Về Đắk Tuôr nghe truyền thuyết tình yêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Buôn căn cứ cách mạng Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) không chỉ có bề dày về lịch sử mà còn nổi tiếng với dòng suối đẹp nên thơ và hang đá chứa đựng truyền thuyết ly kỳ, hấp dẫn.
 
Đắk Tuôr là một trong số ít buôn làng của huyện Krông Bông sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Nơi đây có dòng suối Đắk Tuôr nguyên sơ chảy trên ghềnh đá, đẹp như suối tóc sơn nữ. Nước suối trong vắt đến nỗi có thể nhìn rõ từng viên đá cuội nằm sâu dưới dòng nước và cả bầy cá nhỏ đang tung tăng bơi lội. Hai bên suối là hàng cây đại thụ nối nhau soi bóng. Nhìn lên phía thượng nguồn, có ba bậc thác tạo thành ba bậc thang, nước chảy tung bọt trắng xóa làm nên một bức tranh tuyệt đẹp. Nơi đây, thời kháng chiến chống Mỹ, các cán bộ cách mạng thường ra ngồi làm việc, tránh càn và cũng là phòng tuyến vòng trong bảo vệ hang đá Đắk Tuôr.


 

Lãnh đạo huyện Krông Bông và xã Cư Pui khảo sát tiềm năng du lịch tại suối Đăk Tuôr.
Lãnh đạo huyện Krông Bông và xã Cư Pui khảo sát tiềm năng du lịch tại suối Đăk Tuôr.


 Đặc biệt, Di tích lịch sử quốc gia hang đá Đắk Tuôr nằm cách dòng suối chừng 1 km là nơi cơ quan Tỉnh ủy đứng chân xây dựng vùng căn cứ cách mạng H9 - Krông Bông và lãnh đạo, chỉ đạo quân dân trong vùng lập nên những chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1965 – 1975. Ông Y Viên Niê, một già làng trong buôn Đắk Tuôr kể lại, không chỉ là nơi nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến, hang đá và con suối Đắk Tuôr từng chứa đựng một truyền thuyết về tình yêu đôi lứa. Theo truyền thuyết này, ngày xưa, con gái Yàng (Trời) xuống hạ giới dạo chơi, khi đi qua suối Đắk Tuôr thấy một chàng trai Êđê đang tắm liền nảy ra ý định trêu chọc. Sau đó cô biến thành một thiếu nữ xinh đẹp tới làm quen. Không ngờ cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên này khiến họ yêu nhau say đắm. Con gái Yàng quyết định ở lại trần thế và dùng phép thuật xây dựng nên hang đá Đắk Tuôr để hai người sống với nhau. Họ quấn quýt bên nhau nên quên luôn cả việc về báo cho Yàng. Yàng thấy con đi lâu không về bèn sai người đi tìm. Khi biết chuyện, Yàng nổi trận lôi đình sai quân bắt con gái cùng chàng trai Êđê về trời trị tội. Trước mặt Yàng và các vị thần linh khác, con gái Yàng xin từ bỏ mọi thứ trên cõi thần tiên để được xuống hạ giới chung sống với người mình yêu. Yàng giận lắm, ra lệnh trừng phạt hai người bằng cách biến họ thành hai con rết to bằng bắp chân người lớn bỏ vào hang đá Đắk Tuôr. Lạ thay, hai con rết to ấy sống trong bóng tối nhưng thân mình phát sáng như hai ngọn đèn. Chúng chỉ quanh quẩn với nhau trong hang không bao giờ ra ngoài. Người trong vùng gặp trắc trở về tình duyên tìm đến trước cửa hang cầu xin, nếu thấy rết bò ra khi về nhà sẽ được như ý.

 

Du khách cảm nhận dòng nước mát lành tại suối Đăk Tuôr.
Du khách cảm nhận dòng nước mát lành tại suối Đăk Tuôr.


Sau này có người lạ ở dưới xuôi lên thuê người trong buôn dẫn đường vào hang tìm rết. Dân buôn sợ Yàng phạt nên không ai muốn dẫn họ đi dù được hứa trả nhiều tiền. Sau đó, Y Ve, một thanh niên trong buôn lười làm, ham uống rượu, sống hơn ba chục mùa rẫy không ai bắt làm chồng, nghe lời người lạ dụ dỗ nên nhận lời dẫn đường. Y Ve dẫn ba người lạ lên trước cửa hang cầu khấn, hai con rết từ trong hang bò ra như mọi lần. Ba người lạ liền ập đến bắt bỏ vào gùi, lấy rổ đậy lại mang đi. Khi về đến dòng suối Đắk Tuôr, đám người lạ bảo nhau dìm gùi xuống nước để giết chết hai con rết. Một lúc sau khi mở gùi ra, xác hai con rết tan theo dòng nước để lại hai viên ngọc màu hồng to như quả trứng gà, sáng rực rỡ. Hai người đứng gần nhanh tay mỗi người giật một viên, người thứ ba không có liền nhảy vào tranh giành. Cuộc hỗn chiến xảy ra, Y Ve thấy ba người sát hại nhau, sợ quá bỏ chạy về buôn gọi người lên can ngăn. Khi người trong buôn lên đến nơi thấy ba cái xác chìm dưới suối, còn hai hòn ngọc biến mất. Kể từ đó hang đá không còn đôi rết nữa.

Ngày nay, truyền thuyết ấy dần chìm vào quên lãng, nhưng những giá trị về lịch sử ở nơi đây vẫn được chính quyền địa phương và các cấp, các ngành khơi gợi lại thường xuyên để du khách muôn phương cũng như thế hệ trẻ được biết. Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui chia sẻ: Những năm gần đây, lượng khách đến buôn Đắk Tuôr ngày một đông. Hầu hết du khách đều cảm thấy ấn tượng với cảnh sắc hoang sơ ở hang đá và suối Đắk Tuôr. Mặc dù chưa chính thức đưa vào khai thác du lịch nhưng địa phương đã rất nỗ lực trong việc chỉnh trang cảnh quan, làm sạch môi trường, khôi phục các hoạt động văn hóa và phát triển một số nghề truyền thống ở buôn Đắk Tuôr. Bên cạnh đó, buôn Đắk Tuôr đã được đưa vào Đề án phát triển tiềm năng du lịch của huyện Krông Bông nên tương lai không xa có thể sẽ trở thành điểm du lịch thân thiện, hút khách.

Theo Khả Lê (baodaklak)

 

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.