68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2023)

Vị tướng đầu tiên của Bệnh viện Quân y 175

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2), PGS-TS-BS Nguyễn Hồng Sơn (nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175) đã gửi cho Thanh Niên bài viết về người thầy ảnh hưởng đến cuộc đời ông từ khi mới vào nghề y và đến bây giờ.

23 tuổi, tốt nghiệp Học viện Quân y, với nhiệt huyết, khát vọng của một bác sĩ trẻ, tôi về khoa Hồi sức Bệnh viện Quân y 175 và gắn bó như một định mệnh đến bây giờ.

Hơn 40 năm qua, từ khi là sinh viên cho đến suốt quãng đường hoạt động chuyên môn, tôi may mắn được gần gũi rất nhiều giáo sư (GS) đầu ngành. Bệnh viện Quân y 175 lúc đó có rất nhiều GS nổi tiếng: GS Đỗ Đình Luận, GS Nguyễn Địch, GS Đỗ Dung Dịch, GS Thái Văn Di, GS Phạm Văn Cự, GS Lê Thân, GS Lê Minh Đại…

Tôi đã được học rất nhiều điều ở họ, những thầy thuốc thực sự uyên bác, mỗi người một chuyên ngành, một phong thái, một tính cách…

Nhưng có một người tôi chỉ được gần gũi trong vài năm nhưng đã học được ở ông rất nhiều bài học về người, về nghề… Đó là Chú Ba (tên thật Đỗ Hoài Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175), cái tên mọi người gọi chú với tất cả niềm yêu thương, kính trọng.

Tôi nhận ra những điều trước đây chỉ nghe về Chú Ba với "đôi bàn tay vàng", hay những câu chuyện của người lính đã trở thành truyền thuyết: "Chiến dịch này ra trận mà có bác sĩ Hoài Nam là yên tâm rồi", đã trở thành hiện thực khi được làm việc cùng ông.

Thiếu tướng Đỗ Hoài Nam (bên phải) đón tiếp thiếu tướng Nguyễn Thị Định, nguyên Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đến thăm Bệnh viện Quân y 175 vào năm 1986. Ảnh: BVCC

Thiếu tướng Đỗ Hoài Nam (bên phải) đón tiếp thiếu tướng Nguyễn Thị Định, nguyên Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đến thăm Bệnh viện Quân y 175 vào năm 1986. Ảnh: BVCC

Những năm 85 - 89 của thế kỷ 20, tuy mặt trận không còn nóng bỏng nhưng số lượng thương bệnh binh về Bệnh viện Quân y 175 vẫn đông. Thương bệnh binh có thể về trực tiếp từ mặt trận hoặc từ các bệnh viện tuyến dưới bằng đường bộ và đường không. Có lúc thương bệnh binh về vài người nhưng cũng có lúc vài chục người, thiếu giường thì nằm băng ca… Phòng mổ hầu như sáng đèn cả ngày lẫn đêm, các phẫu thuật viên làm việc liên tục.

Khoa Hồi sức nằm ngay cạnh khu cấp - chẩn (cấp cứu, hội chẩn) và phòng mổ. Hàng đêm tôi ngủ lại khoa để có cơ hội tham gia tất cả những ca cấp cứu để mong muốn mau chóng tích lũy được nhiều thực tiễn lâm sàng của một bác sĩ trẻ mới ra trường, và đó là cơ duyên để tôi được gần Chú Ba.

Hội chẩn là phải phát huy được hết trí tuệ tập thể, phải thống nhất được chẩn đoán và lựa chọn chỉ định điều trị thích hợp, phải có chính kiến của mình. Không lấy hội chẩn làm nơi đùn đẩy trách nhiệm, thuận chiều rút lui để an toàn cho bản thân

Một tấm lòng tận tụy

Với trách nhiệm Phó giám đốc bệnh viện, kiêm Tổng chủ nhiệm Khối ngoại, hầu như tối nào Chú Ba cũng xuất hiện ở khoa Hồi sức để kiểm tra những bệnh nhân nặng, hội chẩn, chỉ đạo những ca mổ rồi trực tiếp tham gia những ca mổ khó, mổ lại…

Có rất nhiều ca phức tạp, nặng, khó… có thể chết ngay trên bàn mổ hoặc dự báo thất bại, nhưng trong trạng thái tận cùng, Chú Ba đều nhận trách nhiệm về mình. Chú Ba động viên các đồng nghiệp: "Anh cứ mổ đi, tôi sẽ đứng cạnh anh, tôi sẽ chịu trách nhiệm, tôi sẽ vào nếu anh không giải quyết được".

