả các lĩnh vực từ nông-lâm nghiệp đến công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ. Đặc biệt, xác định ngành nông nghiệp chiếm ưu thế, huyện Đak Pơ đã nâng cao hiệu quả việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư các dự án; hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây nông nghiệp; mở các lớp tập huấn sản xuất, chăn nuôi; đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Nhờ đó, diện tích và năng suất sản xuất nông nghiệp hàng năm luôn đạt và vượt kế hạch; sản lượng lương thực có hạt năm 2015 đạt 24.506 tấn, tăng 15,94% so với năm 2010. Cây mía tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực với tổng diện tích gieo trồng năm 2015 là 21.990 ha, tăng 3.731 ha so với năm 2010.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh phát triển các ngành, nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp có ưu thế về nguyên liệu và lao động tại chỗ, như sản xuất đồ mộc, vật liệu xây dựng, khai thác chế biến đá granit, gia công cơ khí. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp, tăng nhẹ công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ. Năm 2015, nông-lâm nghiệp chiếm 50,33%; công nghiệp-xây dựng chiếm 33,31% và thương mại-dịch vụ chiếm 16,35%. Những kết quả trên đã góp phần duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 8,73%; tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 đạt 13 tỷ đồng, gấp 1,37 lần so với năm 2010; tổng chi ngân sách huyện năm 2015 đạt 160,152 tỷ đồng, gấp 1,47 lần so với năm 2010.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội trên địa bàn huyện cũng gặt hái được nhiều thành quả quan trọng với 77,82% gia đình văn hóa; 65,75% thôn, làng, tổ dân phố văn hóa năm 2015. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao với 8/25 trường học đạt chuẩn quốc gia; trên 99% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; trên 95% học sinh công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở và 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm. Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin, tuyên truyền được đổi mới, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân; công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc và văn hóa phi vật thể luôn được quan tâm. Ngoài ra, các chương trình an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2010-2015, chương trình đào tạo và giải quyết việc làm được đẩy mạnh.
Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, diện mạo huyện Đak Pơ ngày càng khởi sắc nhờ tích cực chỉnh trang đô thị và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện đạt 218,750 tỷ đồng. Trong đó, vốn thuộc ngân sách nhà nước 185,72 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 13,585 tỷ đồng, vốn tín dụng nhà nước 4,891 tỷ đồng, vốn huy động nhân dân đóng góp 14,553 tỷ đồng. Nhiều công trình công cộng, kết cấu cơ sở hạ tầng được củng cố, xây mới. Hệ thống giao thông đường bộ từ trung tâm huyện đến các xã đều được bê tông hóa; đường liên thôn được quan tâm sửa chữa và xây mới với tổng kinh phí 115,335 tỷ đồng; các công trình thủy lợi, kênh mương được chú trọng đầu tư với 20 công trình thủy lợi hiện có, cung cấp nước tưới cho gần 300 ha đất nông nghiệp. Nhà máy nước được xây dựng với kinh phí trên 12 tỷ đồng đã đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Những kết quả trên sẽ là nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân huyện Đak Pơ tiếp tục vươn tới mục tiêu mới trong nhiệm kỳ 2015-2020 là xây dựng Đak Pơ ngày càng phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, huyện Đak Pơ sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và năng lực quản lý, điều hành của chính quyền; củng cố và phát huy cao sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm tập trung huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện để phát triển kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao đi đôi với quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ phấn đấu thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh phát triển dịch vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; quan tâm đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trần Hữu Đức (Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy)