(GLO)- Đầu năm nay Bộ Chính trị ra chỉ thị (số 33, ngày 3-1-2014) về việc lãnh đạo kê khai tài sản trong một số cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật phòng-chống tham nhũng. Và sau đó, để tổ chức thực hiện Chỉ thị nói trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai cũng đã ban hành Thông tri (số 20, ngày 3-3-2014) hướng dẫn thực hiện đến tổ chức cơ sở đảng. Vấn đề được quan tâm trong việc này là, những năm qua tuy có sự tự kê khai tài sản trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định, nhưng việc kê khai ấy còn mang tính hình thức, việc công khai tài sản, xác minh, xử lý các đối tượng vi phạm trong kê khai chưa thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.
Đấy là vấn đề khó, tâm lý chung của mọi người là không muốn công khai tỉ mỉ những gì mình có, đó là nói về tài sản, thu nhập chính đáng từ sức lao động của mình, còn nói về sự “thu nhập khác” thì càng không thể muốn cho người ngoài gia đình biết. Một thực tế mà ai cũng có thể hiểu, biết là nhiều cán bộ tự nhiên lại giàu lên, có biệt thự, ô tô riêng, đất đai, vườn tược mênh mông, tiêu xài, mua sắm thoải mái. Thế nhưng không dễ nó được người sở hữu kê khai đầy đủ và minh bạch, công khai; điều “tế nhị” này cần có chế tài xử lý.
Từ sau khi có các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về hành vi tham nhũng thì đã có chủ trương và nó được thực hiện kê khai tài sản trong các trường hợp có sự thay đổi môi trường làm việc liên quan đến “vùng nhạy cảm” dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức. Xác minh, đối chiếu, so sánh giữa khối tài sản “phát sinh” mới với lần kê khai tài sản đầu tiên là không khó, nếu các tổ chức có trách nhiệm muốn làm và coi nó là công việc thường xuyên, nghiêm túc trong phòng-chống tham nhũng, còn ngược lại thì như hiện chúng ta đã biết.
Kinh tế thị trường tác động, đã làm cho một bộ phận người dân bị phân hóa mạnh, những người có kiến thức, có kinh nghiệm, có vốn và biết sử dụng đồng vốn, có thông tin, biết chọn cái gì để đầu tư và cơ chế cho phép thì thu nhập ngày càng cao, sự giàu có là đương nhiên. Ngược lại, một bộ phận số đông bị đẩy xa ra so với số ít giàu có nói trên, họ vốn thiếu nhiều thứ, và bị “bần cùng hóa tương đối” là điều khách quan. Cái chung là vậy, riêng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chức có quyền so với nhân viên, người không có chức quyền thì có sự phân hóa nào không? Không thể đưa “lý thuyết” về kinh tế thị trường vào đây để biện minh cho sự giàu có bất thường của một bộ phận người có chức có quyền.
Cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, người trong biên chế nhà nước muốn làm gì liên quan đến kinh tế ngoài thị trường thì đã có các văn bản pháp luật điều chỉnh, có quy định của Đảng khá chặt chẽ. Như vậy bằng cách nào mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức có chức quyền có thể làm giàu, và rất giàu mà nói đó là thu nhập chính đáng? Cán bộ, đảng viên đương chức, trong biên chế nhà nước, không thể cứ phải sống trong nghèo khó, dựa vào những đồng lương vốn luôn luôn bị giá cả thị trường đẩy xa thực tế, nhưng muốn làm giàu thì phải làm những điều mà luật pháp cho phép, hoặc không cấm, mà đã là thế thì cơ hội làm giàu nhanh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chức quyền, e không dễ.
Kê khai và công khai minh bạch tài sản của cán bộ lãnh đạo, quản lý là một trong những biện pháp phòng-chống tham nhũng có hiệu quả. Để kết thúc mấy ý có tính chất nêu vấn đề để cùng trao đổi (nếu bạn quan tâm), tôi trích dẫn một đoạn trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề liên quan: “... đấu tranh phòng-chống tham nhũng là một công việc lâu dài, rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trong đó phòng phải là cơ bản, chống phải làm quyết liệt. Tốt nhất là đừng để nó xảy ra; phải tìm cách ngăn chặn, răn đe trước, làm cho người ta không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng... Còn khi đã xảy ra rồi thì phải kiên quyết xử lý; xử lý thật nghiêm, đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm cũng là biện pháp phòng tích cực”- (Báo Tuổi Trẻ, thứ hai, ngày 13-1-2014).
Bích Hà