Vợ chồng người Jrai có tấm lòng nhân hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng gia đình ông Rơ Lan Hít vẫn cưu mang 2 đứa trẻ nghèo khó, thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Tấm lòng nhân hậu của ông bà đã đem đến một tương lai đủ đầy cho những đứa trẻ không may.
Đến làng Ngo Le (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) không khó để tìm thấy nhà ông Hít, vì tấm lòng nhân hậu của họ khiến gần xa ai cũng biết đến. Năm 1984, ông Hít và bà Rơ Châm Phêm lấy nhau nhưng mãi chẳng có mụn con nào dù đã đi chữa trị nhiều nơi. Buồn lắm nhưng ông luôn động viên tinh thần bà, nếu không có con thì nhận con nuôi. Bé gái đầu tiên ông bà nhận nuôi từ năm 1999 là con của một gia đình Jrai trong làng, ông bà đặt tên con là Rơ Châm Lai. Bố ruột của Lai bị câm, gia đình rất khó khăn, người mẹ mang thai đôi nên khi hạ sinh đã quyết định chỉ nuôi 1 đứa và cho người khác 1 đứa. Biết chuyện, bà Phêm đến nhà động viên họ nuôi cả 2 đứa trẻ, có khó khăn bà sẽ cố gắng giúp đỡ nhưng họ không chấp nhận. Thuyết phục mãi không được, thương đứa trẻ khát sữa, ông bà xin đứa con về nuôi khi vẫn còn nguyên dây rốn. Bà ôm đứa con còn đỏ hỏn trong tay, còn ông đi mua sữa về pha loãng cho bé uống. Ông bà dành tất cả sự thương yêu, mong bù đắp những thiếu thốn về mặt tình cảm cho con. “Nhiều người trong làng khuyên, đã nhận con nuôi thì nên nhận những đứa ít nhất phải 5, 6 tuổi, chứ nhận chi đứa trẻ vừa mới sinh để chăm sóc cho mệt. Nhưng chúng tôi nghĩ có duyên thì con mới đến với mình; gia đình mình ăn gì thì con ăn cái đó, miễn sao vui là được”-bà Phêm chia sẻ.
 Vợ chồng ông Rơ Lan Hít và bà Rơ Châm Phêm xem lại những hình ảnh thuở nhỏ của 2 con gái nuôi. Ảnh: T.B
Vợ chồng ông Rơ Lan Hít và bà Rơ Châm Phêm xem lại những hình ảnh thuở nhỏ của 2 con gái nuôi. Ảnh: T.B
Năm 2008, ông bà nhận nuôi thêm một bé gái người Kinh. Họ đặt tên con là Rơ Châm H’Han. Ông bà không biết bố mẹ H’Han là ai, chỉ nghe thông tin: Bố mẹ H’Han khó khăn, em lại bị lở loét, da lột từng mảng nên khóc suốt ngày. Khi em bị bố mẹ bỏ rơi, một người dân bèn nhận nuôi. Thấy được tấm lòng của bà Phêm, người này quyết định giao lại đứa trẻ nhờ bà chăm sóc. Lúc này, H’Han mới được 3 tháng tuổi, người gầy còm, ốm yếu, ông bà phải đưa chữa trị ở bệnh viện gần 1 tháng mới lành bệnh. Nhờ tình thương và sự chăm sóc tận tình, H’Han lớn lên khỏe mạnh và được đến trường học chữ. Hiện tại, em đang học lớp 6 Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Ia Krêl), năm nào cũng được nhận giấy khen vì thành tích học tập tốt. Em còn biết đỡ đần bố mẹ việc nhà, đi nhặt điều thuê để kiếm tiền mua sách vở.
Trong câu chuyện kể, bà Phêm không giấu được nỗi buồn khi nói về đứa con đầu là Rơ Châm Lai. Niềm vui của gia đình không thể trọn vẹn khi họ phát hiện Lai bị tâm thần nhẹ. Năm Lai học lớp 1, em tiếp thu bài chậm và thỉnh thoảng lại lên cơn, do vậy đành nghỉ học. Đến nay Lai đã 21 tuổi, chỉ biết đi chăn bò, lúc nhớ lúc quên. Buồn thương nhưng thay vì quở trách thì họ lúc nào cũng kiên nhẫn, chăm sóc con từng tí một.
Em Rơ Châm Lai (bìa trái)-là con gái được ông Rơ Lan Hít và bà Rơ Châm Phêm nhận nuôi từ lúc mới sinh ra. Ảnh: T.B
Em Rơ Châm Lai (bìa trái)-là con gái được ông Rơ Lan Hít và bà Rơ Châm Phêm nhận nuôi từ lúc mới sinh ra. Ảnh: T.B
Khi tôi thắc mắc, liệu 2 đứa trẻ có biết ông bà không phải là bố mẹ ruột, thì ông Hít cho biết: “Cháu Lai đã lớn, bố mẹ ruột ở trong làng nhưng chẳng bao giờ hỏi thăm hay cho con miếng bánh. Hàng ngày, Lai đi chăn bò vẫn gặp mẹ nhưng cháu không hề nói chuyện và cũng chẳng bao giờ nhắc tên bố mẹ ruột. Những lúc lên cơn thì thế thôi, chứ bình thường Lai hay ôm bố mẹ thể hiện tình cảm lắm. Còn H’Han cũng nghe bạn bè nói mình là con nuôi, nhưng vì cháu còn nhỏ nên không tin, vẫn nghĩ bạn bè đùa giỡn”.
Cũng như bao gia đình Jrai khác ở làng Ngo Le, gia đình ông Hít chỉ biết làm rẫy, trồng cà phê để sinh sống. Hiện tại, ông bà sở hữu 600 cây cà phê, chịu khó chăm sóc và làm thuê thì cũng có thu nhập trang trải cuộc sống. Ngoài 2 đứa con, ông bà còn chăm sóc mẹ già đã 80 tuổi, thường xuyên đau ốm. Vất vả là vậy nhưng họ chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Chứng kiến con lớn khôn, mỗi ngày thêm tiếng cười đùa vui vẻ, mọi khó khăn đều vơi đi. Thỉnh thoảng, ông bà lại lấy những tấm hình chụp Lai và H’Han ngày nhỏ, kể những câu chuyện vui, tình cảm gia đình vì thế càng gắn bó hơn. Đó cũng là động lực để ông Hít và bà Phêm nỗ lực làm lụng kiếm thêm tiền lo cho các con có một tương lai tốt đẹp. Khi hỏi về bố mẹ, em Lai cho biết: “Bố mẹ thương 2 chị em lắm, dù khó khăn nhưng không để con thiếu thốn. Bố mẹ mua áo quần đẹp cho 2 chị em, mua sách vở cho em H’Han đi học. 2 chị em rất thương bố mẹ”.
Bà Rơ Mah H’Huy-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Krêl-cho biết: “Dù gia đình khó khăn nhưng ông Hít và bà Phêm đều nỗ lực vươn lên, cưu mang những đứa trẻ không may mắn. Họ là những người có tấm lòng nhân hậu, bao dung. Trong các hoạt động của Hội Phụ nữ, chúng tôi vẫn thường chia sẻ câu chuyện của gia đình bà Phêm để nhân lên những việc làm tốt đẹp, lan tỏa trong cộng đồng về lòng nhân ái”.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.