Vợ chồng người Jrai vui vầy bên đàn con nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không sinh thành nhưng một đời dưỡng dục những đứa trẻ mồ côi, đó là câu chuyện như cổ tích giữa đời thường về vợ chồng ông Kpuih Hyom (SN 1937) và bà Rơ Mah Boi (SN 1946) trú tại làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện biên giới Đức Cơ, Gia Lai.
Căn nhà rộng thênh thang nhưng chỉ một mình ông Hyom ở nhà, hỏi ra mới biết vợ ông đã cùng chị em phụ nữ trong làng đi lên rẫy từ sớm để đuổi bầy chim rừng về phá lúa. Đợi mãi, vợ chồng người con gái út của ông là chị Rơ Mah Hlíu và anh Rơ Mah Linh mới từ rẫy trở về. Ở cái tuổi như giọt nắng cuối chiều và sau cơn bạo bệnh, việc giao tiếp của ông Hyom trở nên khó khăn. Để câu chuyện được sáng rõ, chúng tôi phải nhờ sự “tiếp sức” của vợ chồng chị Hlíu.     
Cơ duyên với trẻ mồ côi
Ông Hyom kể rằng, trước kia, ông và bà Boi về ở cùng nhà bao nhiêu mùa rẫy mà vẫn chưa thể có với nhau một mụn con. Đã nhiều lần bà Boi muốn ông đi tìm một hạnh phúc mới, nhưng vì tình yêu với bà mà ông vẫn phớt lờ những điều bà nói. Nghĩ thì như vậy, nhưng ông vẫn luôn thầm ước 2 vợ chồng có một mụn con cho vui cửa, vui nhà.
Thời gian cứ thấm thoắt trôi, khi mái đầu của ông Hyom đã bắt đầu điểm bạc, ước mơ ấy của ông bà vẫn chỉ là mơ ước. Nhiều lúc nhìn bà Boi lầm lũi nuốt nỗi buồn vào trong, ông không khỏi chạnh lòng. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, khát khao về một ngôi nhà và những đứa trẻ của ông bà càng trở nên cháy bỏng. Rồi một ngày cuối năm 1975, khi ông bà vừa từ rẫy trở về thì nghe tin một người trong làng do lâm bệnh nặng mà chết, để lại bé Ksor Me khi đó vừa lên 5 tuổi, không nơi nương tựa. Nhìn thấy cô bé với đôi mắt ngây thơ, ông Hyom quyết định bàn với bà Boi đưa Me về nuôi. Thế là từ dạo ấy, gia đình ông bà có thêm một thành viên mới.
 Ông Kpuih Hyom và người con gái út Rơ Mah Hlíu. Ảnh: L.A
Ông Kpuih Hyom và người con gái út Rơ Mah Hlíu. Ảnh: L.A
Không lâu sau đó, vào một buổi chiều mưa, ông nghe tin vợ chồng một người quen trong dòng họ của bà Boi ở làng Trol Đeng (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) chẳng may lâm bệnh nặng qua đời, để lại 4 người con là Rơ Lan Di, Rơ Lan Nhung, Rơ Lan Nhil, Rơ Lan Hưng (nay đã mất) khi đó vừa lên 5, lên 7. Thương 4 đứa trẻ mồ côi, dù hoàn cảnh gia đình lúc đó vẫn đang phải chạy ăn từng bữa nhưng ông Hyom vẫn bàn với vợ nhận các cháu về nuôi. Hiểu được tấm lòng của ông, không cần suy nghĩ nhiều, bà Boi liền đồng ý. Không dừng lại ở đó, đến cuối năm 1990, biết tấm lòng từ bi của vợ chồng ông Hyom, một phụ nữ người Kinh vào làm ăn ở làng Đo (xã Ia Dơk) vì hoàn cảnh không thể nuôi đứa con gái nhỏ đã gửi con lại cho vợ chồng ông nuôi dưỡng. Không chút lưỡng lự, ông bà nhận lời nuôi đứa trẻ và đặt tên là Rơ Mah Hlíu, là người con gái út đang ở với vợ chồng ông bà hiện giờ.  
Hạnh phúc đơn sơ
Kể từ khi nhận những đứa trẻ mồ côi về nuôi, căn nhà của ông bà đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Nỗi buồn của ông bà dường như cũng tan biến vì họ luôn xem những đứa trẻ ấy như con mình đứt ruột đẻ ra. Thế nhưng, cũng từ đó cuộc sống của ông bà cũng trở nên vất vả, bận rộn hơn để lo cơm áo, gạo tiền cho cả gia đình. Những năm tháng ấy, vợ chồng ông Hyom không nề hà công việc gì, hết làm rẫy của gia đình lại đi làm thuê, miễn là có tiền trang trải cuộc sống và chăm lo cho những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Khi những đứa trẻ vào tuổi đến trường, vợ chồng ông bà cũng không quản khó khăn để tất cả các con đều được theo học con chữ. “Tất cả anh chị em đều được cha mẹ thương yêu, nuôi ăn học đầy đủ. Bản thân mình biết ơn cha mẹ nhiều lắm vì nếu không có cha mẹ, không biết bây giờ cuộc đời mình sẽ ra sao”-chị Rơ Mah Hlíu tâm sự.
Được sống trong tình yêu thương của vợ chồng ông Hyom, tất cả những người con của ông bà đều rất chăm chỉ học tập, làm ăn nên đến giờ kinh tế của gia đình già Hyom thuộc diện vững nhất làng. Ngoài nuôi dạy, khi con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng, ông bà đều cắt đất, làm nhà cho các con để ổn định cuộc sống. Đến nay, những đứa trẻ mồ côi ngày ấy đều đã có gia đình riêng, người chú tâm làm kinh tế, người trở thành công nhân cao su, cuộc sống ổn định. Luôn ghi nhớ tấm lòng trời biển của cha mẹ nuôi nên dù đã có gia đình riêng, 5 người con và 14 đứa cháu vẫn luôn quây quần sớm tối bên ông bà. “Vợ chồng tôi luôn xem các cháu như những đứa con mình đứt ruột sinh ra. Nhìn các con đều lớn khôn, cuộc sống ổn định, con cháu sum vầy như vậy thì không có hạnh phúc nào bằng”-ông Hyom nở nụ cười viên mãn.
Chia tay gia đình ông Hyom trong ánh chiều chạng vạng, tôi không khỏi tiếc nuối vì chưa gặp được bà Boi. Là bởi tôi nghe kể lại rằng, vợ chồng ông bà còn giúp đỡ cho rất nhiều gia đình khó khăn và những đứa trẻ mồ côi khác; nếu gặp được bà Boi, biết đâu câu chuyện cổ tích về tấm lòng cao cả của cặp vợ chồng người Jrai này sẽ còn dài hơn...
 LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.