Thiếu tướng Đỗ Hoài Nam (giữa, đeo kính) đón đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm Bệnh viện Quân y 175 vào năm 1986. Ảnh: BVCC

Thiếu tướng Đỗ Hoài Nam (giữa, đeo kính) đón đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm Bệnh viện Quân y 175 vào năm 1986. Ảnh: BVCC

Chú Ba dặn: "Hội chẩn là phải phát huy được hết trí tuệ tập thể, phải thống nhất được chẩn đoán và lựa chọn chỉ định điều trị thích hợp, phải có chính kiến của mình. Không lấy hội chẩn làm nơi đùn đẩy trách nhiệm, thuận chiều rút lui để an toàn cho bản thân".

Chú cũng răn dạy: "Nghề ngoại khoa, kết quả thành công, thất bại, đúng sai rõ ràng nên phải hết sức thận trọng nhưng đừng vì thận trọng, an toàn mà làm mất cơ hội cứu sống hoặc làm người bệnh nặng thêm.

Phải bản lĩnh đối diện với những thất bại, rút kinh nghiệm một cách trung thực, thẳng thắn thì mới tiến bộ được. Không được chùn bước và tự lừa dối mình, phải đặt sinh mệnh của người bệnh lên hàng đầu. Không được đặt cái tôi của mình hoặc bất cứ điều gì khác lên trên…

Các con còn trẻ, được đào tạo bài bản, ráng cố gắng học tập, rèn luyện để thành người, thành nghề".

Thiếu tướng Đỗ Hoài Nam trong 1 lần đi khám bệnh. Ảnh: BVCC

Thiếu tướng Đỗ Hoài Nam trong 1 lần đi khám bệnh. Ảnh: BVCC

Bàn tay khéo léo và khả năng phẫu thuật thiên bẩm

Thời đó, X-quang là giá trị chẩn đoán hàng đầu, nhưng với tôi, có lẽ Chú Ba chỉ cần đôi bàn tay, cách nhìn, cách khám đã có thể quyết định mổ hay không.

Sự thảm khốc của chiến tranh cho tôi được tận mắt chứng kiến những tổn thương vô cùng ám ảnh, đau xót trên cơ thể người lính.

Những ổ khuyết biến dạng mặt hàm, những vết thương nhiễm trùng toác ngực bụng để lộ quả tim đang đập, những quai ruột đang nhu động hoặc đóng bánh, những ổ hoại tử ăn sâu vào khối cơ mông, cơ lưng lúc nhúc giòi bọ…

Nhưng với tình huống ấy, Chú Ba điềm đạm nói: "Cứ bình tĩnh con ạ, ta sẽ có cách hết, cứ kiên nhẫn, bền bỉ giải quyết từng giai đoạn một. Anh em đã về đến đây mình phải ráng cố gắng cứu sống họ, chăm sóc, hồi sức tốt mới có cơ hội phẫu thuật thành công. Chú giao cho con bằng mọi cách phải cứu sống ca này… Tôi hãnh diện, tự hào nhưng vô cùng lo lắng".

Nghề ngoại khoa, kết quả thành công, thất bại, đúng sai rõ ràng nên phải hết sức thận trọng nhưng đừng vì thận trọng, an toàn mà làm mất cơ hội cứu sống hoặc làm người bệnh nặng thêm

Là bàn tay "đại đao" trong phẫu thuật ngoại khoa, nhưng Chú Ba vẫn trực tiếp hoặc chỉ đạo thay băng cho những ca mổ nặng, chỉ bảo chi tiết cách cắt lọc hoại tử, bộc lộ động tĩnh mạch.

Chú Ba nói về vai trò của những con giòi dọn dẹp ổ hoại tử trong ngóc ngách tổn thương, cách tưới rửa ổ bụng cho những bệnh nhân viêm phúc mạc toàn thể, cách lọc màng bụng cho những bệnh nhân suy thận do sốt rét nặng...

Tất cả những kinh nghiệm nhỏ nhoi tưởng như giản đơn vậy, nhưng vẫn ăn sâu trong kinh nghiệm của một nhà ngoại khoa dã chiến kỳ cựu, và cũng có khi từ những điều nhỏ nhoi vậy mà đã cứu sống biết bao nhiêu đồng đội của ông.

Điều thú vị là Chú Ba có thể mổ từ đầu đến chân, chẳng hiểu chú học như thế nào để có một kiến thức, khả năng và kinh nghiệm nhiều như vậy? Khi thấy tôi thắc mắc, Chú Ba bảo: "Ngoại khoa dã chiến là phải khẩn trương để cứu sống người bệnh qua cơn nguy kịch, nhưng cũng phải biết tiết kiệm từng mẫu da, từng khối cơ của người bệnh. Những tổn thương sóng nổ - sức ép, đạn thẳng, mảnh mìn… phải biết đánh giá đúng tính chất tổn thương, ưu tiên phẫu thuật cấp cứu".

Bệnh viện Quân y 175 được giao nhiệm vụ triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Ảnh: Duy Tính

Bệnh viện Quân y 175 được giao nhiệm vụ triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Ảnh: Duy Tính

Tinh thần an nhiên tự tại

Tác phong, dáng đi, giọng nói của Chú Ba toát lên vẻ tin tưởng, yên tâm cho người đối diện, chân tình và ấm áp.

