(GLO)- Tôi đang ở khá xa Pleiku, dự trại sáng tác của Tạp chí Văn Nghệ quân đội. Sáng nay, tôi nhận tin nhắn: Nghệ sĩ ưu tú Thảo Giang mất rồi.
Nghệ sĩ ưu tú Thảo Giang. |
Dẫu biết rằng rồi thì ông cũng phải đi theo các nghệ sĩ Tây Nguyên nổi tiếng khác như: Xu Man, Y Brơm, Hơ Ben... thôi, nhưng vẫn cứ xót.
Những nghệ sĩ Tây Nguyên thứ thiệt rồi cứ lần lượt đi, dù việc họ đi là hết sức đúng quy luật. Chả ai chống được mệnh trời, huống gì các ông đều đã thuộc tuổi “xưa nay hiếm”.
Tôi biết ông lần đầu tiên là dịp đầu năm 1982. Hồi ấy, đồng chí Trường Chinh vào thăm Gia Lai. Tôi được giao “phụ trách” một em bé sẽ hát bài “Em bé Tây Nguyên thăm vườn Bác”. Liên hệ với Đoàn Đam San để ráp nhạc thì được giới thiệu đến gặp anh Nhếch. Tìm xuống phòng thì thấy môt ông đang cởi trần luyện goong. Thì ra ông nghệ sĩ Thảo Giang này tên thật là Nhếch. Mới trông ông râu tóc rất hãi, lại cứ lừ lừ. Nhưng hóa ra ông rất thoải mái. Ông nói tiếng phổ thông díu díu: "Chiều chở nó đến đây ráp, một lần thôi, yên tâm". Chiều tôi đạp xe tới đón cháu ở đường Sư Vạn Hạnh đến phòng ông, cái phòng bé tẹo ở khu tập thể Đoàn Đam San trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Ông lấy cây Accordion ra đệm cho cháu hát. Ha ba lần chi đó thì xong. Hôm diễn, tôi lại tới đón cháu chở đến hội trường. Và khi này ông hóa thân thành một người khác, ông Tây Nguyên thứ thiệt với râu tóc tôi đã thấy và bộ áo Tây Nguyên.
Khá thăng trầm trong đời nhưng ông cứ lẳng lặng sống. Là người gắn với cây đàn goong và cùng nó nổi danh nhưng ông cũng chơi được nhiều nhạc cụ khác. Với cây đàn goong tôi đã viết hẳn một kịch bản về ông và đạo diễn tài hoa Đoàn Huy Giao đã làm một phim tài liệu về ông, rất hay, hình như được huy chương trong một cuộc liên hoan nào đấy.
Sinh ra và lớn lên ở làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, như mọi người Bahnar khác, ông có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, học văn hóa và nghệ thuật rồi về Đoàn văn công Tây Nguyên. Sau năm 75 thì theo Đoàn nghệ thuật Đam San về tỉnh Gia Lai-Kon Tum, rồi khi hết tuổi biểu diễn thì về Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật dạy, chỉ đúng một món, một bài, là đàn goong. Hồi ấy, tôi cũng được mời giảng ở trường này, có lần nói đùa, có 2 ông dạy nhàn nhất, một là ông dạy ký họa, chỉ bê cái tượng đầu lâu lên, để kịch đấy, chả phải nói gì, hết giờ chấm bài. Và 2 là ông Thảo Giang. Một thầy một trò. Ông lên lớp, nói ít câu rồi... chơi đàn. Sau đấy ngồi, gật gù nghe/xem học trò chơi. Cứ thế ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Nhưng hóa ra học trò ông, sau này khối người nổi tiếng, từ cái món đàn goong ấy.
Cây đàn goong của ông là đàn đã cải tiến. Nguyên thủy nó là cây đàn của một người chơi cho một người nghe. Nhỏ và cũng đơn điệu nữa, dùng để thổ lộ tình yêu. Ông đã cải tiến để có thể diễn trên sân khấu. Từ nguyên thủy 8 dây ông nâng lên thành 14 dây và có bầu cộng hưởng để có thể tăng âm. Cũng có nhiều ý kiến về sự cải tiến này. Nhưng ông thì quyết tâm theo nó bởi chỉ như thế thì mới giới thiệu được “đặc sản” của mình ra với nhiều người. Và ông thành công.
Và ông còn sáng tác nữa, có mấy bản nhạc ông sáng tác thường được học trò chọn biểu diễn, trong đó có nhạc sĩ Ngọc Anh ở Nha Trang. Anh này diễn goong phiêu hơn thầy. Nếu ông Thảo Giang chìm đắm vào cảm xúc, thu lu một chỗ, tất cả dồn vào tiếng đàn, còn chút ít thì hiện lên ở ánh mắt, khuôn mặt, thì Ngọc Anh làm tung sân khấu lên, tưng bừng sân khấu lên, cây đàn goong như con chuồn chuồn đậu khắp mọi ngõ ngách trên cái sân khấu rộng rinh kia, hoan hỉ và reo vang. Ngọc Anh bảo, tôi vẫn học cơ bản của Thảo Giang, nhưng phăng thêm một tí, chứ chả lẽ lại có tới... 2 ông Thảo Giang.
Khi ông về hưu, lại cũng ở gần tôi, chung cư Lê Lợi, tôi ở ngõ phía trên. Ông hay dắt đứa con gái đi ăn sáng, hiền lành và có vẻ gì đấy rụt rè ngơ ngác dù dáng ông vẫn có gì đấy dữ dữ. Tôi đọc được sự cô đơn và cả bất lực trong ông. Thì cũng phải thôi. Tuổi tác thế, sức khỏe thế, đến một lúc rồi tất cả phải buông xuôi mà thôi.
Nhưng mà cuộc đời được như ông kể cũng chả mấy người. Có con trưởng thành và cũng nối nghiệp cha (nhạc sĩ Thảo Nam Giang là con trai ruột của ông), có thành tựu để lại, được nhiều người nhớ và tiếc. Từ sáng giờ, trên facebook thấy có rất nhiều người bày tỏ sự thương tiếc vĩnh biệt ông. Tôi cũng thế, ở xa không về được, đành bày tỏ sự tiếc thương ông trên một số trang facebook của bạn bè, nhờ họ thắp hương hộ.
Xin vĩnh biệt ông, người nghệ sĩ bình dị của Tây Nguyên, của Gia Lai, người con của dân tộc Bahnar làng Pờ Yầu, nơi ấy tôi đã đến, và tôi cũng nhớ anh Đoàn Huy Giao đã chỉ đạo quay được một cảnh rất đẹp, rất hùng vĩ ở làng ông. Ông ngồi ôm cây đàn goong, tóc râu lặng phắc, phía trên, trời bầm như máu, những đám mây vần vũ, rừng lùi vào xa tít. Từng tiếng goong thả vào đêm như nỗi khắc khoải của rừng. Giờ, linh hồn ông lại về đấy, với làng, với Bahnar của ông...
Văn Công Hùng