Vụ ngộ độc rượu sau bữa cơm trên rẫy tại Lâm Đồng: Nạn nhân thứ hai tử vong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 4-12, UBND xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) xác nhận, anh Kă Să Ju Ly (sinh năm 1987, trú tại thôn R’Chai 2, xã Phú Hội) đã tử vong sau một tuần cấp cứu tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Đây là nạn nhân thứ 2 tử vong trong vụ 6 người ngộ độc rượu sau bữa cơm trên rẫy cà phê.
Sau vụ việc trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Đoàn điều tra, xác minh, xử lý vụ ngộ độc nghi do rượu.
Chi cục kiến nghị UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu. Đặc biệt là tuyên truyền để người dân tuyệt đối không lạm dụng rượu, không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường, không sử dụng methanol để pha chế rượu. Việc tuyên truyền tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, các cơ sở sản xuất rượu thủ công.
UBND xã Phú Hội quyết định tạm ngừng sử dụng rượu được sản xuất tại cơ sở nấu rượu của ông Phan Văn B và bà Nguyễn Thị K (liên quan đến vụ việc đang điều tra) và các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa thực hiện tự công bố sản phẩm. Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân, sau khi uống rượu, nếu xuất hiện triệu chứng bất thường thì lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xử lý kịp thời.
Trước đó, ngày 30/11, phóng viên TTXVN đã đưa tin, vào ngày 25/11, một nhóm 8 người (đều thường trú tại thôn R’Chai 2, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) đi hái cà phê tại thôn Tân Phú, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng và ăn cơm trưa tại rẫy cà phê. Trong bữa ăn, 6 người đã uống rượu trắng và ăn cơm, 2 người còn lại không uống rượu.
Sau đó, những người đã uống rượu bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi và khó thở, được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng; chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng, rồi chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cấp cứu. Một người sau đó đã tử vong.
Đến ngày 2/12, có 3 người sức khỏe ổn định và xuất viện, 2 người tiếp tục được các bác sĩ tích cực điều trị. Trong đó, anh Kă Să Ju Ly hôn mê, phải thở máy, được các bác sĩ chẩn đoán toan chuyển hóa, suy thận cấp, tổn thương đa cơ quan theo dõi ngộ độc chất không rõ loại, nghi do rượu.
Về ca tử vong đầu tiên, qua điều tra cho thấy nạn nhân có bệnh sử uống thuốc trừ sâu tự tử đã được đưa vào Trung tâm Y tế Đức Trọng điều trị cách đây một năm, loạn thần kinh 1 lần, nghiện rượu.
Theo Chu Quốc Hùng (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Xa dần tiếng trống hơ gơr

Xa dần tiếng trống hơ gơr

(GLO)- Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trống là vật thiêng, có Yàng trống bảo hộ, có giá trị cao nên cất giữ nơi trang trọng và được đem ra dùng trong những dịp lễ hội lớn của buôn làng hoặc gia đình. Ngày nay, các buôn làng ở Tây Nguyên dường như xa dần tiếng trống hơ gơr.

Con đường huyền thoại và xa lộ hôm nay

Con đường huyền thoại và xa lộ hôm nay

Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đường Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, có ý nghĩa trong đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.