(GLO)- Với vẻ đẹp tuyệt bích được ví như “mắt ngọc” trên vùng đất đỏ Tây Nguyên, danh thắng Biển Hồ (TP. Pleiku) còn lọt vào top 5 hồ tự nhiên đẹp thơ mộng do Tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn. Thế nhưng, địa danh được xem là “bộ mặt” của du lịch Gia Lai này lại đang bị khách tham quan xả rác vô tội vạ.
Dọc một đoạn đường ngắn dẫn vào “đôi mắt Pleiku”, khá nhiều rác nằm hai bên với đủ chủng loại. Nhiều nhất là rác thải ra từ những bữa tiệc dã ngoại. Chủ nhân của những bữa tiệc sau khi hội ngộ bạn bè, ăn uống, hát hò, vui chơi đã “để quên” bát đĩa, ly giấy đựng đồ ăn sẵn… Ngay cả thức ăn thừa cũng được vứt lại trên bãi cỏ. Ông Nghĩa-nhân viên Công ty Cấp thoát nước Gia Lai cho biết: “Ngày nào chúng tôi cũng dọn rác, phân loại và mang đi tiêu hủy. Nhưng dọn đằng trước thì du khách xả rác đằng sau. Chỉ cần vài nhóm du khách, nhất là các nhóm đi dã ngoại đến thì rác đâu lại vào đó”.
Rác thải từ một bữa tiệc đã tàn trên đường vào danh thắng Biển Hồ. Ảnh: H.N |
Với hai hàng thông xanh, bãi cỏ thoáng đãng, không khí mát lành, đoạn đường vào danh thắng được công nhận là Di tích quốc gia này trở thành địa chỉ picnic yêu thích của nhiều nhóm bạn trẻ hoặc các cặp vợ chồng. Cứ chiều đến, đặc biệt là những ngày cuối tuần, từng nhóm người tụ tập hai bên đường rất đông vui. Họ vô tư xả rác sau những buổi gặp gỡ nhau như vậy. Chưa kể, hàng ngày Biển Hồ còn đón hàng trăm lượt du khách tham quan. Nhiều người cầm theo chai nước khoáng uống hết vô tư vứt lại lề đường. Mặc dù ngay lối lên xuống đài quan sát có đặt thùng rác nhưng chẳng ai để ý, lưu tâm bỏ rác đúng nơi đúng chỗ. “Trong khi khách Tây họ rất văn minh, luôn có ý thức bỏ rác vào thùng, hoặc họ gói rác bỏ vào ba lô để tìm chỗ vứt thì du khách Việt tiện đâu vứt đó. Có một vạt cỏ lau nhỏ mọc ngay chỗ đài quan sát tôi chủ ý giữ gìn để chụp ảnh cho du khách nhưng cứ hễ có người phát hiện ra đám cỏ ấy là tới vặt vài bông lau chụp ảnh, xong vứt ngay tại chỗ ”-anh Doãn Vinh, người có thâm niên chụp ảnh ở Biển Hồ gần 20 năm nhận xét.
Thói quen xấu xí của nhiều du khách hiện nay đang “góp phần” làm méo mó hình ảnh của các địa danh du lịch. Như việc mới đây hoa màu của người dân ở trên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) bị hàng trăm lượt khách tham quan giẫm nát, cộng với việc xả hàng núi rác khiến người dân vô cùng bức xúc. Rồi đến Biển Hồ cũng bị đối xử tương tự cho thấy khách du lịch không có ý thức gìn giữ, bảo vệ danh thắng.
Có một câu nói rất nổi tiếng được dân du lịch truyền tai nhau như một thông điệp về cách hành xử văn minh đối với các thắng cảnh, đó là “Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh, đừng để lại gì ngoài những dấu chân”. Nhưng biết đến bao giờ, cách hành xử văn minh ấy mới được du khách Việt xem là thói quen?
Hoàng Ngọc