Vùng biên một dải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một người bạn tôi, sau nhiều lần ghé thăm vùng đất đầy nắng gió Gia Lai đã nhận định rằng: Chính Đức Cơ chứ không phải nơi nào khác trên địa bàn tỉnh là nơi lý tưởng nhất, hấp dẫn nhất, có nhiều điều kiện nhất để phát triển du lịch. Chỉ cần có chiến lược dài hơi dành riêng cho vùng đất biên giới này.

Thăm cây đa làng Ghè

Cây đa làng Ghè-cây Di sản Việt Nam. Ảnh: K.L
Cây đa làng Ghè-cây Di sản Việt Nam. Ảnh: K.L


Một sáng cuối tuần, cậu lái xe của UBND huyện Đức Cơ tên Quân nhận nhiệm vụ đưa chúng tôi về thăm cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk). Trên đường đi, Quân giới thiệu: “Từ trụ sở UBND huyện đến cây đa chỉ chừng 8 cây số thôi. Đường sá rộng rãi, thảm nhựa hết rồi, dễ đi lắm. Cạnh cây đa có con suối nhỏ, gọi là suối Ia Ghe. Tất cả các lễ hội truyền thống của làng đều tổ chức dưới bóng cây đa ấy đấy”.


Cách đây chừng 4-5 năm, vị cán bộ nguyên là Chủ tịch UBND huyện, trong một lần gặp cũng từng nhắc đến cây đa cùng với lời hứa đích thân ông sẽ dẫn chúng tôi đi tham quan cây đa vĩ đại nhất Gia Lai này. Từ bấy đến nay, cũng nhiều lần lên Đức Cơ song chúng tôi đều bị cuốn theo công việc mà quên bẵng lời hứa ấy. Lần này, mục tiêu của chúng tôi là phải tận mục sở thị cây đa huyền thoại, vì dù đã đọc khá nhiều bài viết về nó nhưng sự tò mò vẫn lớn lắm.


Quả thực, đó là một cây đa cổ thụ to nhất chúng tôi từng thấy. Cũng phải, tuổi đời hơn 200 năm kia mà! Hồi đề nghị xét công nhận cây đa là cây di sản, người ta đo chu vi thân cây tới 13 m, chiều cao thân khoảng 45 m và có tới 8 thân phụ. Bởi vậy, tán cây phủ rộng đến mấy trăm mét vuông. Điều đó lý giải vì sao khi đứng dưới bóng cây, ta có cảm giác an tâm như được bao bọc, che chở. Một điều thú vị nữa là không biết từ bao giờ, một đoạn rễ của cây đa đã như một chiếc cầu nhỏ bắc qua bờ bên kia con suối Ia Ghe hàng ngày vẫn hiền hòa chảy.


Những người già trong làng kể lại, thời chống Pháp và chống Mỹ, cây đa làng Ghè từng là nơi che chở cho bộ đội. Đến giờ, mọi sinh hoạt mang tính cộng đồng của làng vẫn thường xuyên diễn ra dưới bóng đa già. Ngày 16-6-2016, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chính thức công nhận cây đa làng Ghè là Cây di sản Việt Nam. Và cũng từ đó, chính quyền địa phương đã “biến” cây đa làng Ghè trở thành một điểm đến trong phát triển du lịch huyện nhà. Trong một lần trò chuyện, ông Rơ Mah Nam-Phó Chủ tịch HĐND xã Ia Dơk-cho biết: Xã rất tích cực trong việc tuyên truyền bà con về giá trị của cây di sản, động viên bà con bảo vệ cây, đồng thời mong muốn du lịch huyện nhà phát triển để bà con nơi đây có công ăn việc làm, có thu nhập tốt hơn, đời sống phát triển hơn.


Ấn tượng Pô Cô

Dòng Pô Cô giữa biên giới Việt-Cam. Ảnh: K.L
Dòng Pô Cô giữa biên giới Việt-Cam. Ảnh: K.L


Rời cây đa làng Ghè, xe lại đưa chúng tôi tiếp tục hành trình đến với một đoạn sông Pô Cô, nằm giáp ranh với nước bạn Campuchia. Từ thị trấn, xe bon bon chạy lên biên giới trên quốc lộ 19. Tới Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, qua barie đầu tiên, xe chạy thêm chừng trăm mét nữa thì rẽ phải trên con đường bê tông nhỏ. Hai bên đường là rừng le với hàng loạt bụi le xanh rì lúp xúp liên tục đuổi theo nhau cho tới tận sông Pô Cô.


