Thành đứng tần ngần, nhìn sang ngọn núi lởm chởm bên kia, buồn bã: 'Năm ngoái, bố mẹ em đã bị vùi chết ở bên đó, trong vụ sập hầm khai thác thiếc'.
|
Núi nham nhở sau khi đá, thiếc bị lấy đi ẢNH: K.HOAN |
Quỳ Hợp (Nghệ An), thủ phủ của khoáng sản đá trắng và thiếc. Ở đây, có 121 mỏ khai khoáng đã được cấp phép, khai thác. Khoáng sản bị lấy đi, để lại những quả núi tàn phế, rỗng ruột và nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Những quả "bom bùn" trên núi
Thành chở tôi lên núi Lan Toong (xã Châu Hồng, H.Quỳ Hợp) bằng chiếc xe máy cũ. Con đường lên đỉnh núi được mở để khai thác thiếc cheo leo, dốc dựng đứng chạy vòng vèo bên sườn núi. Bên trong quả núi rộng hàng trăm héc ta này có chứa quặng thiếc, một loại khoáng sản có giá trị.
Có 4 doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác thiếc ở quả núi này. 2 doanh nghiệp đã hết hạn khai thác sau nhiều năm moi ruột núi, 2 doanh nghiệp còn lại vẫn đang bạt núi tìm thiếc.
Mất chừng vài chục phút, Thành mới đưa tôi lên đến đỉnh một quả đồi cao hàng trăm mét. Trên đỉnh ngọn đồi này là đại bản doanh của Xí nghiệp khai thác Suối Bắc thuộc Công ty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh.
3 năm trước, một sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại đây, khi đập chứa bùn thải, nơi chứa nhiều chất nguy hại bị vỡ, tràn xuống sông suối. Người dân sống bên suối Nậm Huống (các xã Châu Cường và Châu Quang, H.Quỳ Hợp) buổi sáng hôm đó phát hiện nước từ thượng nguồn con suối đỏ quạch, chảy về nhiều bất thường. Nước chảy tràn đến đâu, cá tôm chết đến đó. Kết quả quan trắc nguồn nước này sau đó khiến nhiều người giật mình vì nhiều chất nguy hại cho sức khỏe như asen, crom… vượt hàng chục, hàng trăm lần mức cho phép đã tràn xuống sông, suối. Kể từ đó, xí nghiệp này bị dừng hoạt động để khắc phục hậu quả.
3 năm sau sự cố môi trường ấy, những dãy nhà ở của cán bộ, công nhân khai thác thiếc đang đóng cửa vì chưa được phép khai thác trở lại.
|
Một hầm khai thác thiếc đã đóng cửa, chỉ còn lộ ra lỗ nhỏ để vào hầm |
Thành lớn lên dưới chân núi Lan Toong này. 13 tuổi, cậu đã theo bố mẹ mang búa lên núi mót thiếc. Dẫn tôi đến một miệng hầm khai thác thiếc hun hút, bên trong tối đen, Thành nói hầm này, doanh nghiệp đã moi hết thiếc, bên trong lòng núi, giờ chằng chịt hang hốc. Sau khi moi hết thiếc, doanh nghiệp lấp miệng hầm, nhưng người dân địa phương vẫn bới ra để vào bên trong mót những vỉa thiếc vụn còn sót lại.
Trên núi Lan Toong, có hàng chục cái hầm, hang hốc như thế. Cửa hầm trông bé nhỏ, nhưng bên trong lòng núi, những hang hốc được khoét sâu hàng trăm mét, tỏa đi nhiều hướng. Để tìm, lấy những vỉa thiếc vụn còn sót lại, người đi mót dùng búa và đục để đục đá. Những mảnh đá được mang về, đem đến cơ sở chế biến quặng thiếc nghiền thành bột. Bột đá theo nguồn nước trôi đi, còn quặng thiếc thì ở lại.
Thành bảo, mỗi ngày mót thiếc cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Vào hầm mót thiếc là đánh đu với thần chết vì có thể sập bất cứ lúc nào. Ngày 13.3.2019, bố mẹ Thành đã bị vùi chết vì sập hầm. Ngày định mệnh đó xảy ra khi Thành đang đi làm thuê bên Trung Quốc. Bố mẹ Thành và những người cùng bản lên núi mót thiếc, bất ngờ đất đá phía trên hầm sụt xuống, vùi lấp 3 người. Bố mẹ Thành và một phụ nữ khác tử vong. 18 tuổi, Thành trở thành trụ cột của 2 đứa em còn nhỏ.
“Dân chẳng được gì, ngoài ô nhiễm”
Nằm dưới chân núi Lan Toong, bản Piêng Tò (xã Châu Hồng, H.Quỳ Hợp) bị kẹp giữa các mỏ thiếc và đá trắng. Đây cũng là nơi phải hứng chịu nặng nề hậu quả của khai khoáng.
Anh Nguyễn Văn Sáu, một cư dân của Piêng Tò, cho biết đất sản xuất của hơn 80 hộ dân trong bản đã được bàn giao cho Công ty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh để khai thác quặng thiếc từ nhiều năm trước. Lúc đó, doanh nghiệp này hứa sẽ khai thác cuốn chiếu, xong chỗ nào sẽ hoàn thổ chỗ đó và trả lại đất cho người dân trồng trọt.
