Vì sao thương lái Trung Quốc đặt mua bọ sọc giá 1-2 triệu/kg?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc thương lái Trung Quốc đặt mua bọ sọc giá 1-2 triệu/kg về làm thuốc hay mục đích nào rất khó nắm rõ, tương tự như việc mua đỉa và đuôi trâu trước đây.
 
Bọ 3 sọc được thương lái Trung Quốc thu mua với mức giá "trên trời" từ 1-2 triệu đồng/kg. Ảnh: Dân Việt 
Liên quan đến sự việc người dân các tỉnh Tây Nguyên đang săn lùng loại bọ 3 sọc (còn gọi là sâu ban miêu hay sâu đậu) để bán cho thương lái Trung Quốc với mức giá đắt đỏ, trao đổi với báo Tri Thức Trực Tuyến, ông Nguyễn Quý Dương - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: Việc thương lái Trung Quốc thu mua loài sâu ban miêu là buôn bán, kinh doanh mang tính chất tiểu ngạch, thu mua gom theo kiểu vài cân một.
Thực chất thương lái Trung Quốc thu mua về làm thuốc hay mục đích nào đó khó nắm rõ.
Trước đây, trường hợp thương lái Trung Quốc thu mua các mặt hàng như giun đất, đỉa hay đuôi trâu… cũng tương tự vậy.
Theo ông Dương phân tích, sâu ban miêu là loài dịch hại phát triển ngoài đồng ruộng, không có ích với cây trồng nên việc người dân đổ xô bắt bán cho thương lái Trung Quốc không gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
“Thông thường, chúng ta sẽ quản lý các loài sâu bọ được nhập từ nước ngoài về Việt Nam. Còn với trường hợp sâu ban miêu được mua bán đem qua biên giới thì không có vấn đề gì”, ông Dương nói.
Khi được hỏi về việc, với mức giá “trên trời” lên tới 1-2 triệu đồng/kg, liệu có lo ngại tình trạng người dân có thể nuôi loài sâu ba miêu này hay không, ông Dương nhấn mạnh: “Sâu ban miêu là loài dịch hại nên nhân nuôi loài này là vi phạm quy định. Nếu phát hiện người dân nhân nuôi thì phải cảnh báo việc đó”.
Mặc dù là loài dịch hại nhưng xét về góc độ y học, sâu ban miêu có công dụng làm thuốc rộp da để gây mụn dẫn độc hoặc làm thuốc tụ bệnh.
Tuy nhiên, trong loại sâu ban miêu có độc tố nên quá trình sử dụng làm thuốc, thậm chí khi bắt cần hết sức thận trọng. Nếu không may bị ngộ độc sâu ban miêu thường rất đau đớn và có thể dẫn đến tử vong.
Liên quan đến sự việc, báo Dân Việt đưa tin, đã có một số người phải nhập viện vì những triệu chứng như bỏng ngứa, nóng sốt. Mới nhất là ngày 23/8, chị Nguyễn Thị Yên (xã Diên Bình) được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum điều trị.
 
Những vết bỏng rát trên tay một bé sau khi đi bắt bọ 3 sọc về bán. Ảnh: Dân Việt 
Theo lời chị Yên, sáng cùng ngày chị đã thu mua loại bọ này của người dân địa phương bỏ vào bao ni lông, khi thương lái tới mua chị đã trực tiếp đổ vào bao cho thương lái. Khi đổ chị ngửi thấy mùi hắc rồi bị chóng mặt, nóng sốt và buồn nôn nên bảo người nhà đưa đi bệnh viện.
Trước đó Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô đã tiếp nhận cháu B.H., 8 tuổi, con gái chị Y Sương (trú xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô). Theo thông tin chị Y Sương cho biết tại trung tâm, vào ngày 22/8 bé B.H cùng một nhóm bạn đi bắt bọ 3 sọc về bán. Do bé dùng tay bắt nên bị ngứa, sau đó gãi nhiều nên bị bỏng rát nhiều chỗ trên cánh tay.
Theo Thủy Tiên (Đời sống & Pháp luật)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.