Chạy liên tục khoảng 7 cây số, dòng Pô Cô xanh trong hiện ra khiến cho nhiệt độ ngoài trời (vào khoảng 38 độ C) của khu vực Cửa khẩu vào lúc 10 giờ sáng như dịu bớt đi. Khoa-nhân viên Văn phòng của UBND huyện đi cùng chúng tôi bật thốt lên: “Đẹp quá! Lần đầu tiên em tới đây, không ngờ Đức Cơ lại có nơi tuyệt vời như vầy!”. Ngạc nhiên cũng phải, bởi lâu nay, nhắc tới Đức Cơ, đặc biệt là vùng Cửa khẩu, người ta chỉ nghĩ tới những cơn nắng như thiêu trút xuống mặt đường nhựa nóng giãy với nhiệt độ ngoài trời ở mức trên dưới 40 độ C.


Sông Pô Cô là con sông dài nhất ở Bắc Tây Nguyên với khoảng 320 km, chảy xuyên từ Bắc Kon Tum sang Tây Gia Lai. Sông Pô Cô sau khi qua cầu Sê San (tại Km 106-107 quốc lộ 14C, dưới chân đập thủy điện Sê San 4) vài cây số thì hợp lưu với sông Sa Thầy từ phía trên chảy xuống, vẫn gọi là Pô Cô hoặc “sông biên giới”. Từ điểm hợp lưu này, sông Pô Cô tiếp tục làm đường biên giới giữa nước ta và nước bạn, đến địa phận huyện Đức Cơ thì sang hẳn Campuchia và đổ vào dòng Mê Kông.


Đoạn chúng tôi tới chính là nơi Pô Cô bắt đầu sang hẳn Campuchia. Đây quả thực cũng là một địa điểm vô cùng thú vị mà Đức Cơ may mắn có được. Khi chúng tôi đến đã thấy bãi đất trống gần bờ sông có 3 chiếc xe ô tô và khá nhiều xe máy đang đỗ. Hỏi ra mới biết là xe của những gia đình đến đây dã ngoại. Bên bờ, những ông bố đang dắt tay con đi dần ra hướng giữa sông và dầm mình trong dòng nước mát. Mùa này nước cạn nên có thể bơi ra tận giữa dòng sông để tắm. Trên bờ, có nhóm trải phông bạt và dọn thức ăn sẵn để ngồi nhấm nháp, có nhóm lại nhóm lửa, đốt than lên nướng thịt... Hỏi một người đang loay hoay xoay trở con gà đã được nướng vàng một mặt, anh cho biết: “Tôi tên Toàn, nhà ở làng Mook Đen, xã Ia Dom, cách đây khoảng 10 cây số. Rảnh rỗi, gia đình tôi và bạn bè vẫn thường rủ nhau tới đây vui chơi. Tới đây có thể hòa mình với thiên nhiên, không bon chen những nơi đông đúc, gia đình và bạn bè lại có thể gần gũi với nhau...”.  


Điều thú vị nữa là đứng bên này sông có thể thấy dọc bờ sông phía bên kia cũng là những hàng le um tùm, thấp thoáng cả những ngôi nhà của người dân nước bạn. Chỉ bấy nhiêu cũng đã làm nên sự khác biệt lớn giữa nơi này với những điểm vui chơi khác rồi.


Lạc giữa rừng hương

Rừng hương quý hiếm ở làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ).  Ảnh: H.D
Rừng hương quý hiếm ở làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ). Ảnh: H.D

Rời Pô Cô và quay ngược lại về hướng thị trấn Chư Ty, tài xế Quân nhìn chúng tôi qua gương chiếu hậu: “Giờ em sẽ đưa anh chị tới rừng gỗ hương nhé. Tới Đức Cơ là phải ghé rừng gỗ hương. Hiện nay không còn nơi nào có nguyên khu rừng hương đẹp và quý vậy đâu”. Rồi xe bon bon chạy nhanh về làng Grôn, xã Ia Kriêng. Không xa như chúng tôi nghĩ, rừng hương chỉ cách thị trấn chừng 8 cây số. Nằm giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn, khu rừng hiện ra khác biệt và vô cùng thu hút với khoảng 1.400 cây gỗ hương lớn nhỏ đan xen.


Khi chúng tôi vừa đặt những bước chân đầu tiên vào khu rừng, lập tức có một người đàn ông khoảng trên dưới 60 tuổi xuất hiện. Sau khi tự giới thiệu mình là người đang làm nhiệm vụ canh giữ khu rừng, người đàn ông yêu cầu chúng tôi giới thiệu về bản thân và mục đích đến tham quan rừng hương. Làm xong những thủ tục ban đầu, ông mới từ tốn cho biết ông tên Nguyễn Hữu Mạnh, làm nghề giữ rừng đã được 18 năm.