“Nhưng đến nay, đã nhiều năm trôi qua, họ vẫn chưa trả đất cho dân”, anh Sáu nói. Khu đất ấy sau khi khai thác thiếc xong, doanh nghiệp khác lại sử dụng làm bãi thải, tập kết đá trắng. Cả Piêng Tò giờ chỉ 3 gia đình có đất sản xuất, được cải tạo từ đập chứa bùn thải của doanh nghiệp khai thác thiếc.
|
Bên trong các hầm khai thác thiếc nằm sâu trong núi |
Do nằm dưới thung lũng, bản Piêng Tò như cái máng nước hứng chịu hậu quả của khai khoáng: ô nhiễm nguồn nước, bụi. Anh Sáu bảo, dân bản ở đây không dám dùng nước giếng vì ô nhiễm do khai thác thiếc từ phía trên khiến nguồn nước bị nhiễm kim loại nặng.
Cho tôi xem clip quay được từ điện thoại di động ghi lại nguồn nước đặc quánh bùn từ trên núi Lan Toong chảy xuống cách đó mấy hôm, một người dân địa phương bảo sự cố này không phải hiếm thấy ở đây. Bằng mắt thường, người dân cũng biết nó nhiễm nhiều chất độc chết người. Nguồn nước suối bị ô nhiễm nghiêm trọng, người dân không dám chăn nuôi gia súc.
“Trước đây, nhiều nhà cũng nuôi trâu bò, nhưng nó cứ chết dần”, bà Lương Thị May, một người dân ở đây, nói. Hai ngày trước đó, nhà bà May có con bò duy nhất cũng bất ngờ lăn đùng ra chết. Bà May kể, mổ thịt, bên trong dạ dày bò toàn bùn với cát.
Có thời điểm, xã Châu Hồng có 14 doanh nghiệp khai khoáng đóng chân, nhưng người dân sống trên “mỏ vàng” này vẫn phải đi tha hương, cầu thực. “Dân chẳng được gì, ngoài ô nhiễm”, một cán bộ xã nói.
Ở phía hạ du các con suối, nhà máy nước sạch của H.Quỳ Hợp cũng phải hứng chịu hậu quả của khai khoáng. Nhà máy nước này cung cấp nước cho hàng ngàn hộ dân TT.Quỳ Hợp và vùng lân cận, nhưng liên tục bị phát hiện nhiễm chất độc gây ung thư như asen, crom vượt nhiều lần mức cho phép. Chính quyền, người dân lo lắng, nhưng việc tìm nguồn nước thô thay thế nguồn nước đã bị nhiễm độc cho nhà máy này không phải chuyện dễ.
Ông Nguyễn Minh Khôi, Phó phòng TN-MT H.Quỳ Hợp, cho biết asen, crom có trong lòng núi. Khi khai khoáng, các chất này bị “đánh thức”, theo dòng nước chảy ra môi trường bên ngoài. Việc xử lý asen, crom không hề dễ.
Xã, huyện cùng kêu khổ !
Những chiếc xe tải trọng hàng chục tấn chở khoáng sản ì ạch bò trên con đường nối từ trung tâm H.Quỳ Hợp với “vùng mỏ” của các xã Châu Hồng, Châu Thành, Châu Tiến… Mặt đường bị băm nát, nắng bụi mưa bùn. Ông Lương Văn Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, thở dài nói đó là hậu quả của khai khoáng. Dân, xã đã kêu từ nhiều năm nay, nhưng con đường này vẫn không được nâng cấp.
Báo cáo của UBND H.Quỳ Hợp mới đây cho biết, mỗi năm, nguồn thu từ khai khoáng là hàng trăm tỉ đồng, nhưng người dân ở đây lại không được hưởng lợi từ nguồn thu đó. Riêng phí cấp quyền khai khoáng mỗi năm khoảng 20 tỉ đồng, nhưng không được dùng để đầu tư trở lại nhằm phát triển kinh tế - xã hội như luật Khoáng sản quy định.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND H.Quỳ Hợp, cho rằng mỗi năm phí môi trường với các hoạt động khai khoáng ở Quỳ Hợp khoảng 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền được chi cho bảo vệ môi trường lại rất nhỏ. “Đây là vấn đề bất cập, gây khó khăn, thiếu thốn cho huyện và xã, nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Việc điều tiết ngân sách nói trên chưa đúng với quy định của pháp luật và nghị định hướng dẫn, huyện đã đề nghị, nhưng chưa được tỉnh điều chỉnh”, ông Tùng nói.
Những cái hầm khai thác thiếc bỏ hoang được bịt lại sơ sài, trở thành những cái bẫy gây họa cho người dân địa phương đi mót thiếc. Năm 2019, H.Quỳ Hợp đã phải huy động lực lượng và mất hơn 2 tuần để đánh sập hơn 40 miệng hầm bỏ lại sau khai thác. Không hoàn thổ hoặc chỉ làm sơ sài là cách đối xử của nhiều doanh nghiệp khai khoáng ở Quỳ Hợp sau khi thứ quý nhất là khoáng sản, đã được họ lấy đi.
Theo Khánh Hoan (Thanh Niên)