Ưu tiên nguồn lực thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia tại Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh được Trung ương ưu tiên nguồn lực thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Một hộ nông dân ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk GLong mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn rau đảm bảo chất lượng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Một hộ nông dân ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk GLong mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn rau đảm bảo chất lượng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Một trong các mục tiêu quan trọng của ba chương trình là giảm nghèo, nhất là hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng kinh phí của ba chương trình gần 2.500 tỷ đồng; trong đó, riêng năm 2023 hơn 1.000 tỷ đồng.

Kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 tại Đắk Nông vừa được lãnh đạo UBND tỉnh ký phê duyệt, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm hơn giảm 3,22% (tương đương với gần 5.000 hộ) so với kết quả rà soát thực hiện trước đó 1 năm. Toàn tỉnh có 13.342 hộ nghèo, chiếm 7,97%.

Tương tự, tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số chung và tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số tại chỗ (M’Nông, Mạ, Êđê) của tỉnh Đắk Nông năm 2022 giảm mạnh. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số chung hơn 20%, giảm gần 8% so với cùng kỳ và tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số tại chỗ hơn 24,5%, giảm hơn 8% so với năm trước đó. Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 40 dân tộc anh em cùng chung sống với tổng số dân hơn 691.000 người.

Công tác giảm nghèo của tỉnh Đắk Nông tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ. Nhờ sự ưu tiên nguồn lực của Trung ương và sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương và các đơn vị liên quan đã có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt. Nhiều mô hình sản xuất, làm ăn kinh tế hiệu quả được tập trung phát triển, giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Các vấn đề tồn tại dai dẳng liên quan tới dân di cư không theo quy hoạch như tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… từng bước được giải quyết. Tại nhiều địa phương, một số mô hình làm phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ - phát triển rừng, du lịch cộng đồng đang mở ra hướng đi mới cho cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Có thể bạn quan tâm