Chú Ba ở ngay trong tập thể bệnh viện nên thời gian của ông hầu hết dành cho người bệnh. Hình ảnh quen thuộc của ông với mọi người trong bệnh viện cuối buổi chiều là ngắt lá cho dê ăn hoặc tắm cho bầy heo tăng gia.

Những lúc ấy, có bác sĩ chạy lại báo: Chú Ba ơi, có bệnh nhân thủng tạng rỗng. Chú Ba hỏi: Sinh hiệu ổn không? Dạ ổn chú, vị bác sĩ đáp. Chú Ba bảo: Hoàn thiện bệnh án thủ tục đi, chú cho con dê nốt mấy cái lá rồi chú lên…

Rồi có hôm bác sĩ khác báo: Chú Ba ơi, có bệnh nhân sốc đa chấn thương nặng lắm. Chú bảo đẩy vào phòng mổ đi rồi chú lên liền…

Chú Ba cứ mặc định đấy là việc thông thường, không thứ bậc, không quan cách. Ông cứ khoan thai, nhẹ nhàng trong từng bước đi; từ tốn vê điều thuốc rê đặt lên miệng nhưng thẳm sâu trong đôi mắt hiền từ kia của ông còn ẩn chứa bao điều…

Trực thăng cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Duy Tính

Trực thăng cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Duy Tính

Bệnh viện Quân y 175 đề nghị phong Anh hùng lực lượng vũ trang lần thứ hai cho Chú Ba, chú nói tất cả mọi cái thì Đảng, Nhà nước, Quân đội đã mang lại cho chú là quá đủ rồi.

Từ một anh nông dân miệt vườn theo cách mạng, trở thành một đại tá quân y là điều chẳng bao giờ ông nghĩ tới. Rồi ông trở thành Viện trưởng. Rồi tôi đi học sau đại học... Rồi Chú Ba gặp bạo bệnh, sức khỏe suy kiệt quá nhanh…

Chú Ba được phong quân hàm thiếu tướng, vị tướng đầu tiên của Bệnh viện Quân y 175 và ngành quân y phía nam. Ngày trao quyết định phong tướng, Chú Ba không còn đủ sức để mặc bộ lễ phục vinh dự và cao quý, ông đã vĩnh viễn ra đi vào những ngày cuối tháng 8.1990.

Với tôi, ông như một người cha, người thầy dẫu không học hàm, học vị. Chú Ba không một giờ trên bục giảng nhưng ông đã cho tôi rất nhiều bài học quý giá về người, về nghề. Điều lớn nhất cho tất cả chúng ta học được ở ông, là "một nhân cách lớn trong con người bình dị".

Sân đổ trực thăng cấp cứu đường không tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Duy Tính

Sân đổ trực thăng cấp cứu đường không tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Duy Tính

Thiếu tướng Đỗ Hoài Nam (tên thường gọi Đặng Văn Nhị), sinh ngày 24.6.1931, mất vào tháng 8.1990. Nguyên quán ở H.Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).

Trình độ chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa cấp II

Danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Thầy thuốc nhân dân

Chức vụ: Nguyên Cục phó Cục Quân y - kiêm Viện trưởng Quân y viện 175 (nay là Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng).

Viện Chấn thương chỉnh hình có sân đổ trực thăng cấp cứu đường không. Ảnh: Duy Tính

Viện Chấn thương chỉnh hình có sân đổ trực thăng cấp cứu đường không. Ảnh: Duy Tính

Bệnh viện Quân y 175 là bệnh viện đa khoa tuyến cuối phía nam (tại Q.Gò Vấp, TP.HCM). Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh chức năng là Trung tâm nghiên cứu y học quân sự, cơ sở đào tạo sau đại học của Bộ Quốc phòng, bệnh viện còn được giao nhiệm vụ là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa sâu tuyến cuối của toàn quân, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ, lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước; tổ chức khám, thu dung, điều trị bệnh nhân là quân nhân thuộc khu vực phía nam.

Bệnh viện Quân y 175 tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, dịch vụ y tế cho nhân dân. Đặc biệt bệnh viện được giao nhiệm vụ triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc; bảo đảm cấp cứu, thu dung điều trị cho lực lượng quân đội, nhân dân Trường Sa và Quân đội Hoàng gia Campuchia.

Bệnh viện Quân y 175 xây dựng mới Viện Chấn thương chỉnh hình (500 giường) có sân đổ trực thăng cấp cứu đường không. Bệnh viện đa khoa 175 (1.000 giường) đang gần hoàn thiện.

Hiện mỗi ngày, bệnh viện điều trị từ 2.000 - 2.400 bệnh nhân ngoại trú và khoảng 1.300 bệnh nhân nội trú; thực hiện cấp cứu khẩn cấp khoảng 130 - 140 ca.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.