Vó ngựa cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều xuống yên ả phía chân núi Lang Biang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Tôi ngược núi để chứng kiến các “kỵ mã chân trần”, những người con sinh ra giữa buôn làng, lớn lên trên lưng ngựa... tự do bay bổng với cuộc chơi bên sườn núi.
Cuộc đua ngựa không yên chinh phục đỉnh núi Lang Biang.

Cuộc đua ngựa không yên chinh phục đỉnh núi Lang Biang.

Đua ngựa không yên chinh phục đỉnh núi Lang Biang là trò chơi dân gian, hình thành một cách tự nhiên như để thể hiện sức mạnh, sự phóng khoáng của những người con Tây Nguyên.

Đồi núi chiêng chao, cây rừng nghiêng ngả, mái tóc phiêu bồng…, K’Truik cùng con tuấn mã Rambô tung vó, băng băng về đích trong ánh mắt ngưỡng mộ của sơn nữ buôn làng. Có lẽ, hiếm nơi nào có hội đua ngựa độc đáo, nguyên sơ và hồn nhiên như thế! “Kỵ mã” đầu trần, chân trần, ngựa không yên, không bàn đạp… Họ bước vào cuộc chơi bản năng phóng khoáng, để thỏa chí và thể hiện bản lĩnh của những người trai núi rừng.

Bên con ngựa vừa thắng cuộc chơi, K’Truik nói: “Ồ, ở xứ sở này, những đứa trẻ lên năm, lên bảy tuổi đã biết cưỡi ngựa cỏ rong chơi, biết ngã cùng ngựa. Ngựa cũng như người, phải biết vuốt ve nó từ nhỏ thì nó mới thích mình, nghe mình”.

Ngày trước, ở buôn người Lạch, Cil dưới chân núi này nhà nào cũng phải có vài con ngựa. Ngựa được thả đi hoang trong rừng, mỗi tuần chủ của nó mới “thăm” một lần để xác định vị trí, lúc nào cần mới huýt sáo gọi về. Tôi từng trò chuyện với ông Păng Ting Bụt, chàng trai phong trần, lãng tử ngày nào đã nhiều lần chinh phục các cô gái đẹp trong buôn trên lưng ngựa. Ông kể rằng, thời Pháp, ở cao nguyên này thường xuyên tổ chức đua ngựa không yên, và ông đã nhiều lần mang về niềm kiêu hãnh cho người Lạch. “Dạy ngựa khó lắm, phải ngã bùn, ngã suối với nó nhiều lần thì mới thuần được. Còn đua ngựa không yên thì hai cái đùi là quan trọng, vì đó là bộ phận điều khiển ngựa, giữ thăng bằng”, ông Păng Ting Bụt cho hay.

Mỗi lần đi rẫy “thăm” trâu, đi rừng “thăm” ngựa là bọn trẻ tụ họp đua ngựa. Nói là cuộc chơi, nhưng con ngựa nào về đích trước là nổi tiếng khắp buôn, và người điều khiển cũng có giá “bắt chồng” cao ngất ngưởng. K’Truik vinh dự được buôn làng nhiều lần gọi tên con tuấn mã của mình là Ơh sha pran kơ (con ngựa sức mạnh). Ngoài những cuộc chơi, K’Truik cùng con Rambô đã bốn lần đoạt quán quân trong các giải “đua ngựa không yên” do tỉnh, huyện tổ chức. Hãnh diện lắm! Bởi thế, nên đã tốt nghiệp Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, nhưng K’Truik vẫn trở về bên đàn ngựa của ông nội để lại, để cùng vui, cùng buồn trong những cuộc chơi với đám bạn “kỵ mã” trong buôn, như K’Hiêm, K’Tiến, Cil Bris… với những chú ngựa cưng Juli, Jiky, Biôli…

Ngựa là người bạn không thể thiếu đối với người sống phía thượng nguồn. Ngựa giúp con người qua đèo dốc hiểm trở, ngựa để cưỡi đi “thăm trâu, thăm bò”, ngựa để đổi chác… “Người Lạch còn đi tìm bạn gái bằng ngựa đó. Hồi xưa, vùng Păng Tiêng, Đam Rông nghe tiếng vó ngựa người Lạch là nể rồi”, già K'Plin thổ lộ. Bởi thế, nên dân gian người Lạch có câu: Con ngựa Păng Tiêng tôi đã cưỡi/ Bông hoa Păng Tiêng tôi đã ngửi…

Già làng K’Plin cũng kể rằng, thuở còn hoang vu, vùng đất này đã có dấu chân ngựa hoang. Yàng Ndu tổ chức cuộc thi để thu phục muôn loài. Trâu và ngựa là hai con vật cuối cùng thua cuộc trước loài người. Từ đó, trâu trở thành linh vật hiến tế, còn vó ngựa trên cao nguyên núi đỏ, rừng xanh nam Tây Nguyên thì mãi gõ nhịp phục vụ con người.

Có thể bạn quan tâm