Vị thế Đắk Lắk trên hành trình nửa thế kỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nửa thế kỷ đi qua, từ tro tàn chiến tranh và muôn vàn khó khăn, Đắk Lắk đã vươn mình trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội năng động của vùng Tây Nguyên.

Khẳng định vị thế trung tâm vùng

Ngày 24/3/1975 đã đi vào lịch sử, đánh dấu mốc hòa bình, tự do cho Đắk Lắk. Tuy nhiên, sau ngày giải phóng, tỉnh Đắk Lắk phải hứng chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Hạ tầng kinh tế - xã hội gần như bị phá hủy hoàn toàn. Nền kinh tế với bức tranh nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp. Công nghiệp, thương mại gần như chưa có. Y tế, giáo dục thiếu thốn nghiêm trọng, trong khi đời sống vật chất, tinh thần của người dân vô cùng khó khăn, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trước những thử thách cam go, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết và ý chí tự lực, tự cường từng bước vượt qua khó khăn, gặt hái những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực.

Cánh đồng điện gió ở xã Ea Nam (huyện Ea H'leo). Ảnh: Nguyễn Gia
Cánh đồng điện gió ở xã Ea Nam (huyện Ea H'leo). Ảnh: Nguyễn Gia

Kinh tế của tỉnh đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp truyền thống, tăng cường phát triển công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tỉnh đã thành công trong việc định hướng phát triển kinh tế vùng, liên vùng, hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung và các ngành kinh tế mũi nhọn.

Minh chứng rõ nét nhất cho sức bật này là năm 2024, quy mô nền kinh tế của Đắk Lắk đạt 141.326 tỷ đồng, vươn lên dẫn đầu khu vực Tây Nguyên. GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 72,8 triệu đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng 1.650 triệu USD, cao nhất khu vực Tây Nguyên. Những con số này không chỉ thể hiện năng lực sản xuất mà còn khẳng định khả năng hội nhập quốc tế. Cà phê vẫn là niềm tự hào và mũi nhọn kinh tế khi Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm quan trọng về sản xuất, chế biến và văn hóa cà phê. Trong giai đoạn 2015 - 2024, Đắk Lắk đã thu hút được hơn 400 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 98.000 tỷ đồng, minh chứng cho sức hấp dẫn và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện. Việc phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn, thương mại dịch vụ hiện đại và định hướng nông nghiệp công nghệ cao, bền vững đang mở ra những triển vọng mới cho nền kinh tế của tỉnh.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, hệ thống y tế, giáo dục được đầu tư, hoàn thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn thay đổi đáng kể. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết phát triển kinh tế với văn hóa và du lịch luôn được chú trọng. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa. Tỉnh cũng đặt mục tiêu xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và đối tượng chính sách trong năm 2025.

Song song với phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được đặc biệt chú trọng. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, tạo môi trường ổn định, an toàn cho sự phát triển. Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, hướng tới xây dựng chính quyền số, công dân số, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Khát vọng vươn tầm

Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đắk Lắk trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống; vươn lên trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng đứng đầu cả nước. Theo đó, các trụ cột phát triển chiến lược bao gồm tái cơ cấu nông nghiệp hiện đại, phát triển du lịch gắn với văn hóa và nông nghiệp đặc sắc, cùng với đẩy mạnh các ngành dịch vụ và công nghiệp.

Những dự án hạ tầng trọng điểm, điển hình là tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được triển khai, hứa hẹn tạo ra đột phá về kết nối, giao thương và thu hút đầu tư, củng cố thêm vị thế trung tâm của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh chuyển đổi số là những yếu tố then chốt để hiện thực hóa khát vọng “giàu đẹp, văn minh, bản sắc”.

Chế biến chuối xuất khẩu tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc. Ảnh: Nguyễn Gia
Chế biến chuối xuất khẩu tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc. Ảnh: Nguyễn Gia

Chủ trương hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên thành tỉnh Đắk Lắk mới với diện tích trên 18.000 km2 và quy mô dân số trên 3,3 triệu người với mối liên kết “rừng - biển” có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế biển, cảng biển sẽ tạo động lực mạnh mẽ trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng xanh - bền vững.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung khẳng định: "Trên hành trình vươn tới, tỉnh Đắk Lắk tập trung gắn tăng trưởng kinh tế với việc giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc và không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, Đắk Lắk tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đi đôi với xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ".

Theo Nguyễn Xuân (Báo Đắk Lắk)

Có thể bạn quan tâm