Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra những con số cực kỳ lạc quan về rừng của Việt Nam. Tuy nhiên, con số trên báo cáo đôi khi không thể thuyết phục, bởi lẽ thực tế cho một kết quả trái ngược.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng Việt Nam có độ che phủ rừng đến 42% |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói tại diễn đàn Quốc hội hôm 3.11: Năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%. Trong vòng 30 năm, đất nước GDP còn thấp như vậy nhưng chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững. Phát triển rừng trọng yếu để phát triển môi trường. Cho đến nay, ta đã có 14,6 triệu ha rừng, hệ số che phủ gần 42%, thế giới bình quân chỉ 29%.
Bộ trưởng Cường quả quyết, so với 30 năm trước, diện tích rừng tự nhiên tăng thêm 1,3 triệu ha.
Đồng ý với Bộ trưởng những con số nêu trên là chính xác, nhưng xin hỏi trong 14,6 triệu ha rừng này, có bao nhiêu ha là rừng tự nhiên thực sự có chất lượng, bao nhiêu là rừng trồng làm kinh tế với các loại cây caosu, bạch đàn, tràm...
Độ che phủ 42% trong lúc thế giới bình quân chỉ 29%. Cũng đồng ý với Bộ trưởng là con số này đúng, nhưng xin hỏi, phủ xanh bằng các loại cây khai thác kinh tế chỉ để làm mát mắt, thì chẳng có tác dụng hạn chế thiên tai, bão lũ.
Đại biểu Ksor H’Bơ Khắp cho rằng con số Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra là vô lý và “có gì đó thực sự là sai”, theo vị đại biểu này:
“Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu ha rừng ấy. Với cây caosu, cây càphê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng hay sao?".
Cũng xin nói thêm rằng, với hàng ngàn vụ lâm tặc phá rừng bị phát hiện, báo đăng cũng như không phát hiện qua mấy chục năm nay, thì lấy đâu ra con số tăng rừng tự nhiên như Bộ trưởng nói.
Phải tính lại từng ha rừng, chắt chiu giữ lại từng mét vuông rừng tự nhiên. Đừng lấy những con số trên giấy làm thuốc an thần cho một quốc gia mà rừng tự nhiên đã và đang bị phá hoại một cách nhiêm trọng.
Rừng tự nhiên bị phá nát, thay vào đó rừng trồng mới để phủ xanh, để làm kinh tế thì không thể ngăn được lũ lụt.
Để phục hồi diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đương nhiên cần rất nhiều thời gian, nhưng phải nhận thấy sự mất mát đó để quyết tâm làm thì mới có thành tựu.
Và không chỉ thế, ngăn chặn nạn phá rừng từ trong tư duy, như đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói: "Đơn cử khi mỗi người trong đầu vẫn quan niệm gỗ quý tự nhiên là đẹp hơn gỗ công nghiệp, vẫn khoe với khách đến thăm cái cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương hay lim, sến, táu... Rồi tự huyễn hoặc là gỗ của mình nhập khẩu từ Lào, Miến..., không phải phá rừng đặc dụng Việt Nam".
Phải thay đổi, nếu không thì sẽ đến lúc con cháu chúng ta phải trả giá đắt hơn chúng ta mỗi khi mưa bão ập đến.
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)