Chương trình chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tại các xã: Ia Mơr, Ia Lâu, Ia Piơr, Ia Púch… của huyện Chư Prông (Gia Lai) hiện có 9 doanh nghiệp thực hiện với diện tích 45.000 ha. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp rất lớn, song khi tuyển dụng thì chẳng dễ dàng gì.
Ông Nguyễn Anh Văn- Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Chư Prông, cho biết: Toàn huyện có 20 xã, thị trấn; số người trong độ tuổi lao động là 58.260/86.000 tổng số dân của toàn huyện, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46%. Ở đây, nhu cầu việc làm lao động nông thôn rất lớn, song vì trình độ sản xuất còn thấp, hơn nữa, vùng dự án xa nơi họ sinh sống, vì vậy việc tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trồng cao su gặp rất nhiều khó khăn.
Hướng dẫn cạo mủ cao su. Ảnh: Đức Thụy |
Nhiều giải pháp đã được triển khai
Dự án không những tạo ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, xóa đói giảm nghèo góp phần giữ vững an ninh vùng biên mà còn hàng ngàn người có cơ hội đổi đời; cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm cũng sẽ được đầu tư mở rộng, vùng sâu, vùng xa biên giới Chư Prông sẽ được khởi sắc trong tương lai gần... Xác định được lợi thế đó, từ năm 2010, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo tuyển dụng lao động, gắn trách nhiệm giữa doanh nghiệp với UBND các xã cùng phối hợp tuyên truyền, vận động người dân vào làm công nhân cao su. Đồng thời kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc, phấn đấu cao su trồng đến đâu người dân trong vùng dự án được tuyển dụng vào làm việc tới đó.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng người dân lại không mấy mặn mà. Được biết, trên địa bàn huyện, lao động qua đào tạo nghề mới chỉ đạt 18,2% trên tổng số lao động trong độ tuổi. Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã chọn huyện Chư Prông để mở 2 lớp thí điểm đào tạo nghề lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là lớp dạy nghề cạo mủ cao su và sửa chữa máy nông nghiệp với 63 lao động xã Ia Boòng được đào tạo. Kết thúc, lớp cạo mủ cao su đã có 7 người được Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông tuyển dụng vào làm việc.
Mới đây, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông cũng đã tuyển dụng 162 lao động là người dân xã Ia Boòng vào làm công nhân cao su. Hiện Công ty đã trồng mới được gần 2.000 ha cao su, thành lập thêm Nông trường An Phú và An Biên. Tương lai gần, Công ty sẽ hình thành khu dân cư mới, xây dựng cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho công nhân có cơ hội sinh sống, làm ăn. Song lao động sống ở xã Ia Boòng vào làm công nhân xã Ia Mơr, cách xa 50 cây số, tuyển được rồi nhưng giữ chân lao động sẽ khó khăn hơn.
Ông Lương Văn Quý- Chủ tịch Công đoàn Công ty, cho biết: Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi để người lao động khi vào làm công nhân sẽ gắn bó lâu dài với Công ty. Lao động làm việc 2 tuần sẽ được Công ty cho nghỉ 3 ngày để về thăm gia đình, đi lại có xe đưa đón. Các chế độ, quyền lợi của người lao động đều được đảm bảo. Vì thế, sau một tháng, công nhân đã yên tâm làm việc lâu dài cho Công ty.
Và những vấn đề đặt ra
Một số giải pháp đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Nhiều doanh nghiệp vì cần lao động mà tuyển người ở nơi khác vào làm công nhân. Việc này không đúng với mục tiêu của dự án là tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương. Vấn đề thứ hai là lao động ở nơi khác đến sẽ ảnh hưởng công tác quản lý xã hội, phá rừng, tranh chấp… Sau quá trình vận động, tuyên truyền thành công, bà con địa phương có nhu cầu vào làm công nhân lại không được giải quyết việc làm, sẽ gây bất ổn về an ninh nông thôn…
Tuyển dụng lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số là cả một quá trình. Thành công của công tác này ở 4 Công ty TNHH một thành viên Cao su: Chư Prông, Chư Sê, Chư Pah, Mang Yang và một số công ty trồng cao su thuộc Binh đoàn 15 là những kinh nghiệm quý. Vùng dự án Chư Prông hiện có một số doanh nghiệp tư nhân thực hiện, vì thế nếu không có giải pháp phù hợp thì không tránh khỏi khó khăn và hệ lụy sau này.
Đinh Yến