Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh: Báu vật của thiên nhiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không chỉ là báu vật của Việt Nam, Kon Ka Kinh còn được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường các nước Đông Nam Á công nhân là Vườn Di sản ASEAN.

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích 41.780 ha nằm ở khu vực Đông Bắc Gia Lai, độ cao trong khoảng từ 570 mét (thung lũng sông Ba) đến 1.748 mét.  Vườn có 33.565 ha rừng tự nhiên, chủ yếu là rừng nguyên sinh.

Lán trại của nhóm cán bộ nghiên cứu voọc. Ảnh: Duy Danh
Lán trại của nhóm cán bộ nghiên cứu voọc. Ảnh: Duy Danh

Do đặc điểm đa dạng về địa hình, độ cao, khí hậu, đất đai và các nhân tố khác đã tạo cho Kon Ka Kinh sự phong phú về động- thực vật. Theo thống kê chưa đầy đủ, nơi đây hội tụ 687 loài thực vật thuộc 459 chi và 140 họ; trong đó có 11 loài đặc hữu, đáng lưu ý là thông Đà Lạt, gõ đỏ, trắc, xoay, bọ nẹt trung bộ… Hệ thực vật rừng Kon Ka Kinh có 34 loài quý hiếm có giá trị bảo tồn gien, nghiên cứu khoa học và có tên trong sách đỏ Việt Nam. Theo điều tra sơ bộ, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 428 loài động vật, trong đó có 223 loài động vật có xương sống, 205 loài động vật không có xương sống. Đây cũng là vườn quốc gia có hầu hết các thuộc tính sinh học đặc trưng của miền Trung Việt Nam, bao gồm các quần thể đặc hữu của 5 loài thú lớn đặc hữu cho Đông Dương và Việt Nam là: Vượn má hung, voọc chà vá chân xám, hổ, mang Trường Sơn và mang Vũ Quang…

Tổ hợp rừng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh chứa diện tích rừng lớn nhất trên vùng đất bằng phẳng còn sót tại Việt Nam, đây là môi trường sống của các loài động vật đặc hữu thuộc họ chim và các loài  lưỡng cư.

Không chỉ đa dạng về hệ động thực vật rừng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn hấp dẫn giới nghiên cứu, khách du lịch bởi hệ thống sông, suối, thác… Điển hình là những ngọn thác như: Đak Pooc, Đak Kơ Bưng… Đặc biệt, với độ cao 1.748 mét, đỉnh Kon Ka Kinh- đỉnh cao nhất Gia Lai, quanh năm mây mù vừa mời gọi vừa thách thức sự khám phá của con người.

Năm 1986, rừng Kon Ka Kinh được đưa vào danh sách các khu rừng đặc dụng.

Năm 1999 được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên.

Năm 2002 được chuyển đổi thành vườn quốc gia.

Năm 2003 được công nhận là vườn di sản Asean.

Chính vì sự đa dạng sinh học mà Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh từ lâu đã hấp dẫn giới nghiên cứu động- thực vật và những người yêu thích du lịch sinh thái. Từ khi được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, mới đây là Vườn Di sản ASEAN, ngành Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh và các tổ chức quốc tế có sự quan tâm đặc biệt đến Kon Ka Kinh. Những năm gần đây, Trung ương và tỉnh đã đầu tư vào đây nhiều tỉ đồng để triển khai công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, nghiên cứu và xây dựng cơ bản. Nếu những năm trước, rừng Kon Ka Kinh bị lâm tặc lén lút xâm hại thì hiện nay tình trạng này đã được ngăn chặn đáng kể. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của Vườn không ngừng được tăng cường về số lượng và chất lượng, đáp ứng cơ bản nhiệm vụ.

Tuy vậy, so với vai trò, vị trí của một vườn di sản khu vực Đông Nam Á, sự quan tâm đầu tư trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng. Theo ông Nguyễn Duy Lân- Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, thời gian tới, ngành và tỉnh cần có sự quan tâm nhiều hơn về cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo vệ, nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ thích hợp đối với nhân dân sống gần rừng, đặc biệt là giải quyết chế độ chính sách thỏa đáng cho những người gắn bó với di sản thiên nhiên này.

Duy Danh

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.