Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên giải thích kết quả xét nghiệm Covid-19 'lúc dương lúc âm'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kết quả xét nghiệm Covid-19 lúc dương tính, lúc âm tính của hai vợ chồng chủ phòng khám trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) gây hoang mang, nghi ngờ khiến Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phải giải thích.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan một ca nhiễm Covid-19 ở Buôn Ma Thuột. ẢNH: SỞ Y TẾ ĐẮK LẮK
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan một ca nhiễm Covid-19 ở Buôn Ma Thuột. ẢNH: SỞ Y TẾ ĐẮK LẮK
Ngày 20.7, một lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ (VSDT) Tây Nguyên xác nhận đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Đắk Lắk, giải thích về kết quả xét nghiệm Covid-19 lúc âm tính, lúc dương tính của một số trường hợp trong thời gian qua.
Theo Viện VSDT Tây Nguyên, vừa qua có nhiều người hoang mang, nghi ngờ kết quả xét nghiệm của Viện đối với trường hợp của vợ chồng ông L.Q.T (54 tuổi) và bà Đ.T.M.H (50 tuổi, cùng trú TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Theo điều tra dịch tễ, trưa 16.7, ông N.Đ.N (72 tuổi, trú P.Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) đến phòng khám của ông T. (trên đường Trần Nhật Duật) để khám bệnh. Đến ngày 17.7, con trai ông N. (bệnh nhân N.T.H, nhân viên nhà xe T.O) được xác định dương tính với Covid-19.
Do đó, ngay tối 17.7, Viện VSDT Tây Nguyên đã lấy mẫu bệnh phẩm của vợ chồng ông T., bà H. để xét nghiệm. Sau khi thực hiện xét nghiệm 2 lần, cả ông T. và bà H. đều có kết quả dương tính (yếu) với Covid-19, nguy cơ lây nhiễm thấp.
Cũng theo Viện VSDT Tây Nguyên, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), Sở Y tế Đắk Lắk theo nguyên tắc chủ động ngăn chặn trước một bước, cho điều tra, phòng ngừa, đưa các F1 xét nghiệm khẩn cấp bằng phương pháp RT-PCR. Tất cả các trường hợp F1 của ông T. và bà H. đều cho kết quả âm tính.
Ngày 18.7, CDC Đắk Lắk tiếp tục lấy mẫu của vợ chồng ông T. để xét nghiệm và cho kết quả âm tính với Covid-19. Ngày 19.7, Viện VSDT Tây Nguyên tiếp tục xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của vợ chồng ông T. cùng cho kết quả âm tính.
Viện VSDT Tây Nguyên giải thích, có 2 tình huống dẫn đến trường hợp trên.
Tình huống 1: là trường hợp “Vãng khuẩn”, tức là đối tượng hít phải vi rút nhưng vi rút chưa xâm nhập vào tế bào. Dẫn đến khi lấy mẫu quét được vi rút vãng lai trên bề mặt tế bào, song tải lượng vi rút rất ít (CT trên 35). Trong tình huống này, khi lấy mẫu lần thứ nhất đã quét hết hoặc gần hết vi rút vãng lai. Sau 24 giờ, khi lấy mẫu lần 2 thì không còn vi rút và kết quả âm tính là hợp lý.
Tình huống thứ 2: Vi rút đã xâm nhập vào tế bào nhưng ở giai đoạn mới nên đào thải ít, vì vậy dương tính yếu, nguy cơ lây nhiễm không cao. Khi lấy lại mẫu lần 2 quá gần (dưới 24 giờ) có thể vi rút chưa đào thải được dẫn đến mẫu lần 2 cho kết quả âm tính. Do đó, cả 2 phòng thí nghiệm đều cho kết quả âm tính cũng đúng.
Từ những nhận định trên, Viện VSDT Tây Nguyên đề nghị với Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Đắk Lắk tiếp tục duy trì công tác phòng dịch chủ động nhưng không công bố ca bệnh.
Đến ngày 21.7 (tức 3 ngày sau, kể từ lần lấy mẫu cuối cùng đối với vợ chồng ông T. - PV) sẽ tiếp tục lấy mẫu của vợ chồng ông T. và tất cả các F1 để xét nghiệm Covid-19. Nếu tất cả là âm tính thì sẽ rơi vào tình huống 1 ở trên, khi đó sẽ cho dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch liên quan đến vợ chồng ông T. Ngược lại, nếu dương tính, phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 mạnh hơn.
Theo Trung Chuyên-Hoàng Bình (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.