Tôi thắc mắc: “Bây giờ, trên thị trường, 1 m3 gỗ hương có giá cả trăm triệu đồng, một cây có khi được hơn 20 m3 gỗ. Điều này đồng nghĩa với việc rừng gỗ quý này phải đối mặt với nguy cơ bị cưa xẻ trộm...”. Không để tôi nói dứt câu, ông Mạnh khẳng định: “Sẽ không có chuyện rừng bị chặt trộm đâu. Vì ngoài tôi ra, bảo vệ rừng còn có ông Rơ Mah Kem nữa. Ông Kem là người dân làng Grôn, nhiều năm là Trưởng thôn nữa nên người làng nghe lời lắm. Tôi và ông ấy luôn tuyên truyền, nhắc nhở từ người thân trong gia đình cho đến bà con dân làng về việc cùng nhau bảo vệ khu rừng quý hiếm này. Cho nên việc bảo vệ rừng hương giờ đã là nhiệm vụ của cả làng Grôn. Hồi giờ không có chuyện người lạ vào chặt phá cây và lấn chiếm đất rừng”. Cũng theo ông Mạnh, thời gian gần đây có rất nhiều khách đến tham quan khu rừng quý này, ai cũng tỏ ra vô cùng thích thú.


Đức Cơ những năm gần đây đã có sự thay da đổi thịt thấy rõ. Cơ sở hạ tầng giao thông đang dần được hoàn thiện, vô cùng thuận lợi trong lưu thông từ Cảng biển Quy Nhơn đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh qua quốc lộ 19 với chiều dài 230 km. Riêng tuyến đường nối từ trung tâm TP. Pleiku đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh chỉ hơn 70 km và đi qua nhiều địa điểm tham quan khá hấp dẫn như thắng cảnh “đôi mắt Pleiku” Biển Hồ, đỉnh Hàm Rồng. Khi đến Đức Cơ, ngoài rừng gỗ hương, cây đa làng Ghè, đoạn sông Pô Cô làm ranh giới 2 nước... thì huyện vùng biên này còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch khác như: Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty, Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ, Suối Đôi, Quốc môn... Chưa kể với vị trí tiếp giáp với Campuchia, Đức Cơ còn có thể liên kết với các tỉnh của nước bạn trong phát triển du lịch.


Để phát triển du lịch, UBND huyện Đức Cơ đã ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND về phát triển du lịch huyện Đức Cơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; kế hoạch thực hiện Chương trình 43-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kế hoạch phát triển du lịch huyện Đức Cơ năm 2019... Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện gắn với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế-xã hội của huyện theo hướng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên; đẩy mạnh công tác xã hội hóa du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư phát triển du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư, xây dựng chuỗi các điểm có thể đưa khách đến tham quan, trải nghiệm thì cần gìn giữ “cái nền”, “cái hồn” cho các điểm đến ấy. Điều này đòi hỏi phải có một chiến lược dài hơi. Như những chia sẻ vô cùng tâm huyết, trăn trở của ông Nguyễn Xuân Tứ-Chánh Văn phòng UBND huyện Đức Cơ: “Muốn phát triển du lịch, thu hút được du khách ở đây thì cần phải gìn giữ không gian đậm đặc bản sắc văn hóa của người bản địa, tạo nên đặc trưng của địa phương”.


Kim Linh

 

Có thể bạn quan tâm

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Chiến đấu ngoan cường, bị thương thập tử nhất sinh khiến những người lính có một thời gian nao núng. Rồi cũng bằng ý chí sắt đá của người lính, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bè bạn và cộng đồng, những thương binh đang định cư ở đất Tổ ngày một khỏe hơn, biết làm kinh tế và còn viết văn, làm thơ…
Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Xã Vân Sơn nằm ở trung tâm của huyện vùng núi Tân Lạc, Hòa Bình, nối liền một dải với vùng cao Son Bá Mười của tỉnh Thanh Hóa, nơi có thể được coi là sự nối dài của Tây Bắc về mặt địa chất. Nơi đây, những cảm thức Mường còn đậm đặc, rõ rệt, hiện diện trong từng thói quen ngày thường của bà con.
Những làng chài bên biển

Những làng chài bên biển

Dọc bờ biển khu vực miền trung có rất nhiều làng chài, nơi cuộc sống hằng ngày của người dân biển diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở đó, mỗi làng chài lại mang một nét đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống mặn mòi của những ngư dân bám biển.
Đập tan âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước - Kỳ cuối: Vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân

Đập tan âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước - Kỳ cuối: Vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân

(GLO)- Quá trình điều tra vụ án “Phan Thị Thảo cùng đồng phạm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, mỗi điều tra viên đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, mưu trí, sắc bén. Chiến công ấy góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.