Vụ thông tin sai sự thật về bệnh nhân 'bị mổ lấy thận': Bệnh viện nói gì về vết thương ở bẹn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khẳng định bệnh viện không phẫu thuật cho bệnh nhân và đề nghị cơ quan chức năng làm rõ hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội có vết thương.

Sáng 20-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khẳng định bệnh viện không phẫu thuật bất kỳ chỗ nào cho bệnh nhân Y.N.M. (SN 1989, ngụ buôn Ea Nai, xã Ea Kênh, Huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên bác bỏ thông tin bệnh nhân bị mổ lấy thận

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên bác bỏ thông tin bệnh nhân bị mổ lấy thận

Theo vị này, bệnh nhân Y.N.M. được bệnh viện đặt thiết bị catheter chọc vào tĩnh mạch. Mục đích là để rút máu ra đưa vào máy lọc các chất độc. Sau đó, máu được lọc sẽ truyền lại cho bệnh nhân. Catheter chỉ để lại vết thương to hơn đầu bút bi 1 chút.

"Bệnh nhân Y.N.M. được chẩn đoán rối loạn đông máu thì không ai phẫu thuật vì không cầm máu được. Còn hình ảnh đăng tải trên mạng có vết thương ở bẹn thì chúng tôi không rõ. Do đó, bệnh viện đề nghị cơ quan chức năng làm rõ" - vị này khẳng định và cho biết nếu phẫu thuật liên quan đến thận thì mổ ở hông chứ không ai mổ ở bẹn.

Trước đó, mạng xã hội có lan truyền thông tin: "Anh Y.N.M, sinh năm 1989, người Êđê ở buôn Ea Kmăt, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bị mổ cướp thận. Theo gia đình, kết quả kiểm tra bị sốt xuất huyết và bị suy nhược và khi trả về bị phần dưới bụng bị bệnh viện mổ. Vụ việc xảy ra ngày 16-8-2023, xảy ra ngay tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, ở Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk". Bên cạnh đó, nhiều trang mạng xã hội đã đăng tải các thông tin cho rằng bệnh nhân này bị mổ lấy thận.

Trước thông tin trên, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã có văn bản phản hồi và khẳng định bệnh nhân là Y.N.M (SN 1989, ngụ buôn Ea Nai, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) chứ không phải ngụ buôn Ea Kmăt, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk.

Theo báo cáo của bệnh viện, bệnh nhân sốt tại nhà 4 ngày, mệt nhiều rồi nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk điều trị 1 ngày. Đến ngày 9-8, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán theo dõi sốt xuất huyết Dengue.

Sau 5 ngày điều trị nội khoa tại Khoa Truyền nhiễm, bệnh không cải thiện. Bệnh nhân sốt cao liên tục, mệt nhiều, rối loạn ý thức với chẩn đoán bị sốc nhiễm trùng; theo dõi viêm não - màng não; sốt xuất huyết huyết Dengue ngày 10 biến chứng suy đa tạng. Bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực và chống độc trong tình trạng hôn mê, gồng cứng toàn thân, nhịp tim nhanh đều.

Sau 34 giờ điều trị hồi sức nội khoa tích cực, phối hợp lọc máu liên tục, bệnh không cải thiện, diễn biến nặng. Bệnh nhân hôn mê sâu, suy hô hấp không cải thiện, tụt huyết áp.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã giải thích tình trạng của bệnh nhân là bệnh nặng, đe dọa tử vong cho gia đình được rõ. Đồng thời, động viên gia đình cho bệnh nhân ở lại tiếp tục điều trị nhưng gia đình kiên quyết viết cam đoan xin về. Bệnh viện đã giải quyết cho gia đình đưa bệnh nhân về nhà theo nguyện vọng.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.