Vỡ nợ ký gửi nông sản, doanh nghiệp Đắk Nông hứa trả hết nợ trong 5 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Công ty thu mua nông sản tuyên bố phá sản đang đẩy nhiều nông dân ở xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.

Ngồi bên hiên nhà, ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Đắk R'tăng, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, cứ nhìn vào khoảng không vô định trước mặt. Ánh mắt ông lộ rõ sự mệt mỏi của người thiếu ngủ dài ngày.

Từ khi Công ty TNHH MTV Đức Hoàng tuyên bố phá sản, 6 tấn cà phê, 3 tấn hồ tiêu mà ông đang ký gửi ở đây coi như mất trắng. Bao công sức của các thành viên trong gia đình ông bổng chốc trôi tuột khỏi tầm tay.

Ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Đắk R'tăng, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, mất trắng 6 tấn cà phê, 3 tấn hồ tiêu ký gửi tại Công ty TNHH MTV Đức Hoàng

Ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Đắk R'tăng, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, mất trắng 6 tấn cà phê, 3 tấn hồ tiêu ký gửi tại Công ty TNHH MTV Đức Hoàng

“Phần vì tin tưởng, phần vì chủ quan nên…”, ông Thắng uất nghẹn không nói thành lời. "Gia đình tôi đã ký gửi cà phê và không lường trước được kết quả như ngày hôm nay", ông Thắng cho biết.

Ông Thắng có 5ha đất, trong đó trồng hơn 3.000 cây cà phê, 700 trụ tiêu. Đây là nguồn thu nhập chính và duy nhất của gia đình ông trong nhiều năm qua.

Ông Thắng cho biết, ông làm ăn với Công ty TNHH MTV Đức Hoàng hơn 10 năm nay. Ông bán cà phê cho công ty và mua phân của công ty về chăm sóc cây trồng.

Cà phê ông muốn bán, muốn gửi đều được. Phân có thể lấy của công ty về bón cho cây trồng rồi trả tiền sau. Gia đình ông cần tiền có thể lấy trước rồi bán cà phê cho công ty sau. Mối quan hệ làm ăn lâu năm đã dần cho nhau niềm tin.

"Giờ tôi rất lo lắng vì còn nợ ngân hàng 300 triệu đồng, sắp tới kỳ đáo hạn. Nguồn thu nhập của gia đình tôi trông chờ vào cà phê, hồ tiêu, nên giờ không biết bấu víu vào đâu", ông Thắng buồn rầu.

Ông Lưu Văn Xướng (bên trái), thôn Đắk R'tăng, xã Quảng Tân, mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ phá sản

Ông Lưu Văn Xướng (bên trái), thôn Đắk R'tăng, xã Quảng Tân, mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ phá sản

Tương tự, ông Lưu Văn Xướng, ở thôn Đắk R'tăng, xã Quảng Tân, có 4ha cà phê, vụ cà phê vừa rồi ông thu được 11 tấn. Thu hoạch xong ông gửi toàn bộ cà phê cho Công ty TNHH MTV Đức Hoàng.

Ông Xướng cho biết, ông thường xuyên không ở nhà, nên thu cà phê về là gửi tại công ty. Ông bán cà phê và mua phân tại công ty này nhiều năm.

"Tôi đang gửi cà phê để đến tháng rút trả lãi ngân hàng. Tôi đang nợ ngân hàng gần 1 tỷ đồng, nay công ty phá sản, nên chưa biết lấy tiền ở đâu để trả lãi. Tôi còn gần 4 tấn cà phê ký gửi tại công ty này", ông Xướng cho biết.

Người trồng cà phê, hồ tiêu ở xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, đang điêu đứng Công ty TNHH MTV Đức Hoàng tuyên bố phá sản.

Người trồng cà phê, hồ tiêu ở xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, đang điêu đứng Công ty TNHH MTV Đức Hoàng tuyên bố phá sản.

Công an huyện Tuy Đức cho biết, bước đầu xác định có khoảng 100 hộ dân ký gửi 94 tấn cà phê nhân xô, 66 tấn hồ tiêu khô tại Công ty TNHH MTV Đức Hoàng, tổng trị giá khoảng 14 tỷ đồng.

Theo thông tin ban đầu, do công ty làm ăn thua lỗ, tại thời điểm tuyên bố phá sản kho của công ty còn lại 40 tấn cà phê nhân xô và 16 tấn tiêu khô.

Công ty đang thỏa thuận với người ký gửi để trả nợ đồng đều cho các hộ dân, mỗi hộ 27% trên tổng số nợ. Số nợ còn lại công ty sẽ có phương án trả cho người dân từ nay đến năm 2029.

Nguồn thu nhập chính của người dân trên địa bàn xã Quảng Tân chủ yếu từ cà phê, hồ tiêu. Nhiều gia đình đã ký gửi tất cả cà phê, hồ tiêu cho công ty và đang rơi vào tình trạng "trắng tay".

Tiền tiêu tết, chi phí tái đầu tư, phân bón mùa khô, tiền dầu tưới... và tiền vay ngân hàng người dân đều trông chờ vào số cà phê ký gửi này khiến nhiều nông dân điêu đứng không biết bấu víu vào đâu.

Bà con mong muốn ngành chức năng đồng hành, có phương án khoanh nợ, hỗ trợ người dân xử lý các khoan vay, khoán trả lãi tại các ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm