(GLO)- Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh đến năm 2020 thì mỗi huyện phải có ít nhất 1 bến xe ô tô khách loại 4. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn chỉ mới có 9 bến xe/17 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, cũng chỉ có 4 bến xe thực hiện xã hội hóa. Để quá trình xã hội hóa bến xe theo đúng tiến độ cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền cũng như sự chung tay của doanh nghiệp.
Xã hội hóa-bước đột phá tích cực
Có thể nói, xã hội hóa bến xe đã làm thay đổi bộ mặt bến xe. Không chỉ mang đến sự khang trang, sạch sẽ, hiện đại những bến xe xã hội hóa giảm thiểu tối đa nạn tiêu cực về an ninh trật tự, tình trạng chèo kéo hay “cò” khách tại bến xe, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao, văn minh và chuyên nghiệp… Xã hội hóa bến xe không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, đi lại mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bến xe Đức Long Gia Lai. |
Là một trong những bến xe tiên phong thực hiện xã hội hóa và điển hình mang tầm quốc gia, Bến xe Đức Long Gia Lai được đầu tư, xây dựng từ năm 2005 với quy mô trên 15.000 m2 và tổng mức đầu tư 24 tỷ đồng, nằm ngay trung tâm TP. Pleiku. Gần 10 năm hoạt động, Bến xe Đức Long Gia Lai luôn được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ với đầy đủ các hạng mục công trình đảm bảo theo tiêu chuẩn của một bến xe loại I. Ông Đỗ Chiến Đấu-Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai cho biết: Công ty đã đầu tư trên 1 tỷ đồng lắp đặt thêm hệ thống mái che (gần 400 m2) phục vụ đón, trả khách; lắp bảng điện tử cho hành khách theo dõi các thông tin như giờ xuất bến, số xe, giá vé…; cài đặt phần mềm kết nối thông tin với Bộ Giao thông-Vận tải, Sở Giao thông-Vận tải và các bến đối lưu.
Tại các địa phương khác như An Khê, Đak Đoa, Đức Cơ, việc xã hội hóa bến xe cũng đã góp phần thay đổi hình ảnh nhếch nhác của các bến xe trước đây, nhất là việc giải tỏa được tình trạng xe dù bến cóc gây mất trật tự. Ông Nguyễn Thế Phúc-Chủ doanh nghiệp tư nhân Phúc Thắng (huyện Đức Cơ) cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng doanh nghiệp vẫn mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng một bến xe loại IV tại huyện Đức Cơ. Trong đó có 4.000 m2 sân bê tông đạt chuẩn, một nhà làm việc có diện tích 180 m2, 6 phòng trọ, công trình vệ sinh, nhà chờ, nhà bảo vệ và một cửa hàng ăn nhỏ... Ngoài ra, còn có hệ thống cây xanh bao phủ, tạo bóng mát cho bến xe.
Bất cập: thừa-thiếu
Lợi ích từ xã hội hóa là rất lớn, vậy nhưng trên thực tế hiện nay tỉnh ta chỉ 4 bến xe được xã hội hóa (2 bến xe do Nhà nước đầu tư xây dựng cho doanh nghiệp đấu thầu, khai thác và 2 bến do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng). Và hiện toàn tỉnh chỉ đầu tư, xây dựng được 9 bến xe/17 huyện, thị xã, thành phố (chỉ đạt 52,9%). Đây là con số khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân hiện nay. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ địa phương có bến xe nhưng xây xong lại bỏ hoang không hoạt động vì không có doanh nghiệp vận tải nào đăng ký như trường hợp bến xe huyện Mang Yang. Nguyên nhân được cho là huyện Mang Yang nằm dọc tuyến quốc lộ nên người dân có thói quen bắt xe dọc đường. Hơn nữa, theo quy định của Thông tư 18/2013/TT-BGTVT của Bộ Giao thông-Vận tải thì vẫn để xây dựng một số điểm đón, trả khách trên dọc tuyến quốc lộ.
Trong khi đó, những địa phương rất cần có bến xe, nhu cầu đi lại đông lại không có bến xe, nhất là đối với các địa phương không có tuyến quốc lộ chạy qua và chưa có bến xe như các huyện Ia Grai, Chư Prông. Tất bật chạy hơn 20 km ra tận Bến xe Đức Long để mua vé xe tuyến Pleiku-Quảng Trị, anh Hoàng Anh Tuấn (tổ dân phố 6, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) than vãn: Quê tôi ở Quảng Trị, mỗi năm đi về khoảng 2-3 lần, vì Ia Grai không có bến xe nên mỗi lần đi về rất vất vả, bây giờ có điện thoại đặt vé nhưng để chắc ăn vẫn mất một vòng đi lấy vé. Nếu đi một mình thì còn đỡ chứ đưa cả vợ con về phải tốn thêm 300 ngàn đồng tiền taxi đi từ trong huyện ra bến xe. Tại huyện cũng có xe đi nhưng ngày Tết giá vé đắt hơn, chênh lệch cả trăm ngàn đồng/vé mà lại không yên tâm về an ninh, bảo hiểm…
Lê Lan